(Dân trí) – Nếu có đường sắt tốc độ cao thì thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An, TPHCM… rút ngắn nhiều so với đi xe khách. Điều này giúp du khách có nhiều lựa chọn, từ đó lượng khách du lịch sẽ tăng lên.
Du khách, đơn vị lữ hành hào hứng chờ viễn cảnh tàu cao tốc Bắc – Nam
Mới đây, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến khởi công năm 2030 nhận được sự chú ý từ cộng đồng. Viễn cảnh ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở TPHCM khiến nhiều du khách cũng như những người làm trong ngành du lịch rất quan tâm.
Anh Bình Minh (43 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội), cho biết, ngày nào cũng tìm đọc những thông tin liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tâm trạng háo hức. Do tính chất công việc nên vị khách này hầu như mỗi tháng đều có chuyến công tác từ Hà Nội vào TPHCM.
Anh Minh thường lựa chọn phương tiện di chuyển bằng máy bay. Dù thời gian bay giữa hai thành phố trung bình mất khoảng 2 tiếng, nhưng thực tế nếu tính thời gian từ nhà ra sân bay, chờ thủ tục check-in, đợi ở sân bay và di chuyển từ sân bay về công ty đối tác, anh Minh nhẩm tính thường tốn ít nhất 5-6 tiếng.
Nếu đường ra sân bay bị ách tắc hay chuyến bay bị hoãn hủy, khách sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Dự án tàu tốc hành Bắc – Nam dự kiến khởi công trước năm 2030 và hoàn thành trước năm 2045 (Ảnh minh họa: AI).
“Tôi rất mong chờ ngày dự án trở thành hiện thực. Hy vọng tôi và vợ con sẽ trở thành những vị khách đầu tiên được trải nghiệm dù thời điểm đó tôi sắp bước sang tuổi 50”, anh Minh nói vui.
Cũng như anh Minh, là một công dân Thủ đô, anh Trọng Giáp kỳ vọng khi đường sắt cao tốc Bắc – Nam đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, rút ngắn khoảng cách, tạo thêm cho du khách nhiều trải nghiệm, giúp giảm tải tình trạng quá tải đối với đường hàng không hay đường bộ.
Từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, anh Giáp có cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm nhiều loại phương tiện công nghệ cao ở xứ sở hoa anh đào. Trong đó, tàu cao tốc Shinkansen khiến vị khách Việt đặc biệt ấn tượng.
Khi di chuyển giữa hai thành phố Tokyo và tỉnh Shizuoka, nơi có núi Phú Sĩ nổi tiếng, tàu Shinkansen chạy với tốc độ trung bình 280km/h. Hai địa điểm này vốn cách nhau 167km. Với khoảng cách này, nếu di chuyển bằng tàu thường sẽ mất khoảng 3 tiếng, nhưng đi trên tàu cao tốc Shinkansen đã rút ngắn thời gian xuống còn một tiếng nhờ vận tốc nhanh.
“Tàu chạy nhanh, êm, có chỗ duỗi chân rộng rãi nên có thể ngủ chợp mắt một lúc đã tới nơi. Tôi thấy cách Nhật Bản xây dựng các tuyến tàu nối các điểm du lịch nổi tiếng hay các dịch vụ giúp du khách trải nghiệm trên tàu rất thú vị. Đây là những điều Việt Nam có thể học hỏi”, anh Giáp chia sẻ.
Là người làm việc trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Tiến Đức, CEO Havina Travel, cho rằng nếu dự án đường sắt cao tốc thành hiện thực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch.
Tàu cao tốc Phục Hưng ra mắt tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải (Nguồn video: CGTN).
Theo vị CEO này, hiện các tour đưa khách từ miền Bắc vào TPHCM phần lớn đều di chuyển bằng máy bay để rút ngắn thời gian.
