Tham dự Hội thảo, về phía tỉnh Lào Cai có các ông: Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai; đại diện một số sở, ngành, địa phương và hộ dân đang trồng cây hồi trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có một số chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT); Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu ngành hàng hồi tại Việt Nam…
Tại Hội thảo, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Qua kết quả điều tra sơ bộ cho thấy cây hồi đã được trồng tại xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương; thị trấn Bắc Hà, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà từ nhiều năm về trước và phát triển tốt, hiện đã cho sản phẩm (hoa hồi). Các cây hồi ở khu vực này được trồng ở độ cao trên 800m so với mực nước biển.
Từ năm 2017 – 2021, đã tiến hành trồng thử nghiệm tại xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương khoảng 57 ha; 1 ha tại xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà. Diện tích hồi phát triển tốt và những diện tích trồng năm 2017, 2018 đã ra hoa.
Vùng cao Lào Cai có diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm khoảng 60% diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp và hiện chưa xác định được cây trồng lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giảm thiểu tác động vào rừng tự nhiên, thay đổi nhận thức của nhân dân và giảm việc lấn chiếm, phát phá, cháy rừng ở vùng cao.
Từ kết quả khảo nghiệm tại Mường Khương, Bắc Hà và nghiên cứu thị trường nêu trên, cho thấy việc phát triển vùng nguyên liệu hồi tại Lào Cai có tính khả thi rất cao, nếu phát triển được sẽ tạo ra ngành hàng xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần vào việc tăng tỷ lệ che phủ rừng, thực hiện được cơ chế mua – bán tín chỉ carbon.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung như: Phát triển lâm sản ngoài gỗ; trong đó có cây hồi gắn với phát triển lâm nghiệp bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon. Kết quả trồng khảo nghiệm cây hồi trên địa bàn xã Tả Ngài Chồ – huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai từ 2017 đến nay và đề xuất giải pháp; thực trạng ngành hàng hồi ở Việt Nam và tiềm năng phát triển; sâu bệnh trên cây hồi, giải pháp hiệu quả để phát triển sản phẩm hồi hữu cơ…
Sản lượng sản phẩm hồi, quế xuất khẩu trong 3 năm 2021 – 2023 và 8 tháng năm 2024; nhu cầu của thị trường quốc tế và những yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm khi xuất khẩu sản phẩm gia vị. Giải pháp kỹ thuật để nâng tỷ lệ cây hồi ra hoa, kết quả; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi để tăng thu nhập cho nông dân. Những khó khăn, thách thức khi xuất khẩu sản phẩm gia vị ra thị trường quốc tế và những kiến nghị với tỉnh Lào Cai về phát triển ngành hàng hồi, quế.
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm 2023, sản lượng hồi xuất khẩu ra 80 quốc gia, vùng lãnh thổ đạt 16.136 tấn và 8 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 9.800 tấn, giá trị đạt 41,9 triệu USD.
Trình bày kết quả trồng khảo nghiệm cây hồi trên địa bàn xã Tả Ngài Chồ – huyện Mường Khương từ 2017 đến nay, ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai thông tin: Sau nhiều năm thực hiện dự án, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cùng với cấp uỷ, chính quyền xã tuyên truyền vận động 69 hộ gia đình tham gia dự án trồng được 57 ha cây hồi trên địa bàn xã Tả Ngài Chồ.
Đến nay, diện tích cây hồi trồng từ năm 2017 đã ra hoa, đậu quả. Tuy nhiên, do diện tích trồng hồi còn ít và mới vào những năm đầu ra hoa nên sản lượng thấp, các hộ chủ yếu thu hoạch để sử dụng tại gia đình và bán nhỏ lẻ tại chợ.
Tại địa bàn huyện Mường Khương, giá bán hoa hồi từ 40.000-50.000 đồng/kg đối với hoa tươi, khoảng 300.000 đồng/kg hoa khô. Do diện tích trồng mới ra hoa bói những năm đầu chưa đánh giá chính xác được sản lượng và hiệu quả kinh tế.
