Hai dự án đường sắt đô thị, những công trình giao thông trong nội đô hay các tuyến cao tốc… được xây dựng trong thập kỷ qua đã làm cho bộ mặt Hà Nội thay đổi đáng kể, sánh ngang với thủ đô các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đường Võ Nguyên Giáp kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô dài 12km, rộng từ 70 – 100m, đi qua 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng, khánh thành đầu năm 2015.
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 105km được khởi công vào năm 2008, khánh thành tháng 12/2015 là một trong những dự án chất lượng được đánh giá cao. Công trình có điểm đầu giao cắt với vành đai 3 (cách cầu Thanh Trì 1 km) thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội); điểm cuối dự án tại cảng Ðình Vũ (Hải Phòng); tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Đường vành đai 3 trên cao với điểm đầu là Mai Dịch và điểm cuối là phía bắc Hồ Linh Đàm khởi công tháng 6/2010. Tuyến đường dài 8,9km, gồm 385m đường dẫn và 8,5km cầu cạn chính tuyến; tốc độ thiết kế 100km/k; tuyến có 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Tuyến đường này tiếp tục được triển khai xây dựng đoạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long với tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, sau hơn 2 năm thi công đã thông xe vào tháng 10/2020.
Tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở khởi công xây dựng vào tháng 4/2018, với tổng kinh phí khoảng 9.400 tỷ đồng.
Đây cũng là dự án đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bê-tông cốt thép trên đà giáo di động, đổ dầm trực tiếp và không phải vận chuyển dầm bê-tông bằng xe hạng nặng tới công trình.
Các hạng mục gồm: cầu chính (bề mặt 19m), cầu dẫn (bề mặt 7m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở.
Dự án có vai trò kết nối quan trọng của Hà Nội với các địa phương lân cận.
Chỉ tính trong nội thành, hai bên đường có mật độ dân cư đông đúc, những năm gần đây phải gánh thêm hàng chục chung cư cao tầng. Trước đó, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra triền miên.
Sau khi dự án được thông xe toàn tuyến, cảnh khốn khổ của người tham gia giao thông đã được cải thiện.
Đây là tiền đề để thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện Vành đai 2,5, Vành đai 3,5 và đặc biệt là tuyến Vành đai 4 đang được triển khai đồng bộ.
Đại lộ Thăng Long với chiều dài 29,264 km là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng đại lễ. Trên tuyến đường có 51 cầu vượt sông, vượt nút giao. Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của TP Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy 2 khởi công tháng 1/2021 với mục tiêu hoàn thành sau 3 năm (song song với cầu Vĩnh Tuy 1 hoàn thành năm 2010). Điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải – Nguyễn Khoái – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên – Thạch Bàn (quận Long Biên). Cầu rộng hơn 19m, 4 làn xe. Sau khi hoàn thành giai đoạn hai, cầu Vĩnh Tuy (gồm Vĩnh Tuy 1 và 2) có mặt cắt ngang 40 m với 8 làn ôtô.
Kể từ khi cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào hoạt động đã giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1 vốn thường xuyên ùn tắc, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với phía Bắc và Đông Bắc Hà Nội.
Tròn 10 năm trước, vào ngày 9/10/2014, cầu Đông Trù chính thức thông xe. Cầu dài 1,1km bắc qua sông Đuống, mặt cắt rộng 55m với 8 làn xe. Ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính trong đó 2 nhịp biên dài 80m và nhịp giữa sông dài 120m được áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước (tuyến Cát Linh – Hà Đông) chính thức vận hành thương mại, sau 10 năm khởi công. Công trình có tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải là hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Tuy chậm tiến độ và thời gian hoàn thành bị kéo dài nhiều năm nhưng khi đưa vào sử dụng, công trình đã góp phần cải thiện đáng kể vấn đề tham gia giao thông cho người dân Hà Nội.
Tàu đường sắt metro Nhổn – ga Hà Nội đã được khai thác thương mại đoạn trên cao từ ga Nhổn tới ga Cầu Giấy hồi tháng 8/2024. Theo quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được HĐND thành phố Hà Nội mới thông qua, định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ. UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng xong 96,8km và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 301km đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư 14,602 tỷ USD.
Để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, nhiều công trình cầu vượt, hầm chui ở các ngã tư trọng điểm của Hà Nội đã được triển khai xây dựng trong hơn 10 năm qua. Điển hình là nút giao Trung Hoà với 3 tầng xe chạy, hoạt động từ năm 2016. Tương lai nơi đây cũng trở thành khu vực có 4 tầng phương tiện khi tuyến đường sắt đô thị được triển khai.
Trụ sở mới của Tòa án Nhân dân Tối cao được xây dựng trên diện tích 6.417m2 với quy mô 6 tầng nổi và 4 tầng hầm. Công trình có phong cách kiến trúc tân cổ điển phù hợp với kiến trúc của tòa nhà 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, tạo thành một quần thể thống nhất, có sự giao thoa giữa kiến trúc cũ và mới. Hai tòa nhà đều được thiết kế đối xứng qua trục trung tâm, tạo sự cân bằng, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của công trình hiện đại.
Keangnam Landmark 72 là tòa nhà cao nhất Hà Nội, thứ nhì Việt Nam với tổ hợp trung tâm thương mại khách sạn, văn phòng, căn hộ chung cư cao cấp.
Tòa nhà được thiết kế dạng tòa tháp hiện đại sang trọng với chiều cao 336m gồm 72 tầng và tổng diện tích lên tới 300.000m2. Đây là công trình xây dựng được phê duyệt đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Tòa nhà cao thứ nhì của Thủ đô là Lotte (ảnh phải), công trình đầu tiên nằm trong tổng thể thiết kế Đài quan sát trên tầng 65, mở ra tầm nhìn bao quát và trọn vẹn thành phố. Tòa nhà có 4 bề là kính chịu lực, thang máy siêu tốc đi từ hầm B1 tới đài quan sát tầng 65 chỉ trong 50 giây. Cao ốc này do công ty kiến trúc Callison (Mỹ) đảm nhiệm. Riêng chân đế và nội thất bên trong do nhà thiết kế Benoy (Anh) phụ trách.
Hà Nội đang ngày càng xuất hiện nhiều tổ hợp trung tâm thương mại hiện đại như Vincom, Lotte, Aeon… Nổi bật trong số đó là dự án hoành tráng của một tập đoàn đến từ Hàn Quốc đặt tại khu vực Tây Hồ khánh thành hồi tháng 9/2023. Trung tâm thương mại này có tổng diện tích sàn 354.000m2, cao 7 tầng, bao gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm. Bên trong có khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp, và văn phòng hạng A.