Ra đời tháng 8/2016, Base.vn được biết đến là một trong những công ty công nghệ trong lĩnh vực xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp (Saas) tại Việt Nam.
Năm 2021, FPT chính thức công bố khoản đầu tư chiến lược vào nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất Việt Nam – Base.vn. Hợp tác này được kỳ vọng sẽ cộng hưởng sức mạnh hai bên để thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho 800.000 doanh nghiệp Việt Nam và vươn ra thế giới.
Và cũng đã hơn 1 năm kể từ ngày ông Nguyễn Thượng Tường Minh – Giám đốc Khối sản phẩm Trí tuệ nhân tạo FPT.AI (thuộc FPT Smart Cloud) được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc của Base.
Với việc có công đưa FPT.AI trở thành nền tảng trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực với 200 triệu lượt sử dụng mỗi tháng tại 15 quốc gia, ông Minh được kỳ vọng sẽ dẫn dắt đội ngũ phát triển nhiều sản phẩm đột phá, đồng thời phối hợp với các nguồn lực trong FPT để mở rộng hệ sinh thái và tệp khách hàng của Base.
VietnamPlus đã có dịp trao đổi cùng ông Nguyễn Thượng Tường Minh để lắng nghe về tầm nhìn cũng như chiến lược của Base trong giai đoạn tới.
Không doanh nghiệp nào đứng ngoài cuộc chơi chuyển đổi số
– Sau 3 năm về với FPT, dường như Base “im hơi lặng tiếng” với giới truyền thông. Ông có thể chia sẻ về những hoạt động của Base cũng như kết quả đạt được trong thời gian qua được không?
CEO Nguyễn Thượng Tường Minh: Đúng là trong thời gian qua, khi chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm, Base có những đứt đoạn về mặt truyền thông. Còn về thực tế, sau 3 năm về một nhà với FPT, Base đã có những tăng trưởng gấp 3 lần về cả mặt số lượng khách hàng lẫn nhân sự, đồng thời Base cũng liên tục lập những kỷ lục doanh thu tháng, quý… và tham vọng của Base tới nay cũng sẽ không thay đổi. FPT đã hỗ trợ Base bổ sung rất nhiều về công nghệ và mạng lưới.
Tầm nhìn của Base từ trước đến giờ vẫn kiên định với open platform, xây dựng một khối đế về công nghệ, có sự lưu thông và kết nối với các ứng dụng khác, những người cung cấp dịch vụ phục vụ cho khách hàng, tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh cho doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) tại Việt Nam.
Hiện tại, với hơn 60 ứng dụng được xây dựng và cải tiến mỗi ngày, Base.vn là nền tảng hỗ trợ hoạt động vận hành và quản trị cho hơn 9.000 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ở toàn bộ 63 tỉnh thành Việt Nam trải dài trên 54 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau: ngân hàng, giáo dục, xây dựng, sản xuất, phân phối thương mại, y tế, F&B…
– Theo đánh giá của ông, xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp SMEs trong vài năm gần đây đã có những sự thay đổi như thế nào?
CEO Nguyễn Thượng Tường Minh: Ngược về thời điểm bắt đầu ở năm 2017, ngành công nghệ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, toàn quốc có hơn 654.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhưng các doanh nghiệp này bị hạn chế điều kiện tiếp cận công nghệ. Khái niệm chuyển đổi số quá lạ lẫm đối với họ.
Base.vn nói riêng và các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số nói chung đã đi qua một quá trình dài mà chúng tôi thường gọi là thời kỳ “phá băng”: thay đổi tư duy thị trường.
Nhưng câu chuyện chuyển đổi số ở các doanh nghiệp SME trong giai đoạn năm 2023 – 2024 đã có sự dịch chuyển rõ rệt về mục tiêu, từ tạo đà tăng trưởng sang tối ưu hóa vận hành để đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn chung. Chuyển đổi số đã góp phần lớn giúp cho doanh nghiệp tăng trưởng hiệu suất.
