Mười ngày sau ca ghép, có đến 70% là bệnh nhân đã được cứu sống, trong khi trước đó sự sống của anh này đã tính bằng ngày bởi các phương pháp điều trị thông thường đã không thể đáp ứng.
Theo ông Dương Đức Hùng – giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những ca phẫu thuật lớn như thế này cần cả một ê kíp phối hợp nhuần nhuyễn, ngay từ khâu nhận tạng.
Ngày 30-9, khi nhận được thông tin người hiến tạng ở Nghệ An, các bác sĩ đã vào Nghệ An, chia hai nhóm, một nhóm ở lại giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An ghép thận cho hai người (từ thận hiến tặng của người hiến này), một nhóm vận chuyển tim, gan ra Hà Nội. Trước đó, họ phải hồi sức các mô, tạng để khi ghép đạt được hiệu quả cao nhất.
Và ngay trong ca ghép, thất bại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thậm chí khi ca ghép hoàn tất vẫn có thể xảy ra ngừng tim, vì vậy các bác sĩ gây mê hồi sức phải theo dõi liên tục để xử lý.
Cả một tập hợp các bác sĩ giỏi tỉ mỉ theo dõi từng phút để có được kết quả tốt nhất.
Không chỉ người bệnh, cả gia đình anh, với cha mẹ, vợ và hai con nhỏ đều mong cái kết có hậu. Có được niềm vui ấy là nhờ người hiến tạng và các bác sĩ.
Nhưng điều bất ngờ, bên cạnh những chia sẻ về nỗi vất vả của người thầy thuốc để cứu sống người bệnh như một thứ đam mê, ông Dương Đức Hùng nói dù ca mổ dài hay ngắn, kể cả những ca phẫu thuật đặc biệt như thế này, các bác sĩ chính, người gây mê chính cũng chỉ được nhận phụ cấp 280.000 đồng, bác sĩ phụ mổ, phụ gây mê hồi sức phụ cấp còn 200.000 đồng.
Còn với ca phẫu thuật loại 1, bác sĩ chính nhận phụ cấp 125.000 đồng, tương đương hơn hai tô phở ở đô thị.
Sẽ là khập khiễng khi so sánh tinh thần cứu người của các y bác sĩ với tiền bạc. Nhưng cũng có một góc nhìn khác đó là cần sòng phẳng hơn để các y bác sĩ, nhất là người trẻ ngoài đam mê chữa bệnh cứu người còn có thêm động lực để học, để trau dồi các kiến thức, kỹ thuật mới, phức tạp mà thế giới đã có. Điều đó chỉ có lợi cho người bệnh, cho ngành y tế nước nhà.
Thực tế, không chỉ trong nước, đã có người Việt định cư ở nước ngoài về nước đăng ký vào danh sách chờ nhận tạng, bởi họ rất tin tưởng tay nghề bác sĩ Việt Nam.
Và các bác sĩ khi đi báo cáo ở nước ngoài cũng tự tin, rằng bác sĩ Việt Nam không chỉ đến nghe như trước đây, mà còn đến để nói về kinh nghiệm.
Đã có nhiều bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học về phẫu thuật cột sống, mổ nội soi, nha khoa. Việt Nam cũng đang đào tạo bậc đại học và sau đại học ngành y cho hàng trăm học viên từ Ấn Độ…
Để có được kết quả này đòi hỏi phải đầu tư, không chỉ Nhà nước đầu tư, bệnh viện đầu tư mà các cá nhân người làm nghề cũng phải đầu tư. Muốn đầu tư phải có kinh phí, với cá nhân là tiền.
Biết rằng nghề y được xếp là “nghề đặc biệt và được đãi ngộ đặc biệt”, nhưng sự đãi ngộ ấy, qua mức phụ cấp được ban hành từ 2011, không rõ có còn gọi là “đặc biệt” khi thời giá rất khác so với hiện nay. Bộ Y tế cũng đang sửa nhưng chưa áp dụng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ca-mo-dac-biet-va-khoan-phu-cap-280-000-dong-20241011100626902.htm