Nhà văn Han Kang đã tạo nên dấu ấn lịch sử khi trở thành người Hàn Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn học năm 2024, đưa văn chương xứ sở kim chi ra ánh sáng sân khấu toàn cầu.
Sinh năm 1970 tại Gwangju, Hàn Quốc, Han Kang là một trong những nhà văn nổi bật của thế hệ đương đại. Bà xuất thân trong gia đình có truyền thống văn học với người cha là một tiểu thuyết gia nổi tiếng – ông Han Seung-won. Ngoài đam mê viết lách, bà dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật và âm nhạc.
Giải Nobel Văn học 2024 vinh danh nữ nhà văn Hàn Quốc Han Kang. (Nguồn: Viện Hàn lâm Thụy Điển) |
Han Kang theo học Văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei và bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình với tư cách là một thi sĩ.
Bà ra mắt sách lần đầu vào năm 1993, khi xuất bản 5 bài thơ, trong đó có bài “Mùa Đông ở Seoul,” được đăng trong ấn bản mùa Đông của tạp chí Munhak-gwa-sahoe (Văn học và Xã hội).
Năm 1994, bà bắt đầu sự nghiệp tiểu thuyết gia khi giành giải thưởng Văn học mùa Xuân của nhật báo Seoul Shinmun với tác phẩm “Mỏ neo đỏ”.
Trong sự nghiệp của mình, Han kang đã ra mắt nhiều tác phẩm nổi bật như tập truyện ngắn Trái cây của người phụ nữ của tôi (2000), Người ăn chay (2007) với Giải Man Booker quốc tế năm 2016 và các tác phẩm khác như Hơi thở đấu tranh (2010), Bản chất của người (2014) và Trắng (2016).
Bà cũng nhận nhiều giải thưởng văn học, bao gồm giải Tiểu thuyết Hàn Quốc, giải Nghệ sĩ trẻ hôm nay và giải thưởng Văn học YiSang.
Gần đây, tiểu thuyết mới nhất của bà là Tôi không nói lời tạm biệt đã được trao giải Médicis tại Pháp vào năm 2023 và giải Émile Guimet vào năm 2024.
Tác giả quen thuộc với độc giả Việt
Tên tuổi nhà văn Han Kang đã không còn xa lạ với độc giả Việt Nam qua những tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ và giàu tính nhân văn.
Sự xuất hiện của bà trên văn đàn Việt Nam không chỉ giúp độc giả tiếp cận với văn học Hàn Quốc mà còn mở ra những góc nhìn mới về con người và xã hội.
Người ăn chay là một trong những tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản tại Việt Nam năm 2021, nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới phê bình và độc giả.
Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của Yeong-hye, một phụ nữ quyết định từ bỏ thịt và từ chối các quy chuẩn xã hội, dẫn đến những xung đột trong gia đình và cuộc sống.
Tác phẩm không chỉ phản ánh những nỗi đau, sự mất mát mà còn khắc họa sâu sắc tâm lý nhân vật với bút pháp nhuốm màu sắc siêu thực.
Điều đó thu hút và đưa độc giả Việt vào góc nhìn mới mẻ, như một cách để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu có sự cân bằng giữa tự do nhân vị và bản thể sinh thái hay không?
Bên cạnh tác phẩm Người ăn chay, các tác phẩm khác của tác giả như Bản chất của người, Trắng và gần đây nhất là Tôi không nói lời tạm biệt đã được dịch và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ độc giả Việt Nam. Những tác phẩm này đều mang đậm dấu ấn cá nhân của bà với phong cách viết giàu cảm xúc và sự sâu sắc trong từng câu chữ.
Han Kang bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình với tư cách là một thi sĩ. (Nguồn: The New York Times) |
Bản sắc văn chương độc đáo
Phong cách viết của Han Kang được miêu tả là thơ mộng, tinh tế và đôi khi đầy bi kịch. Bà khéo léo kết hợp giữa cái đẹp và nỗi đau, đưa độc giả vào hành trình sâu sắc của nhân vật.
Các chủ đề như bạo lực, cái chết, sự mất mát và đấu tranh của con người trong xã hội hiện đại thường xuất hiện trong tác phẩm của bà, tạo nên những cảm xúc mãnh liệt và sự đồng cảm từ phía độc giả.