Và hiện tại, khi chuyển đổi số trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp sẽ là việc phải lựa công cụ giải pháp “đúng” thực sự phục vụ cho mục đích tăng hiệu suất, tối ưu vận hành.
– Còn đối với các doanh nghiệp địa phương, bài toán chuyển đổi số đang diễn ra như thế nào thưa ông?
CEO Nguyễn Thượng Tường Minh: Thực tế Base đã và đang làm việc với nhiều doanh nghiệp địa phương, đa dạng về cả quy mô lẫn lĩnh vực hoạt động. Không thể phủ nhận rằng một số công ty thực sự quyết tâm và đang thực thi chuyển đổi số mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là vẫn có rất nhiều doanh nghiệp còn đang loay hoay, chưa có sự đầu tư cần thiết cho chuyển đổi số, về cả nguồn lực và tinh thần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Từ quan điểm của tôi, nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện tiếp cận chuyển đổi số của các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế. Họ chưa hiểu được ý nghĩa thiết yếu của chuyển đổi số, chưa được tập huấn đào tạo công nghệ và cũng chưa được tư vấn triển khai một cách “thực chiến”. Vậy nên mặc dù đã nắm được thông tin của các chương trình chuyển số quốc gia, họ vẫn thấy mơ hồ và tự coi mình là “người ngoài cuộc.”
Nhưng có một sự thật là không doanh nghiệp nào nằm ngoài cuộc chơi chuyển đổi số. Cơ hội chia đều cho tất cả, và thành tựu đang chờ ở phía trước cũng vậy. Điều mà các doanh nghiệp địa phương cần nhất lúc này sẽ là người đồng hành bên cạnh, để định hướng cho họ con đường chuyển đổi số một cách rõ ràng.
– Ông có đề xuất gì để có thể đẩy mạnh hơn nữa câu chuyện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME hay doanh nghiệp tại các địa phương?
CEO Nguyễn Thượng Tường Minh: Mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp phát triển nền tảng số như Base.vn chính là tiếp cận, kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam triển khai công nghệ, trong đó bao gồm các doanh nghiệp địa phương.
Bản thân Base đã chủ động tổ chức hoặc tham gia nhiều hội thảo, hội nghị chuyển đổi số ở các tỉnh thành trên cả nước. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác đào tạo, tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm. Niềm vui của chúng tôi là khi thấy nhiều doanh nghiệp triển khai Base thành công đã trở thành đơn vị tiên phong chuyển đổi số tại địa phương, góp phần lan toả tinh thần chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ chúng tôi kết nối sâu với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, để tổ chức thêm nhiều sự kiện, hội thảo chuyển đổi số hay những buổi tập huấn công nghệ.
2 giai đoạn chuyển đổi số
– Hiện nay các công ty Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ không những trong nước mà còn trên thế giới. Do đó, để chiến thắng trên chính sân nhà và cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì thưa ông?
CEO Nguyễn Thượng Tường Minh: Đối với hoạt động sản xuất và dịch vụ nói chung, doanh nghiệp cần nâng tiêu chuẩn hoạt động, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi dây chuyền, tối ưu trải nghiệm khách hàng,…
Đối với các hoạt động văn phòng, câu chuyện chuyển đổi số chia làm 2 giai đoạn: số hóa và quản trị số. Trước đây, doanh nghiệp đã số hóa giấy tờ và đây là nguồn tài nguyên vô cùng lớn cho việc quản trị, quyết định và định hướng. Hiện nay, doanh nghiệp đã chuyển sang quản trị số, phân tích những số liệu đã có để đưa ra quyết định cụ thể hàng quý, hàng năm.
– Những từ khóa như “chuyển đổi số” hay “AI” đã rất phổ biến, tuy nhiên, 97% doanh nghiệp của Việt Nam là vừa và nhỏ, mức độ thích nghi của doanh nghiệp rất khó khăn. Vậy ông đánh giá thế nào về rào cản của doanh nghiệp?