Trong đó, riêng giá vé máy bay thường chiếm từ 40% đến 60% cấu thành giá tour. Sự xuất hiện của tàu cao tốc Bắc – Nam không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển, có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu ngành du lịch và các đơn vị lữ hành biết tận dụng lợi thế.
Bản thân từng trải nghiệm các tuyến tàu cao tốc ở Trung Quốc, ông Đức nhận thấy quốc gia này rất biết khai thác các sản phẩm du lịch đi cùng. Đây là những điều Việt Nam có thể học hỏi: Đó là việc liên kết các điểm du lịch với hệ thống tàu cao tốc.
Ví dụ, Trung Quốc đã phát triển các tuyến tàu cao tốc kết nối các thành phố lớn với những điểm đến du lịch nổi tiếng như Bắc Kinh – Thượng Hải, Bắc Kinh – Tây An. Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá nhiều địa điểm trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, trải nghiệm dịch vụ trên tàu cao tốc ở Trung Quốc cũng rất ấn tượng. Các đơn vị cung cấp nhiều tiện ích như wifi miễn phí, dịch vụ ăn uống, có ghế ngồi thoải mái, đảm bảo hành trình của du khách luôn thoải mái và tiện nghi.
Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc theo hướng “8 dọc 8 ngang” đến nay hoàn thành 80% kế hoạch. Những tuyến chính kết nối điểm kinh tế, du lịch hàng đầu như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, đã hoàn thành cơ bản.
Một tuyến tàu Phục Hưng của Trung Quốc chuẩn bị khai trương tại nhà ga (Ảnh: News).
Thực tế ghi nhận, những nơi có đường sắt cao tốc đi qua đều đạt thành tựu du lịch khởi sắc, cơ hội thu hút đầu tư. Đơn cử như tuyến cao tốc dài 208km nối Thành Đô với Tùng Phan đi vào hoạt động, chi phí du lịch tới Cửu Trại Câu đã giảm một nửa nếu đi bằng máy bay như trước đó và thời gian cũng rút ngắn so với việc di chuyển bằng xe khách.
Ông Nguyễn Tiến Đức, CEO Havina Travel, cho rằng nếu dự án đường sắt cao tốc thành hiện thực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hiện nay, quốc gia tỷ dân tiếp tục đầu tư mạnh cho đường sắt cao tốc kết nối những điểm du lịch vùng sâu, biên giới như Tân Cương, Tây Tạng, tạo đòn bẩy cho kinh tế địa phương.
Ngoài ra, ông Đức cho rằng, việc phát triển các sản phẩm du lịch đi cùng cũng rất quan trọng. Ở các nước phát triển thường liên kết các dịch vụ khác như vận chuyển hành lý, tour du lịch ngắn trong ngày tại các điểm đến và thậm chí là dịch vụ ẩm thực trên tàu. Điều này tạo ra một hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh, nâng cao trải nghiệm của du khách.
“Tôi tin rằng, với sự đầu tư đúng đắn và học hỏi từ các nước, dự án tàu cao tốc Bắc – Nam không chỉ thúc đẩy giao thông mà còn góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây là cơ hội để chúng ta giới thiệu vẻ đẹp của đất nước đến với bạn bè quốc tế một cách hiệu quả hơn”, CEO của Havina Travel bày tỏ quan điểm.
Tạo lợi thế cạnh tranh: Mang tới nguồn khách dồi dào, kết nối các điểm du lịch dọc đất nước
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia quy hoạch giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, giảng viên Trường Đại học Việt – Nhật cho hay, ông từng trải nghiệm tàu cao tốc ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italia, cảm nhận rõ sự tiện lợi, thoải mái mà loại hình phương tiện này đem lại.
Theo ông Bình, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội trong đó có du lịch. Các tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ kết nối được các điểm du lịch dọc chiều dài đất nước, đem về nguồn khách dồi dào cho các địa phương.
