Theo đó, cử tri kiến nghị: “Bộ sớm lập hồ sơ phương án tuyến tỷ lệ 1/500 dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, triển khai cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông tuyến đường sắt tốc độ cao để công khai phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt cho người dân khu vực hai bên dự án tuyến đường sắt đi qua yên tâm sản xuất, kinh doanh”.
Phúc đáp vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm với chiều dài khoảng 1.545km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đã gửi hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định theo quy định làm cơ sở để trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
“Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội triển khai cắm mốc giới phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông tuyến, ga theo quy định, làm cơ sở quản lý quỹ đất, để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh như kiến nghị của cử tri”, Bộ GTVT thông tin.
Theo đề xuất của Liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam qua Hà Nội dự kiến dài 27km, có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, thuộc xã Liên Ninh và Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.
Từ ga Ngọc Hồi, tuyến đường đi theo hành lang quy hoạch qua huyện Thường Tín, đến cuối huyện Phú Xuyên rồi vòng tránh khu công nghiệp Đồng Văn ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tiếp đó tuyến đường vượt quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam hiện tại, đi về phía đông đường bộ cao tốc Pháp Vân đến TP Phủ Lý.
Tổ hợp ga Ngọc Hồi gồm ga hành khách, ga hàng hóa và depot để chứa tàu, tác nghiệp bảo trì, bảo dưỡng đầu máy, toa xe. Khu depot dự kiến bố trí tại phía tây của tổ hợp. TP Hà Nội đã dự kiến dành khoảng 250 ha để xây dựng đầy đủ chức năng của một ga đầu mối quốc gia và đô thị.
Ga Ngọc Hồi đã quy hoạch đầy đủ hệ thống giao thông đồng bộ với 3 tuyến đường sắt đô thị, 4 tuyến đường sắt quốc gia, sẽ giúp hành khách đường sắt tốc độ cao lưu thông thuận tiện.
Dự kiến năm 2050, nhu cầu khách về ga Ngọc Hồi khoảng 170.000 người mỗi ngày đêm, trong đó khoảng 46.000 có nhu cầu đi vào trung tâm (chiếm 27%), còn lại 124.000 khách đi đến các quận huyện và tỉnh thành khác (chiếm 73%).
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cu-tri-ha-noi-kien-nghi-cam-moc-hanh-lang-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-2331050.html