CEO Nguyễn Thượng Tường Minh: Trước dịch COVID-19, chuyển đổi số bị rào cản về nhận thức và tư duy không chỉ là đối với lãnh đạo mà còn trong việc thay đổi cách thức vận hành của cả doanh nghiệp từ cũ sang mới. Nhận thức xong còn phải quyết tâm triển khai đến nơi đến chốn.
Về mặt công nghệ, yếu tố thành công chỉ chiếm 5 – 10 – 20% nhưng đã đem lại giá trị rất lớn liên quan đến tài chính cho doanh nghiệp.
Trong 2 năm vừa qua, kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị ảnh hưởng rất rõ. Base không chỉ cung cấp sản phẩm công nghệ nữa mà tập trung vào giải bài toán của doanh nghiệp là “tăng thu, giảm chi”. Điều này không có nghĩa là doanh nghiệp không tiêu tiền mà phải tiêu tiền đúng chỗ.
Giảm chi: thay vì đầu tư dàn trải mở rộng, doanh nghiệp phải xây dựng quy trình làm việc và “đo lường” được rõ ràng, dám loại bỏ công việc thừa, tận dụng công nghệ để nâng cao năng suất. Giai đoạn trước, doanh nghiệp có thể thoải mái sử dụng những đội ngũ lớn thử nghiệm thị trường, sản phẩm, vận hành.. theo nhiều cách khác nhau, nhưng hiện nay doanh nghiệp phải có thêm việc đo lường chặt chẽ và tối ưu hóa tính hiệu quả ở mọi khâu liên quan tới chi phí vận hành. Tức, “Tối ưu chi phí vận hành” được ưu tiên hàng đầu.
Đối với tăng thu: ngoài việc trân trọng từng đồng chi phí bỏ ra, doanh nghiệp cũng cần chắt chiu từng cơ hội kiếm về. Các dữ liệu về khách hàng cần được quản lý hiệu quả ở mức “chi tiết tới từng hoạt động”, phân tích, khai thác để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp nhất. Không chỉ bộ phận kinh doanh, các bộ phận khác như marketing, vận hành, sản xuất… cũng cần tham gia hòa vào hoạt động kinh doanh chung, hỗ trợ kịp thời để làm tăng bất cứ tỉ lệ % cơ hội nào… “Quản trị cơ hội bán hàng” cần phải xuất sắc.
– Ông có thể chia sẻ về mục tiêu, khát vọng của Base.vn trong thời gian tới?
CEO Nguyễn Thượng Tường Minh: Như đã chia sẻ, mục tiêu của Base tới năm 2030 là chinh phục được 30.000 doanh nghiệp Việt Nam trải dài trên cả nước và xa hơn là tiếp tục sứ mệnh phục vụ toàn bộ 800.000 doanh nghiệp SMEs.
Đối với sản phẩm, dịch vụ, Base vẫn tiếp tục phát triển các sản phẩm cốt lõi theo cả chiều rộng và chiều sâu. Ngoài ra, Base sẽ bắt tay với những nhà cung cấp những ứng dụng khác của doanh nghiệp để phục vụ khách hàng tốt nhất, trọn vẹn nhất. Base sẽ không cạnh tranh với đối tác mà tạo ra mảnh đất để để tất cả cùng tham gia và cùng chinh phục mục tiêu lớn hơn.
– Base có mục tiêu vươn ra thế giới và các thị trường trọng điểm khác không thưa ông?
CEO Nguyễn Thượng Tường Minh: Hiện nay, với chất lượng dịch vụ giải pháp chuẩn quốc tế, Base cũng đã và đang phục vụ các khách hàng, đối tác quốc tế lớn nhỏ như Vietjet Thái Lan, Thủy điện Xekaman 1 tại Lào,… và kỳ vọng trong tương lai gần, Base cũng hy vọng sẽ có những sản phẩm mới, thương hiệu mới vươn ra những thị trường xa hơn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… mang thương hiệu Make in Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang dành nhiều sự quan tâm cho thị trường và doanh nghiệp Việt Nam.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/base-huong-toi-muc-tieu-chinh-phuc-30000-doanh-nghiep-viet-nam-vao-nam-2030-post982399.vnp