Nhu cầu hợp tác quốc tế về biển xuất phát trước hết từ thực tiễn tại khu vực. Như chúng ta đều biết, Biển Đông là nơi án ngữ nhiều tuyến đường hàng hải có vai trò quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế bậc nhất trên thế giới, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và là nguồn sống của hàng triệu người trong khu vực.
Đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam tham quan trang thiết bị cứu nạn của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản trên tàu tuần tra Tosa. Ảnh: Lam Giang – Đức Hạnh
Tuy nhiên, một thực tiễn không thể phủ nhận là Biển Đông hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống gây quan ngại cho các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: Biển Đông là khu vực tồn tại nhiều bất đồng, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và biển rất đa dạng, phức tạp, khó giải quyết và đã kéo dài trong nhiều thập kỷ qua. Biển Đông cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về an ninh biển phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, các hoạt động tội phạm trên biển như nhập cư trái phép, nạn buôn người trên biển, khủng bố và cướp biển… đe dọa đến trật tự và an ninh khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển bền vững và lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực.
Việc đối phó triệt để và hiệu quả các thách thức đó đặt ra nhu cầu phối hợp hành động của các quốc gia ở các cấp độ khác nhau, song phương, khu vực và toàn cầu thông qua việc hài hòa hóa các hoạt động trên biển và giải quyết những vấn đề xuyên biên giới của biển và đại dương.
Việc Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển cũng xuất phát từ nghĩa vụ của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Xuất phát từ nhận thức “các vấn đề của không gian biển có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và cần được xem xét một cách tổng thể”, UNCLOS quy định minh định hoặc ngầm định về nghĩa vụ hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, đến đối phó với tội phạm trên biển, hay trong việc xử lý các vùng biển chưa phân định v.v…
Sau 42 năm thông qua và 30 năm có hiệu lực, vai trò của UNCLOS ngày càng được khẳng định và đề cao với tư cách là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, và là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Điều này đã được khẳng định trong các Nghị quyết thường niên về Đại dương và Luật Biển của Liên hợp quốc./.
Thanh Tùng