Một nghiên cứu được công bố ngày 10/10 cho thấy việc các hãng truyền thông nước ngoài, đặc biệt là phương Tây, đưa tin tiêu cực về các vấn đề của châu Phi đang khiến nền kinh tế của châu lục này mất khoảng 4,2 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,14% GDP của toàn châu Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược Africa Practice và nhóm vận động hành lang Africa No Filter quy trách nhiệm cho cách miêu tả rập khuôn của các phương tiện truyền thông phương Tây về châu Phi đã làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư đối với châu lục này và kìm hãm tăng trưởng tại đây.
Với tựa đề “Cái giá của các khuôn mẫu truyền thông đối với châu Phi,” nghiên cứu tập trung vào thông tin về các quy trình bầu cử ở Kenya, Nigeria, Nam Phi và Ai Cập cũng như phạm vi đưa tin lệch lạc từ các đơn vị truyền thông lớn ở Bắc bán cầu.
Nghiên cứu cho biết các quốc gia châu Phi nhận được nhiều sự chú ý của giới truyền thông hơn trong các cuộc bầu cử, nhưng cách đưa tin của các phương tiện truyền thông phương Tây lại tập trung quá mức vào các vấn đề tiêu cực như bạo lực và gian lận bầu cử.
Trái lại, họ có xu hướng đưa nhiều thông tin tích cực hơn ở các quốc gia khác ngoài châu Phi trong thời gian vận động tranh cử. Chẳng hạn như có tới 88% số bài đăng trên phương tiện truyền thông về Kenya trong quá trình bỏ phiếu là tiêu cực và giật gân.
Theo nghiên cứu, thông tin lạc quan trên các phương tiện truyền thông có thể giúp làm giảm lãi suất vay trên lục địa này tới 1%, thúc đẩy sự ổn định kinh tế vĩ mô và niềm tin của các nhà đầu tư.
Nếu không thiệt hại 4,2 tỷ USD hằng năm do thông tin tiêu cực trên phương tiện truyền thông nước ngoài, số tiền này lẽ ra có thể dành để tài trợ cho việc giáo dục 12 triệu trẻ em châu Phi và cung cấp vaccine cho hơn 73 triệu người.
Giám đốc điều hành (CEO) công ty Africa Practice, Marcus Courage, cho biết việc thúc đẩy báo cáo công bằng, khách quan và tích cực hơn về châu Phi sẽ thúc đẩy xếp hạng tín dụng của châu lục này và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực quan trọng như du lịch, sản xuất và dịch vụ tài chính.
Trong khi đó, CEO của Africa No Filter, Moky Makura, cho rằng khi châu Phi cân nhắc thành lập cơ quan xếp hạng tín dụng của riêng mình, các chính phủ nên lan tỏa các thông tin tích cực như tăng trưởng bền vững, các nỗ lực đổi mới hay những lợi ích của dân số trẻ./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/chau-phi-mat-42-ty-usd-moi-nam-do-thong-tin-xau-tren-truyen-thong-phuong-tay-post982712.vnp