“Từ Hà Nội nếu đi du lịch Cửa Lò (Nghệ An) bằng xe khách, ô tô, du khách có thể mất 4-5 tiếng di chuyển. Quãng đường này sẽ khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, quá sức đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Nếu có đường sắt tốc độ cao thì có thể chỉ mất 2,5-3 tiếng. Việc rút ngắn thời gian sẽ tạo tâm lý dễ lựa chọn cho du khách. Vì dễ lựa chọn nên nguồn khách tiềm năng với các vùng du lịch sẽ tăng lên”, ông Bình phân tích.
Theo ông Bình, đường sắt tốc độ cao kết nối các vùng miền không chỉ giúp tăng khách du lịch tiềm năng trong nước mà còn thu hút khách nước ngoài. Khách nước ngoài không thông thạo ngôn ngữ, tình hình địa phương nên tàu cao tốc sẽ là một lựa chọn hoàn hảo bởi họ dễ dàng tiếp cận, không lo bị lạc đường.
Tàu cao tốc Shinkanse trở thành biểu tượng trong ngành du lịch Nhật Bản (Ảnh: Nippon).
“Đường sắt tốc độ cao chạy theo tuyến, các nhà ga bố trí cố định, tàu có chuyến, có giờ rõ ràng, có thể mua vé trực tuyến… Từ nước ngoài, du khách có thể lên kế hoạch cho chuyến đi của mình”, chuyên gia này cho hay.
Theo Báo cáo tiền khả thi, dự toán chi phí đầu tư hoàn chỉnh đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là 67,34 tỷ USD (1,7 triệu tỷ đồng).
Số tiền trên tương đương với chi phí xây dựng hoàn chỉnh 4 sân bay Long Thành, 48 tòa nhà Landmark 81 (TPHCM), 77 tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoặc hơn 120 đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1. Nó cũng tương đương thu ngân sách của Việt Nam trong cả năm 2023.
Nhiều người dự đoán, với chi phí xây dựng khổng lồ này, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chắc chắn sẽ rất đắt đỏ. Giá vé cao sẽ khiến tàu cao tốc khó cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác, đặc biệt là máy bay.
Ông Bình cho rằng, không thể dùng nguồn thu từ giá vé để trang trải chi phí đầu tư ban đầu được vì số tiền này quá lớn. Nếu tính toán như vậy thì giá vé sẽ rất cao.
Theo ông Bình, nên xác định chi phí đầu tư ban đầu là hoạt động đầu tư công của Nhà nước để kích cầu, phát triển toàn bộ nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển. Giá vé nên được tính toán cân đối để trang trải cho hoạt động vận hành và duy tu bảo dưỡng.
Tàu cao tốc Bắc – Nam sẽ thu hút nguồn khách và kết nối các điểm đến du lịch tại nơi đoàn tàu đi qua (Ảnh minh họa: AI).
Về tính cạnh tranh của tàu cao tốc, ông Bình cho rằng, giá vé tàu cao tốc có thể đắt nhưng khi so sánh với các phương tiện khác sẽ thấy nhiều điểm có lợi khiến hành khách chấp nhận giá cao và đưa ra lựa chọn tối ưu cho mình.
Cụ thể, tàu cao tốc sẽ có lợi hơn so với ô tô, xe khách về tính an toàn. Tai nạn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối, gây ra những hệ lụy dai dẳng. Ý thức về an toàn của nhiều người Việt còn hạn chế. Mỗi ngày trung bình có trên 29 người chết vì tai nạn giao thông. Việc di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao có thể đắt hơn nhưng lại an toàn hơn đường bộ nên có thể sẽ là lựa chọn của nhiều người.
Tàu cao tốc cũng sẽ là phương tiện cạnh tranh với máy bay. Dọc chiều dài Việt Nam có nhiều đô thị nhỏ. Với nhiều đô thị, việc di chuyển bằng máy bay không thuận lợi.
Khi có tàu cao tốc, các nhà ga thường ở ngay trong thành phố, hành khách không mất thời gian di chuyển, chờ đợi check-in.
