Nếu còn ở lại, thì ngày 13.10 tới, Phú Quang đã có thể đón sinh nhật lần thứ 75 của mình, trùng với dịp Hà Nội rộn ràng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô.
Đây cũng là dịp mà những nhạc phẩm nổi tiếng của ông như Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây hồ… cùng các ca khúc hay nhất về Hà Nội vang lên nhiều hơn bao giờ tại hàng loạt chương trình ca nhạc được tổ chức nhân dịp đại lễ này.
Đã gần 3 năm người được giải thưởng Vì tình yêu Hà Nội rời cõi tạm (tháng 12.2021), nhưng vẫn bảng lảng đâu đó trong sương khói Hà thành hình ảnh “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” – như ông từng tự nhận, “tôi thấy mình trong câu thơ tài hoa đó của nhà thơ Phan Vũ”…
Nhạc Phú Quang là giấy thông hành ra Hà Nội
Ca sĩ Đức Tuấn, người từng cùng nhạc sĩ thực hiện album nhạc Phú Quang cuối cùng trước khi ông qua đời – Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, coi nhạc Phú Quang chính là tấm giấy thông hành đưa anh tới Hà Nội.
Ca sĩ cho biết, tuy không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng có một câu hát của Phú Quang khiến anh cảm giác như thể riêng dành cho những người con TP.HCM trong những lần tới và rời Hà Nội với thật nhiều háo hức và lưu luyến: Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô…/Vội vã trở về, vội vã ra đi, chẳng thể nào qua hết từng con phố…
“Ngay từ lúc còn là cậu bé mười mấy tuổi, chưa từng được đặt chân tới Hà Nội, Đức Tuấn đã thuộc nằm lòng những câu hát: Em ơi Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa/Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm… Chưa biết gì về Hà Nội, nhưng đó thực sự là những câu hát đầy mê hoặc, cứ ám ảnh và cũng may sau đó nhờ dòng đời, dòng nghề đưa đẩy đã giúp Tuấn được gắn bó nhiều hơn với Hà Nội, được hát những ca khúc đẹp nhất của Phú Quang về Hà Nội. Trong đó, Tuấn yêu nhất là ca khúc Thu rất thật thu là khi chớm đông sang – nhạc phẩm có độ dài ngắn nhất trong những ca khúc về Hà Nội của Phú Quang, nhưng đặc tả tinh tế nhất về khoảnh khắc đẹp nhất của Hà Nội: khoảnh khắc ngập ngừng khi thu chớm đông sang…”, nam ca sĩ tâm sự.
Nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn, một “dân ngoại đạo” nhưng cũng là một người bạn thân thiết với Phú Quang trong những năm tháng nhạc sĩ sống tại TP.HCM, nói rằng “Phú Quang là niềm vui, đôi khi là niềm tự hào, là sự cuốn hút về một người Hà Nội khi chúng tôi được ngồi đâu đó có anh…”.
Người sở hữu bộ sưu tập tranh phố Phái nói về một Hà Nội khác mà anh tìm thấy trong âm nhạc của Phú Quang: “Tôi nghĩ chúng ta không nên dùng từ “nhất” ở đây mà nên dùng từ “chuẩn”. Phú Quang theo tôi là người viết về Hà Nội rất chuẩn. Hà Nội thế nào thì âm nhạc Phú Quang y như thế”.
Nhà sưu tập tranh còn nhận ra, Hà Nội trong âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa ấy thực sự là Hà Nội, thực sự là kiêu sa và lãng mạn của một Hà Nội xưa. Theo anh, Phú Quang đã lựa chọn những mảnh ký ức đẹp đẽ nhất để tái hiện bức chân dung đẹp nhất về Hà Nội.
“Anh làm như một họa sĩ vậy, như phố Phái! Anh ấy bỏ bớt tất cả những gì thô ráp của cuộc sống thật, bỏ bớt những nỗi buồn mà ai cũng phải chịu, bỏ tất cả những gì thuộc về nhọc nhằn vất vả mà chúng ta vẫn thường phải gánh, không còn cách nào khác cả.
