Dự thảo Luật Nhà giáo với đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của giáo viên đang trong thời gian công tác thu hút sự quan tâm của dư luận.
Với đề xuất này, căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ giáo dục (Bộ GD-ĐT) chia sẻ, dự thảo đề xuất miễn học phí cho con giáo viên được đưa ra nhằm xây dựng chính sách giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác, gắn bó với ngành và thu hút người giỏi trở thành nhà giáo.
“Chính vì thế trong khi thiết kế Luật chúng tôi có dự kiến một số nội dung, bao gồm miễn giảm học phí cho con nhà giáo đang công tác. Với tinh thần cầu thị, ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của đội ngũ nhà giáo, dư luận xã hội cũng như cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và nghiên cứu trong thời gian tới để đảm bảo tính phù hợp, khả thi.
Mặc dù nhà giáo cũng có những đặc biệt trong hoạt động nghề nghiệp nhưng chúng tôi sẽ lưu ý để tránh tạo ra sự bất hợp lý trong chế độ chính sách của đội ngũ nhà giáo so với viên chức ngành nghề khác”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận, đề xuất cần tính toán thêm cho phù hợp với điều kiện thực tế để không tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán đề xuất miễn học phí cho con giáo viên trong thời gian tới”, ông nói.
Theo ông, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định mức lương nhà giáo cần được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Ngoài ra, với thiết kế Luật nhà giáo hiện nay, nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, được hưởng lương cao nhất trong hệ thống lương ngành. Giáo viên cũng được hưởng một số phụ cấp như ưu đãi khi công tác ở vùng sâu, vùng xa, phụ cấp công tác ở vùng kinh tế hải đảo theo quy định của pháp luật…
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đề xuất này nhân văn, rất mới và đột phá, thể hiện nhất quán tinh thần của Đảng và nhà nước khi xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục đào tạo, là tài sản và vốn quý báu của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả “trồng người”.
Nó cũng là thông điệp mang tính thấu hiểu và động viên rất lớn của Chính phủ, của tư lệnh ngành với các nhà giáo, ghi nhận những cống hiến của đội ngũ giáo viên, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng sống, đồng thời tạo động lực cho sự tâm huyết tiếp tục đóng góp của họ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, đề xuất này cần tiếp tục bàn thảo để đảm bảo tính khả thi, công bằng trong việc hiện thực. Cần xác định lại phạm vi nội hàm của đối tượng thụ hưởng, là giáo viên, giảng viên hay là nhà giáo nói chung.
Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019 quy định “Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên”.
Như vậy, số lượng đối tượng liên quan sẽ rất lớn. Bản thân việc định nghĩa như thế cũng chưa thực sự hợp lý và cần xác định rõ ràng lại trong Luật Nhà giáo sẽ ban hành tới đây.
“Để đảm bảo tính công bằng, chúng ta cũng phải tính đến cả những nhà giáo trong hệ thống công lập và trong hệ thống tư thục. Cần có chính sách thế nào với những nhà giáo là người nước ngoài đang phục vụ trong hệ thống giáo dục của Việt Nam để đảm bảo sự khả thi”, ông Nam nêu ý kiến.
Đối với những nhà giáo phục vụ trong hệ thống trường của quân đội, đã hưởng các chế độ của quân đội, nếu được hưởng thêm các chính sách này liệu có bị chồng lấn?
“Tôi dự đoán nếu thực hiện chính sách này sẽ tạo ra nhiều tranh luận vì nhiều ngành nghề khác cũng cống hiến và phụng sự xã hội và gặp nhiều khó khăn nhưng họ lại không nhận được sự hỗ trợ tương tự. Điều này có thể làm dấy lên những thắc mắc về việc liệu chính sách này có tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm nghề nghiệp hay không.
Ngay cả khi chính sách được thực hiện, có lẽ bản thân một số nhà giáo ở những địa phương thuận lợi, có điều kiện kinh tế xã hội phát triển cũng có thể từ chối không nhận với mong muốn nhường quyền lợi cho những hoàn cảnh khó khăn hơn, sẽ xử lý thế nào?
Với nhà giáo, nhiều khi việc được cho đi, được làm những điều phù hợp với giá trị sống và được xã hội, cộng đồng ghi nhận, tôn vinh mới là điều quý giá nhất họ hướng đến”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Cô giáo Nghệ An: ‘Muốn tôn vinh nhà giáo, xin đừng miễn học phí cho con chúng tôi’
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bo-gd-dt-noi-ly-do-de-xuat-chi-9-200-ty-mien-hoc-phi-cho-con-giao-vien-2330523.html