“Chẳng hạn một hành khách ở Ninh Bình đi TPHCM, nếu đi máy bay họ sẽ phải di chuyển bằng ô tô lên Hà Nội sau đó ngồi máy bay vào TPHCM. Nếu có tàu cao tốc kết nối trực tiếp, họ chỉ cần lên tàu từ Ninh Bình xuống tàu tại TPHCM. Quá trình này nhanh gọn, thay vì phải kết hợp nhiều loại phương tiện”, ông Bình chia sẻ.
Hai cực tăng trưởng Hà Nội và TPHCM cách nhau trên 1.500km. Với “siêu” dự án đường sắt tốc độ cao, nhiều du khách kỳ vọng về một viễn cảnh tươi sáng khi “sáng ăn phở ở Hà Nội, trưa ăn cơm tấm ở TPHCM”.
Theo chuyên gia quy hoạch giao thông Phan Lê Bình, nhiều hoạt động nghiên cứu trên thế giới cho thấy, quãng đường sắt tốc độ cao có lợi thế là khoảng dưới 800km. Ở khoảng cách này, đường sắt tốc độ cao dễ cạnh tranh với đường hàng không. Nếu vượt quá khoảng cách này thì đường hàng không có lợi thế hơn về mặt thời gian và giá vé.
Ông Bình cho hay, nếu so sánh thì việc di chuyển từ Hà Nội vào TPHCM bằng máy bay sẽ tiện lợi hơn tàu cao tốc. Song với những ưu điểm như khả năng tiếp cận dễ dàng, tính tiện lợi, sự thoải mái, việc đi tàu cao tốc có thể sẽ vẫn là lựa chọn của nhiều người.
“Với tốc độ thiết kế tối đa 350km/h, nếu kết nối thông suốt từ Hà Nội vào TPHCM thì thời gian đi lại của máy bay và tàu cao tốc là ngang nhau hoặc đường sắt lâu hơn một chút. Nếu đi máy bay từ Hà Nội vào TPHCM, du khách sẽ mất 2 tiếng ngồi trên máy bay, 3 tiếng di chuyển ra sân bay và làm thủ tục check-in… Tổng thời gian trung bình mất khoảng 5 tiếng. Quá trình cất cánh, hạ cánh phải đảm bảo các quy định an toàn bay, không được sử dụng thiết bị điện tử…
Trong khi đó, nếu đi tàu cao tốc họ có thể đến ga ở khu vực trung tâm, không mất thời gian chờ đợi quá lâu, ngay khi lên tàu có thể dùng internet, làm việc, sử dụng các tiện ích giải trí”, vị chuyên gia phân tích.
Sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao khiến nhiều người kỳ vọng giá vé máy bay sẽ bớt “nóng” vào những dịp cao điểm.
Ông Bình cũng cho rằng, vào những đợt nghỉ dài ngày, dịp Tết, tàu cao tốc sẽ giúp giảm sức ép về vận tải bởi có sức vận chuyển lớn. Mỗi chuyến có thể chở hàng nghìn người thậm chí hơn, khoảng cách giữa các chuyến tàu ngắn.
Tùy theo nhu cầu có thể vài ba phút đã có một chuyến. Đặc biệt, tàu cao tốc cũng sẽ giúp giảm ùn tắc trên đường bộ, giúp người dân và du khách đi lại thuận tiện hơn trong những ngày nghỉ.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCTKT) sắp được Bộ Giao thông Vận tải trình lên Quốc hội.
Theo đó, tốc độ thiết kế của tuyến tàu là 350km/h, có thể đưa hành khách từ Hà Nội đến TPHCM trong 5 giờ 20 phút.
Dự án dự kiến khởi công trước năm 2030 và hoàn thành trước năm 2045 với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua 20 tỉnh thành, có tổng chiều dài 1.541km.
Trong đó có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/du-lich/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-du-lich-tha-ga-ve-may-bay-se-bot-nong-20241007235919407.htm