Anh đẩy lùi tất cả vào trí nhớ, vào kỷ niệm, Hà Nội của anh là Hà Nội của hoài niệm, cho nên tất cả bỗng trở nên rất long lanh, nó rất đẹp và trở nên rất lãng mạn và chính vì thế nó rất là Hà Nội.
Anh không viết về Hà Nội xây dựng, Hà Nội chiến đấu như đóng góp của nhiều nhạc sĩ lớn khác. Anh viết về Hà Nội như một cái cớ để nói về tình yêu của mình…”, anh Tuấn “cảm” về Hà Nội từ nhạc Phú Quang.
“Sài Gòn có công… xui Phú Quang nhớ Hà Nội”
Là tác giả thơ vinh dự có nhiều bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc nhất, cũng là người bạn đồng hương chí cốt của nhạc sĩ trong hàng chục năm cùng chọn TP.HCM làm mảnh đất “trú đông”, nhà thơ Thái Thăng Long chia sẻ: “Phú Quang từng nói với tôi rằng, một trong những điều anh cảm thấy tiếc nhất là bao năm sống ở Sài Gòn nhưng lại chưa viết được ca khúc để đời về thành phố. Dù tôi biết rằng, thực ra anh cũng rất yêu Sài Gòn và sự khoáng đạt của nó, cũng đã từng viết ca khúc Đêm Sài Gòn…
Năm 2006, khi quyết định rời Sài Gòn để về hẳn Hà Nội, vào buổi chiều chia tay tôi, anh đã khóc. Thậm chí, vào những năm tháng cuối đời, anh còn từng nói với tôi “Mình muốn trở lại Sài Gòn nhưng không kịp nữa rồi…”.
Bù lại, phải ở Sài Gòn, anh (hay tôi) mới viết được về Hà Nội nhiều và hay đến thế. Sài Gòn đã có công… “xui” Phú Quang nhớ Hà Nội. Phú Quang hẳn lẽ phải cảm ơn Sài Gòn vì điều đó!”.
Nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn, một cộng sự chí cốt khác của nhạc sĩ Phú Quang, người luôn đồng hành cùng nhạc sĩ Mơ về nơi xa lắm trong các chuyến lưu diễn tại châu Âu; cũng là một người con Hà Nội “Nam tiến” và thành danh tại TP.HCM bày tỏ: “Trong âm nhạc của Phú Quang cũng như ở con người nhạc sĩ lúc nào cũng đau đáu một tình yêu Hà Nội. Hà Nội từ lâu trong anh đã là một chốn thiêng rồi. Anh đã nói hộ chúng tôi nỗi nhớ của những đứa con xa quê, xa nhà…
Tiếng là nhạc sĩ “mang hồ Gươm đi trú đông” nhưng thật ra Hà Nội chưa một ngày rời xa Phú Quang, cả khi anh đi lưu diễn ở Đông Âu hay sống tại Sài Gòn, nó vừa xưa cũ nhưng cũng luôn tươi mới trong niềm hoài niệm đẹp đó…”.
Tác giả phần lời của ca khúc Im lặng đêm Hà Nội, cũng là tác giả tập thơ Em muốn giang tay giữa trời mà hét – nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên thì bị trêu rằng: Cái lần chị đòi “giang tay giữa trời mà hét” ấy còn không vang vọng bằng một lần chị “im lặng” trước “mênh mông gương hồ” trong cái “đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương” năm ấy ở Hà Nội.
Người từng viết nên những câu thơ nặng lòng: “Chỉ còn em/Im lặng đến tê người” nói rằng, vào khoảnh khắc nghe tin nhạc sĩ của Em ơi Hà Nội phố qua đời, chị cũng đã thêm lần nữa trải qua cảm giác “im lặng đến tê người” như vậy!
Nguồn: https://thanhnien.vn/cay-bang-mo-coi-phu-quang-1852410100939549.htm