Thăng Long xưa – Hà Nội nay là nơi được chọn làm kinh đô của nhiều triều đại, là trung tâm văn hóa-chính trị, kinh tế-xã hội của cả nước.
Không chỉ là nơi có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều lễ hội, nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, Hà Nội còn được biết tới là mảnh đất trăm nghề, trong đó nhiều làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, vang danh khắp cả nước, tạo nên một nguồn lực lớn trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong số 1.350 làng nghề hiện hữu trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, có 321 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, phân bố ở 23 quận huyện và thị xã. Làng nghề của Hà Nội tập trung chủ yếu vào các nhóm nghề như sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh. Mỗi làng nghề của Thủ đô đều mang một đặc trưng riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trải qua dòng chảy lịch sử, bên cạnh làng nghề đã bị mai một, Hà Nội vẫn giữ được những làng nghề mang đậm nét văn hóa từ xa xưa. Có thể kể đến tứ trụ tinh hoa trứ danh trên đất Thăng Long xưa: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, đúc đồng Ngũ Xã.
Các làng nghề không chỉ lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử… lưu lại cho lớp lớp thế hệ người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Và cứ thế, tên nghề được gắn chặt với tên làng, in đậm những dấu ấn văn hóa một thời: Gốm Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xã, đậu bạc Định Công, quỳ vàng Kiêu Kỵ, làng làm tượng gỗ Sơn Đồng. Không chỉ vậy, Hà Nội còn mang nét văn hóa gắn liền với đời sống dung dị thôn quê qua những món đồ chơi dân gian gợi ký ức của bao người như đèn kéo quân Đàn Viên, chuồn chuồn tre Thạch Xá, tò he Xuân La…
Để giữ gìn và tiếp tục nuôi dưỡng nghề cha ông, những ‘linh hồn’ của làng nghề là lớp lớp những nghệ nhân, những người thợ vẫn một lòng thủy chung son sắt với nghề. Chính họ đã luôn bền bỉ, “nhẫn nại” để ngày đêm không những tạo ra các sản phẩm chứa đựng “tâm hồn, cốt cách” của con người Hà thành, mà còn thổi niềm đam mê cho những thế hệ tiếp nối.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, 10/10/1954-10/10/2024, Báo Điện tử VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc “một nét chấm phá” về những giá trị truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc sắc riêng có của người Hà Nội-‘văn hóa làng nghề” cũng như những con người thầm lặng sống, nuôi giữ những giá trị văn hóa này./.
Trên đất Thăng Long xưa có bốn làng nghề được mệnh danh là ‘tứ nghệ tinh’ gồm: làng dệt lĩnh Yên Thái, gốm Bát Tràng, kim hoàn Định Công và đúc đồng Ngũ Xã. Theo dòng chảy của lịch sử, làng dệt lĩnh chỉ còn lại hình ảnh vang bóng một thời trong ca dao: Nhắn ai trẩy chợ kinh thành/Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về. Tuy vậy, trên đất Hà Nội nay vẫn còn những con người cần mẫn giữ gìn được 3 nghề quý…
Gia đình nghệ nhân hơn nửa thế kỷ gìn giữ nghề truyền thống ‘hóa thổ thành kim’
Tiếp nối hành trình qua nhiều thế kỷ của làng gốm Bát Tràng, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi và Phạm Thị Minh Châu vẫn gìn giữ ‘hồn cốt’ của làng nghề và phát triển sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Lợi là người con của mảnh đất Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), đã có hơn nửa thế kỷ người với đất quấn quít bên nhau.
Ông Lợi luôn cảm thấy may mắn khi lớn lên trong một làng nghề truyền thống và gia đình theo nghề này. Từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với mùi đất và bàn xoay.
Theo lời ông Lợi kể, theo gia phả gia đình nhà ông đã làm nghề từ rất lâu đời, kinh nghiệm làm gốm thuở ban đầu rất sơ khai, tuy nhiên những sản phẩm vẫn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm nghề.
Sau năm 1986, làng nghề được phát triển tự do và nhiều gia đình đã có xưởng riêng, từ đó, mỗi gia đình đều tìm ra hướng đi riêng cho sản phẩm nhưng vẫn gìn giữ cốt lõi là tinh hoa mà cha ông để lại.
Vợ ông là nghệ nhân Phạm Thị Minh Châu, đồng hành và bổ trợ trong chặng đường gìn giữ nghề cha ông, cùng nhau đưa sản phẩm vượt lũy tre làng ra thị trường quốc tế.
Bà Châu cùng ông Lợi được phong nghệ nhân năm 2003, bà là người đảm nhiệm việc ‘tô điểm’ thêm phần hồn cho những sản phẩm gốm.
Cặp vợ chồng nghệ nhân đã phục dựng thành công men gốm màu lục, nâu mật của thời nhà Lý hay dòng men xanh tràm theo phong cách thời Lê và thời Trần.
Gia đình luôn kiên định giữ nét tinh hoa truyền thống nhưng phát triển dựa trên gốc để có sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường nước ngoài.
Hiện gia đình đang có dòng men Raku đặc trưng được lấy cảm hứng từ một dòng gốm cổ xuất phát từ Nhật Bản những năm 1550, thường phục vụ trong nghi thức trà đạo.
Sau gần 4 năm nghiên cứu, dòng men gốm này đặc trưng về tạo màu sắc ‘thiên biến vạn hóa’ phụ thuộc vào nhiệt độ lò, độ dày sản phẩm.
Dòng gốm này phải trải qua hai lửa, sau đó dùng vỏ bào và chấu phủ lên và úp lại để yếm khí khiến dòng men tự ‘phát màu.’
Mỗi sản phẩm làm ra gần như độc bản tuy nhiên đến nay ông đã nghiên cứu để kiểm soát màu và đáp ứng thành công thị trường Canada, Anh, Hà Lan.
Gia đình ông Lợi bà Châu cũng như những người dân Bát Tràng khác vẫn bền bỉ gìn giữ hồn cốt làng nghề: “Bạch bát chân truyền nê tác bảo-Hồng lô đào chú thổ thành kim.
Nghệ nhân hiếm hoi gìn giữ tinh hoa nghề đậu bạc của đất Thăng Long
Nghệ nhân Quách Tuấn Anh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) được coi là ‘của hiếm’ cuối cùng trong làng nghề đậu bạc Định Công, một trong tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long xưa.
Nghệ nhân Quách Tuấn Anh được cho là một trong những nghệ nhân cuối cùng ‘giữ lửa’ làng nghề đậu bạc Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).
Vốn tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng Luật và Quản trị kinh doanh, nhưng anh đã lựa chọn rẽ ngang, trở về với nghề truyền thống đậu bạc.
Nghệ nhân 43 tuổi trước đây không có ý định theo nghề của cha ông vì công việc này mất rất nhiều công sức. Người thợ bạc cần hết sức kiên trì, tỉ mỉ mới có thể hoàn thiện một sản phẩm
Thời điểm năm 2003, vì chỉ có duy nhất nghệ nhân Quách Văn Trường làm nghề nên nhiều đơn hàng bị từ chối. Tuấn Anh nhận thấy đây là cơ hội để phát triển làng nghề nên quyết tâm nối nghiệp cha ông.
Chia sẻ về nghề được mệnh danh là một trong ‘tứ nghệ tinh’ trên đất Thăng Long xưa, nghệ nhân Tuấn Anh nói về sự tỉ mