Đó là quan điểm của GS. TS. Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về vấn đề lệch chuẩn của một bộ phận người trẻ hiện nay.
GS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, không nên đánh giá một chiều về hành vi của giới trẻ hiện nay. (Ảnh: NVCC) |
Trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về các hành vi lệch chuẩn đạo đức xã hội của một số người trẻ. Để định hướng cho giới trẻ tránh xa các hành vi lệch chuẩn cần sự thay đổi của chính từng người, nhóm người. Không thể nhìn người trẻ bằng việc đánh giá một chiều, phán xét hay phê bình mà đầu tiên là thấu hiểu…
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý và nhà quản lý giáo dục, ông nhận định như thế nào về sự gia tăng các hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ ở nước ta hiện nay?
Hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ có sự gia tăng trong cuộc sống xã hội hiện đại. Những hành vi này không chỉ tồn tại trong thực tiễn đời sống xã hội thật mà còn biểu hiện sống động, nhiều màu sắc trong sự tương tác trên thế giới mạng. Đó có thể là biểu hiện tạm, hoặc tồn tại lâu dài và trở thành sự lựa chọn hay giá trị. Tôi kỳ vọng vào sự thay đổi, điều chỉnh tự nhiên theo độ tuổi, hay theo sự trưởng thành và sự tự đánh giá.
Nguyên nhân có thể do các bạn trẻ được tiếp xúc quá nhiều với công nghệ kỹ thuật số và môi trường giao tiếp; ứng xử xã hội đã không còn gói gọn trong khuôn khổ lớp học, nhà trường, khu dân cư nữa mà trong một thế giới phẳng. Do đó, người trẻ có thể bị tác động, từ đó bắt chước hay tập nhiễm, bị ảnh hưởng hay bị soi chiếu bởi các trào lưu trên mạng là yếu tố khiến hành vi lệch chuẩn với những biểu hiện khá phức tạp.
Ông đánh giá ra sao về tác động của mạng xã hội, công nghệ đối với việc hình thành và lan truyền các hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ?
Mạng xã hội, công nghệ là một trong những điều kiện cần góp phần tạo ra các hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ. Nhưng về điều kiện cơ bản, có lẽ nằm ở cách giáo dục nói chung hiện nay chưa thật sát sao và đủ yêu thương, đủ quan tâm, đủ tử tế để trở thành các “hàng rào” phòng ngừa cho các hành vi lệch chuẩn. Trong khi đó, các dấu ấn từ các kích thích mạnh mang tính phá cách, gây ấn tượng, tạo ra yếu tố nổi hay “làn sóng” có sức mạnh nên hành vi của một số bạn trẻ dễ bị ảnh hưởng.
Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm gì từ các quốc gia khác trong việc ngăn chặn và giải quyết vấn đề lệch chuẩn trong giới trẻ?
Tôi nghĩ, chúng ta có những ưu thế nhất định và cả khó khăn trong việc giáo dục hành vi chuẩn mực của một số bạn trẻ hiện nay.
Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia đều có ưu – nhược điểm riêng trong việc ngăn chặn, giải quyết vấn đề lệch chuẩn trong giới trẻ, mỗi biện pháp hay mô hình đều có những giới hạn nhất định. Việt Nam có những giá trị căn cơ, mô hình giáo dục giá trị, có sức mạnh riêng hoàn toàn có thể duy trì.
“Để định hướng cho giới trẻ tránh xa các hành vi lệch chuẩn cần sự thay đổi của chính từng người, nhóm người. Không thể nhìn người trẻ bằng việc đánh giá một chiều, phán xét hay phê bình mà đầu tiên là thấu hiểu…”. |
Thế nhưng, nói thế không có nghĩa chúng ta chủ quan mà nên xem xét tham khảo các quốc gia có văn hóa tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… với nhiều chương trình giáo dục tâm lý trong nhà trường đã giúp các bạn trẻ ý thức hơn về tác động của mạng xã hội đến tâm lý. Ví dụ như workshop trực tuyến, lớp học kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoại khóa, chương trình tư vấn tâm lý tại gia, chương trình giáo dục phòng ngừa hành vi lệch chuẩn, tăng cường phối hợp tư vấn tâm lý và công tác xã hội học đường.
Điều căn bản là mỗi biện pháp, mô hình đều hướng đến sự điều chỉnh từ chính bản thân bạn trẻ, phát triển tốt hơn, giảm thiểu những sai sót hay nguy cơ lệch hướng trong hành trình phát triển.
Vậy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục và định hướng cho giới trẻ để họ tránh xa các hành vi lệch chuẩn là gì, theo ông?
Gia đình, nhà trường và xã hội phải nâng cao nhận thức của chính mình về hành vi lệch chuẩn, cũng như các phương pháp giáo dục, tư vấn, hỗ trợ về hành vi lệch chuẩn khi phát hiện con em mình có hành vi này. Hơn thế, chính mỗi cá nhân phải điều chỉnh, không ngừng hoàn thiện mình trước sự tác động mãnh liệt từ thực tiễn cuộc sống với giá trị chúng ta đã và đang lựa chọn.
Bên cạnh đó, để định hướng cho giới trẻ tránh xa các hành vi lệch chuẩn cần sự thay đổi của chính từng người, nhóm người. Không thể nhìn người trẻ bằng việc đánh giá, phán xét hay phê bình, chê trách mà đầu tiên là thấu hiểu, thông cảm. Từ cơ sở cảm thông sẽ tương tác tích cực và điều chỉnh; sau đó, hãy sát cánh, sẻ chia để cùng thay đổi tích cực.
Không thể nhìn người trẻ bằng việc đánh giá một chiều, phán xét hay phê bình mà đầu tiên là thấu hiểu… (Ảnh minh họa: Internet) |
Ông có những đề xuất cụ thể nào về các chính sách và chương trình giáo dục để giúp giới trẻ nước ta hình thành những giá trị sống tích cực?
Muốn mục tiêu này trở thành hiện thực cần có sự vào cuộc của các bên liên quan, nhất là những nghiên cứu từ thực tiễn và không ngừng cập nhật. Hơn nữa, việc hành động phải đảm bảo quán triệt từ nhận thức đến thái độ, tuân thủ các quy định chung mang tính cơ sở.
“Sự tử tế trong hành vi ứng xử ngày nay chưa đủ thể hiện được giá trị và phẩm chất của con người nhưng ở góc độ nào đó khi con người sống tử tế sẽ có nhiều cơ hội và cách thức tự kiểm soát bản thân. Nếu chúng ta không đủ tử tế với chính mình cũng như trong việc chăm sóc và phát triển bản thân từng ngày, sẽ rất khó để thể hiện sự tử tế với cuộc sống và sống một cuộc đời hạnh phúc”. |
Thứ nhất, việc lồng ghép nội dung nhận thức về các biểu hiện hành vi lệch chuẩn nên được xem xét trong các môn học có liên quan như đạo đức, ngữ văn, hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý học đường… Việc này cần có những đánh giá và không ngừng cải tiến bởi giới trẻ rất nhạy cảm, linh hoạt, năng động và nhiều cơ hội.
Thứ hai, nhà trường tăng cường tổ chức các buổi nói chuyện, mời chuyên gia đến chia sẻ và giải đáp thắc mắc cho học sinh, phụ huynh về hành vi lệch chuẩn và cách ứng phó. Điều căn cơ là linh hoạt hóa quy mô và hình thức thực hiện, xem đây là hoạt động giáo dục vì học sinh trưởng thành đúng nghĩa.
Thứ ba, trường học và xã hội cân nhắc chuẩn bị và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý cho những trường hợp có hành vi lệch chuẩn gây nguy hiểm cho bản thân và người khác để tạo ra các vòng tròn an toàn xã hội cho sự phát triển của người trẻ hiện nay.
Thứ tư, đa dạng hóa hình thức giáo dục để giúp người trẻ hình thành những giá trị sống tích cực và tránh xa các hành vi lệch chuẩn bằng nhiều mức độ, cấp độ; nhất là phải khơi gợi rung cảm, tinh thần nhân văn, lòng tự trọng để mỗi bạn trẻ nhận ra giá trị cần lựa chọn, sống hết mình và vững tin về sự lựa chọn đó.
Cuối cùng, cần xem xét để có những giải pháp mang tính chính sách và chương trình giáo dục để giúp giới trẻ Việt Nam hình thành những giá trị sống tích cực và tránh xa các hành vi lệch chuẩn đi liền và bắt nhịp với sự thay đổi liên tục của đời sống. Tránh việc giới trẻ khi tương tác trên thế giới ảo nhưng không làm chủ các trò chơi trực tuyến hoặc bị “lạm dụng” với các sản phẩm công nghệ mà thiếu tự nhận thức.
Được biết, ông đã từng có những nhắn nhủ, chia sẻ xúc động với sinh viên về việc sống tử tế?
Sự tử tế trong hành vi ứng xử ngày nay chưa đủ thể hiện được giá trị và phẩm chất của con người nhưng ở góc độ nào đó khi con người sống tử tế sẽ có nhiều cơ hội và cách thức tự kiểm soát bản thân. Từ đó, họ sống đúng với giá trị lựa chọn, giảm dần những nguy cơ hay cơ hội lệch chuẩn không đáng có. Nếu chúng ta không đủ tử tế với chính mình cũng như trong việc chăm sóc và phát triển bản thân từng ngày, sẽ rất khó để thể hiện sự tử tế với cuộc sống và sống một cuộc đời hạnh phúc.
Như đã nói, việc chính chúng ta chia sẻ chân thành dựa trên tương tác tích cực và đồng cảm là nền tảng để sự tương tác ấy có giá trị. Với tôi, sự rung cảm với các giá trị và sự tự trọng có thể làm con người biết kiểm soát mình hơn, biết chọn lựa giá trị có cân nhắc. Bởi đó là cách chúng ta đang sống cuộc đời có ý nghĩa, sống đích thực vì những giá trị đáng trân quý.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://baoquocte.vn/gs-huynh-van-son-hanh-vi-gioi-tre-khong-nen-danh-gia-mot-chieu-289229.html