Tham gia cùng đoàn công tác của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy có Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lê Ngọc Tuấn; Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Nguyễn Thị Thu Linh; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng; Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường; Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh; Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Đặng Thanh Mai; Phó Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trương Hồng Tiến; Thư ký của Bộ trưởng Vũ Thế Hưng… cùng các cán bộ chuyên môn.
Tiếp đón đoàn làm việc, có Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các đồng nghiệp của Ban thư ký.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết rất vui mừng cùng với Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường tới thăm và làm việc với Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) tại Thủ đô Viên Chăn, Lào, nhân dịp Bộ trưởng tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45.
Đánh giá MRC đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Hiệp định Mê Công 1995, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững cho các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban Thư ký trong hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tổ chức triển khai các hoạt động của MRC. Ban Thư ký đã làm tốt vai trò là cơ quan tham mưu kỹ thuật tin cậy, để góp phần giải quyết những vấn đề khác biệt, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công.
Vui mừng chào đón đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun mong muốn sẽ trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề chung với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy để tìm ra những giải pháp linh hoạt qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của các quốc gia có lưu vực sông Mê Công.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun cùng quan điểm cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, cực đoan, khó lường, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của nhiều quốc gia trong khu vực. Do đó, thời gian tới, MRC cần tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong sử dụng bền vững và công bằng tài nguyên nước, đóng góp vào sự ổn định và phát triển chung của khu vực.
Trao đổi về năng lực dự báo, cảnh báo và ứng phó với các rủi ro thiên tai, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, vừa qua, bão Yagi đã gây thiệt hại cho nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có một số nước thành viên của Ủy hội như Việt Nam, Lào, Thái Lan. Công tác dự báo đã được các quốc gia nỗ lực ở mức cao nhất, nhưng vẫn chưa bảo đảm độ tin cậy, cho thấy nhu cầu hợp tác tăng cường năng lực về dự báo, cảnh báo thiên tại là rất cấp thiết.
Bộ trưởng đề nghị Ban Thư ký cần đề xuất thực hiện các dự án tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai cho các quốc gia thành viên; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin với các trung tâm dự báo quốc gia; nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp trong vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là các hồ chứa, nhằm góp phần phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong lưu vực.
Trao đổi nội dung về tăng cường hệ thống quan trắc và chia sẻ thông tin tài nguyên nước, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun khẳng định, một nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dự báo, chính là số liệu, dữ liệu quan trắc tài nguyên nước. Do đó, hai bên thống nhất đề nghị Ban Thư ký tiếp tục vận động các đối tác hỗ trợ tăng cường mạng lưới quan trắc và giám sát về khí tượng thủy văn, phù sa – bùn cát, thủy sản và môi trường sinh thái; nhằm theo dõi các biến động trong lưu vực và hỗ trợ đánh giá tác động của các dự án phát triển kinh tế; thúc đẩy việc trao đổi thông tin và chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia, đặc biệt là về vận hành các công trình thủy điện trong lưu vực.
Trao đổi với Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, là quốc gia ở hạ nguồn, Việt Nam rất quan tâm đến những tác động tiềm tàng của Dự án đối với tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tác động của biến đổi khí hậu nhưng năm gần đây đã làm gia tăng hạn và xâm nhập mặn. Do đó với những dự án, công trình thuỷ lợi tác động đến dòng nước đề nghị Ban Thư ký nghiên cứu, đưa ra các kết luận khoa học, chính xác và khách quan, đồng thời đề xuất các giải pháp hợp tác giữa các quốc gia để giảm thiểu tác động tiêu cực.
Trao đổi về nội dung thúc đẩy nghiên cứu và khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun cho rằng các nước trong lưu vực sông Mê Công có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, Ban Thư ký cần tiếp tục đề xuất, nghiên cứu sâu hơn về tiềm năng năng lượng tái tạo trong lưu vực sông Mê Công; đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia về các giải pháp năng lượng sạch và bền vững, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào thủy điện, bởi phát triển thủy điện cũng sẽ tiềm tàng rủi ro khi xuất hiện thiên tai cực đoan.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn Ban thư ký phối hợp với các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác với 2 nước thượng lưu là Trung Quốc và Myanmar để bảo đảm sự quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực sông Mê Công – Lan Thương; kêu gọi sự trợ giúp của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế cho các hoạt động của MRC; đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động của Uỷ hội.
Với nhiệm vụ là Giám đốc điều hành Ban Thư ký, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun mong muốn sẽ có nhiều sự đồng hành của Việt Nam cho các mục tiêu chung của MRC và cho biết sẽ nỗ lực hết sức mình để có nhiều thành công trong các hoạt động, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của các quốc gia có lưu vực sông Mê Công.
Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế là cơ quan giúp việc cho Ủy hội về hành chính và kỹ thuật, và đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Liên hợp. Ban Thư ký Ủy hội có trụ sở tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào và Trung tâm quản lý lũ và hạn đặt tại Phnôm Pênh, Campuchia.
Ban Thư ký Ủy hội hiện có 63 cán bộ là người bốn quốc gia ven sông, và chia làm 4 Vụ: Quy hoạch, Hỗ trợ Kỹ thuật, Môi trường, Hành chính và Văn phòng Giám đốc điều hành Ban Thư ký.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký (CEO) có nhiệm kỳ 3 năm, luân phiên giữa các quốc gia thành viên. Hiện nay CEO là người Lào. Từ tháng 1/2025, CEO là người Thái Lan.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/hop-tac-chat-che-de-gop-phan-vao-su-phat-trien-ben-vung-cua-cac-quoc-gia-co-luu-vuc-song-me-cong-381452.html