Ông Vũ Hồng Điệp đề nghị, ngoài việc chỉ đạo, triển khai của đơn vị chủ trì dự án rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn cấp huyện trong việc chăm sóc, bảo vệ, thu hái đối với diện tích hồi đã ra hoa.
Để có cơ sở đề xuất phát triển mở rộng vùng nguyên liệu hồi, cần tiếp tục đánh giá về hiệu quả kinh tế; nghiên cứu, lựa chọn cây trồng phụ trợ dưới tán hồi để có thu nhập thêm trong thời gian đợi cây hồi cho thu hoạch.
Việc trồng mới cây hồi nên trồng với mật độ 830 cây/ha và khuyến khích người dân trồng xen cây phụ trợ (lúa nương, ngô, tam giác mạch, …) ngay từ năm đầu.
Cũng tại Hội thảo, TS. Trương Tất Đơ, Cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ về phát triển lâm sản ngoài gỗ, trong đó có cây hồi gắn với phát triển lâm nghiệp bền vững, giảm thải khí nhà kính, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon.
Các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng tốt nhưng phẩm chất ở mức trung bình hoặc thấp, không có thương hiệu, nhãn mác thường do các doanh nghiệp nước ngoài thu mua về đóng nhãn.
Theo TS. Trương Tất Đơ, vùng trồng hồi chính hiện nay là phân bố chủ yếu tại Văn Quan (Lạng Sơn), Bình Liêu (Quảng Ninh), Chợ Mới (Bắc Kạn) và tương lai là tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Bởi hồi là cây thân gỗ, sống lâu năm, có khả năng phòng hộ, lưu trữ carbon rừng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho rằng cuộc sống người dân trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, huyện đang ưu tiên trồng các cây chủ lực theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai.
Cây hồi là cây trồng mới nên người dân còn e ngại, chất lượng về mặt kinh tế loại cây này chưa khả thi. Qua các chuyến tham quan ở tỉnh Lạng Sơn, việc trồng cây hồi phát triển tốt nhưng chưa phải đã mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cây hồi rất cao, khó khăn trong việc thu hái…
Ông Tô Việt Thành mong muốn các sở, ngành của tỉnh Lào Cai tiếp tục xây dựng mô hình khảo nghiệm để đánh giá cây hồi. Đề nghị tỉnh Lào Cai có chính sách ưu đãi khi mới đưa vào trồng cây hồi. Nghiên cứu thị trường tiêu thụ, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư để có đầu ra cho sản phẩm hồi ổn định.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho rằng từ thực tiễn đã thực nghiệm và tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực đủ điều kiện khẳng định cây hồi phát triển tốt và sẽ đem lại thu nhập cho người nông dân Lào Cai khi hình thành một ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Do đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ chủ trì cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh, các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát đi thăm quan học tập và tìm hiểu thị trường, kết nối doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm hồi. Chủ trì xây dựng Đề án tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng hồi.
Hội Nông dân tỉnh Lào Cai sẽ tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đề xuất từ các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để có văn bản đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh.
Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ tỉnh Lào Cai. Mong các ngành, các địa phương thống nhất đề xuất với tỉnh để có chủ trương chung; đề nghị các hộ dân tiếp tục duy trì, chăm sóc, phát triển diện tích cây hồi đã có.
Trước khi tham gia Hội thảo tiềm năng phát triển ngành hàng hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ngày 10/10, các đại biểu đã đến xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương (Lào Cai) thăm mô hình trồng cây hồi. Đây là dự án do Trung tâm Hợp tác quốc tế và xúc tiến lâm nghiệp Nhật Bản (JIFPRO) tài trợ.
Với sự triển khai tích cực, chủ động của Tổ dự án JIFPRO, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các hộ gia đình, các mô hình đã được triển khai đúng kế hoạch và bước đầu đạt những kết quả khả quan với tỷ lệ sống cao, phát triển trung bình, một số diện tích phát triển tốt đã cho hoa.
Nguồn: https://danviet.vn/lao-cai-tham-vong-tro-thanh-vung-nguyen-lieu-moi-cua-loai-cay-duoc-lieu-quy-20241011084425437.htm