Theo đó, chương trình này được thực hiện theo Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 và Quyết định số 944/QĐ-BLĐTBXH ngày 17/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về tổ chức các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em nhân ngày Thế giới phòng, chống đuối nước.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, trong thời gian qua số vụ việc đuối nước ở trẻ em có xu hướng giảm nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện triệt để. Do đó, để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Đặc biệt trong đó có các đơn vị báo chí và truyền thông, đóng vai trò định hướng, giải thích về bản chất vấn đề và cách thức để mọi người tham gia tích cực vào việc phòng, chống đuối nước.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, quá trình truyền thông dựa trên mức độ thay đổi của đối tượng từ quan tâm, tìm hiểu, trao đổi thông tin, thay đổi nhận thức, quan điểm… tới thay đổi hành vi, duy trì hành động, có kỹ năng. Qua đó, lan tỏa kiến thức, hành vi, hành động.
“Truyền thông báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông cần sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông để không chỉ đưa tin mà còn tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mọi người”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Từ mục tiêu tổng quát, cụ thể, ông Nam cũng chia sẻ các giải pháp và kế hoạch truyền thông: phân tích bối cảnh; xác định mục tiêu, đối tượng; xác định trách nhiệm; xây dựng thông điệp và nội dung; chọn phương thức, kênh và thiết kế sản phẩm; xác định nguồn lực và trách nhiệm thực hiện; lộ trình, tiến độ và theo dõi, đánh giá.
Cũng tại buổi tập huấn, TS Dương Khánh Vân cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cũng cho biết, đuối nước là nguyên nhân gây ra trên 2,5 triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được trong thập kỷ qua. Trong khi tai nạn này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được thông qua việc thực hiện các phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng, hiệu quả về mặt chi phí.
Còn tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Với số lượng trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước lên tới gần 2.000 trường hợp. Yếu tố nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em đó là trẻ chơi ở gần nước thiếu sự giám sát của người lớn và thiếu kỹ năng bơi, an toàn trong môi trường nước; do sử dụng phương tiện di chuyển đường thủy không an toàn hoặc quá đông mà không có phương tiện bảo hộ như phao, áo phao; thiên tai, thảm họa thiên nhiên.
Do đó, WHO đã khuyến nghị 4 chiến lược và 6 biện pháp can thiệp để phòng ngừa đuối nước. Các chiến lược tập trung vào việc bảo đảm các cơ chế quốc gia mạnh mẽ được đưa ra để có một phương pháp tiếp cận phối hợp và hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng đuối nước, trong khi các biện pháp can thiệp thúc đẩy hành động của cộng đồng.
Để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực của các ngành, nhằm phát huy được tối đa nguồn lực và năng lực của các ngành trong công tác này.
Ngoài ra, theo ThS. Đoàn Thị Thu Huyền -Tổ chức Campaign for Tobaco Free Kids cho biết, đã có tới 2.250 cán bộ được tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống đuối nước trẻ em, 908 hướng dẫn viên được đào tạo về bơi an toàn và 1.096 hướng dẫn viên được đào tạo về kỹ năng an toàn. Nhờ đó mà đã có 44.398 trẻ từ 6 -15 tuổi được học bơi an toàn, 52.250 trẻ từ 6 – 15 tuổi được học kỹ năng an toàn, 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em.
Đáng chú ý, trong quá trình diễn ra phiên đào tạo, các học viên còn được tham gia thảo luận, đặt câu hỏi với chuyên gia và làm bài tập theo nhóm, giúp tăng cường kết nối và thêm sự sôi động cho bầu không khí sôi nổi cho buổi tập huấn. Cũng nhờ đó, gần 40 phóng viên đến từ các báo, tạp chí đã có góc nhìn mới về các hoạt động phòng, chống đuối nước và tìm ra những giải pháp thích hợp dành cho trẻ em Việt Nam.
Nguồn: https://www.congluan.vn/gan-40-phong-vien-nha-bao-tham-gia-tap-huan-nang-cao-nghiep-vu-ve-phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-post316198.html