Đặc biệt, trong các tác phẩm của bà, nhiều nhân vật chính là phụ nữ nhưng lại được kể theo góc nhìn của đàn ông.
Như lời mở đầu cuốn tiểu thuyết Người ăn chay: “Trước khi vợ tôi chuyển sang ăn chay, tôi luôn nghĩ cô ấy hoàn toàn không có gì nổi bật về mọi mặt. Tuy nhiên, nếu không có sức hấp dẫn đặc biệt nào, cũng không có nhược điểm cụ thể nào, thì không có lý do gì để hai chúng tôi không kết hôn”.
Qua những tác phẩm, nhà văn không chỉ tạo ra một không gian văn học giàu chất thơ mà còn mở ra góc nhìn sâu sắc về hiện thực, khắc họa rõ nét những đau thương mà con người phải gánh chịu trong lịch sử.
Cuốn tiểu thuyết Bản chất của người là ví dụ điển hình cho điều này. Tác giả lấy đề tài từ một sự kiện lịch sử ở thành phố Gwangju, nơi bà sinh ra và cũng là nơi hàng trăm sinh viên và thường dân bị thảm sát năm 1980 dưới chế độ độc tài.
Qua từng trang sách, văn sĩ đã khắc họa chân thực những đau thương và nỗi mất mát mà các nạn nhân và gia đình họ phải gánh chịu.
Bà không ngại thể hiện những hình ảnh ám ảnh, như những linh hồn của người chết tách khỏi cơ thể, cho phép họ chứng kiến sự ra đi của chính mình. Những đoạn viết này gây ấn tượng mạnh mẽ khiến độc giả cảm nhận được sự đau đớn, bi thương mà nhân loại đã phải trải qua.
Chiến thắng đầy bất ngờ
Chiến thắng của Han Kang tiếp tục khẳng định yếu tố bất ngờ của giải Nobel Văn học, khi mà giải thưởng này từ lâu thường chú trọng vào các tác giả châu Âu và Bắc Mỹ với những tác phẩm nặng về phong cách nhưng nhẹ về cốt truyện.
Giải thưởng này cũng có sự chiếm ưu thế của nam giới, tính đến nay chỉ có 17 phụ nữ trong tổng số 119 người đoạt giải. Tác giả nữ gần đây nhất giành giải là Annie Ernaux của Pháp, vào năm 2022.
Theo Ellen Mattson, thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển, về lý thuyết, Nobel Văn học có thể trao cho bất kỳ ai cống hiến cho sự nghiệp viết lách và tạo tác những thành quả tuyệt vời.
Giải Nobel Văn học năm nay còn là bất ngờ đối với chính chủ nhân của nó. Khi công bố giải thưởng, ông Mats Malm, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, cho biết bà Han “đang trải qua một ngày bình thường” và “vừa ăn tối xong với con trai” khi ông gọi điện chúc mừng bà.
Ông chia sẻ: “Bà ấy thực sự không chuẩn bị cho việc này, nhưng chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về việc chuẩn bị cho tháng 12. Lễ trao giải Nobel sẽ diễn ra tại Stockholm vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel vào năm 1896”.
Cuốn tiểu thuyết “Bản chất của người” được phát hành tại Việt Nam. (Nguồn: Nhã Nam) |
Nhận xét về phong cách của văn sĩ Han Kang, ông Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel cho rằng: “Văn phong thơ mạnh mẽ, đối diện với các chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người, cô ấy đã trở thành một nhà cách tân trong văn xuôi đương đại” .
Bà Anna-Karin Palm, thành viên Ủy ban Nobel Văn học, cũng chia sẻ thêm: “Văn phong mạnh mẽ, trữ tình của tác giả Han gần như đóng vai trò như một sự an ủi trước những bạo lực lịch sử này. Bản thân văn xuôi rất dịu dàng nhưng phong cách văn chương của cô ấy như trở thành một lực lượng đối trọng với sự ồn ào tàn bạo của quyền lực”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/giai-nobel-van-hoc-2024-con-duong-va-tac-pham-nghe-thuat-day-dam-me-cua-nu-van-si-han-quoc-289667.html