Dự án nhằm đáp ứng về cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt cho nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội, ngoại trú theo chuyên ngành Thận học – Tiết niệu cho nhân dân trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận. Sau khi hoàn thành, quy mô giường bệnh đạt 250 giường.
Đây là dự án nhóm B, công trình cấp II theo quy mô công suất (công trình cấp I theo quy mô kết cấu); thời hạn sử dụng không nhỏ hơn 50 năm, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Trong đó, xây dựng khối nhà chính (từ 02 đến 08 tầng nổi, 01 tầng hầm), diện tích xây dựng khoảng 6.355m2. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ (Trạm biến áp, máy phát điện, trạm xử lý nước thải, nhà khí y tế, khu gom rác, trạm bơm, bể ngầm, nhà bảo vệ, đường giao thông nội bộ, bãi xe, cây xanh,…). Đầu tư các trang thiết bị (thiết bị văn phòng, thiết bị PCCC, thiết bị y tế…) phục vụ dự án.
UBND Thành phố giao Chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án. Tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát, tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan đối với dự án đầu tư và các nội dung lưu ý tại văn bản thông báo kết quả thẩm định của Sở Xây dựng để tổ chức lập, trình thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tối ưu về kinh tế, kỹ thuật công trình, tiết kiệm, hiệu quả; không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành của pháp luật. Tổ chức quản lý dự án và lựa chọn nhà thầu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố Hà Nội về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư và phối hợp thực hiện giám sát cộng đồng theo quy định hiện hành.
Giao Sở Y tế chịu trách nhiệm về sự phù hợp mục tiêu, hiệu quả đầu tư dự án với chủ trương đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND thành phố Hà Nội; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư trong lĩnh vực quản lý ngành, hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện các nội dung theo lĩnh vực quản lý ngành; Hướng dẫn Chủ đầu tư và Bệnh viện Thận Hà Nội trong công tác lựa chọn trang thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn, định mức của ngành, mục tiêu đầu tư và triển khai các nội dung khác của dự án theo quy định; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và Bệnh viện Thận Hà Nội tham mưu UBND Thành phố các nội dung theo chức năng quản lý đảm bảo phát huy hiệu quả khi dự án được đưa vào hoạt động.
Các Sở, ngành Thành phố có liên quan khác có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của mình đối với các công việc có liên quan đến quá trình thực hiện dự án đầu tư.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-co-so-2-benh-vien-than-ha-noi-tai-quan-ha-dong.html