Tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích rừng là 248.189,09 ha (rừng tự nhiên 126.693,87 ha, rừng trồng 121.495,22ha và đất quy hoạch phát triển rừng 29.709,91 ha; Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh duy trì ổn định, đạt 49,4% (năm 2023). Những năm qua, công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được quan tâm chú trọng đầu tư.
Từ năm 2014, với sự hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông T.Ư, ngành NN-PTNT Quảng Trị đã triển khai xây dựng thành công nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Đến nay, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 18.049,6 ha. Bên cạnh đó tỉnh đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC giữa các chủ rừng với doanh nghiệp có chứng chỉ CoC, ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các Hợp tác xã nói riêng với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 10 – 12%.
Công tác trồng rừng ở Quảng Trị luôn được chú trọng với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, quản lý rừng theo hướng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế là xu hướng tất yếu của phát triển lâm nghiệp, cấp chứng chỉ rừng sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho hàng hóa xuất khẩu đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Vì vậy, Quảng Trị đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ này; tuyên truyền đến các cấp, các chủ rừng và nhân dân xác định nội dung chứng chỉ rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 26.135,65 ha rừng đã đạt chứng chỉ FSC.
Bởi cây rừng với chức năng hấp thụ và lưu giữ carbon, qua đó tỉnh Quảng Trị với diện tích rừng lớn là một địa phương rất có tiềm năng trong lĩnh vực cung cấp tín chỉ carbon từ rừng.
Trên thị trường thế giới tín chỉ carbon là một chứng nhận thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO₂) hoặc tương đương. Chứng nhận này có thể dùng để trao đổi buôn bán, giúp cá nhân và doanh nghiệp chung tay chống lại biến đổi khí hậu với giá trị khoảng 5 USD/tấn.
Nỗi vất vả của những người lính biên phòng và kiểm lâm khi giữ rừng
Theo thông tin từ ông Đồng, hiện nay trên tỉnh Quảng Trị đang thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) theo ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD). Trong 3 năm từ năm 2023 đến năm 2025, Bộ NN-PTNT sẽ phân bổ cho tỉnh Quảng Trị 2,636 triệu USD để chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên hưởng lợi.
“Với diện tích rừng lớn, khả năng hấp thụ CO₂ cao, chúng ta rất có tiềm năng trong việc bán tín chỉ carbon trong thời gian tới. Nói nôm na dễ hiểu là chỉ cần ta giữ rừng là… có tiền”, ông Đồng cho hay.
Thi thoảng, dù không lớn, nhưng vẫn có một vài vụ phá rừng được báo chí thông tin trên địa bàn Quảng Trị. Ông Đồng cho rằng quan điểm của tỉnh về xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng phá rừng là: Không có vùng cấm.
“Cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng phá rừng; tùy mức độ, sẽ có xử lý trách nhiệm đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp thiếu trách nhiệm, không phát hiện nhanh, kịp thời các vụ việc vi phạm và trong công tác bảo vệ rừng đều bị kiểm điểm xử lý. Các vụ việc đã được phát hiện phải được kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng. Người đứng đầu cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu với cấp trên, với UBND tỉnh để “lập lại kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ rừng, thông qua các biện pháp, chế tài đủ mạnh””, ông Đồng đặc biệt nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đồng, Quảng Trị đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra. Hiện nay, quỹ đất để thực hiện các dự án chủ yếu là đất rừng và lâm nghiệp, mặc dù tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến Quảng Trị nhưng Quảng Trị không đánh đổi kinh tế với rừng.
Cụ thể, theo ông Đồng các dự án đầu tư được các Sở ngành địa phương có liên quan cùng tham gia thẩm định, trong đó Sở NN-PTNT phải tham mưu cho UBND tỉnh, hướng dẫn các nhà đầu tư điều chỉnh sao cho phạm vi dự án hạn chế tối đa mức ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng tự nhiên. Với các dự án xâm phạm rừng khi chưa có chủ trương, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng thì kiên quyết xử lý…
Nguồn: https://thanhnien.vn/duoi-tan-rung-quang-tri-185241010154133393.htm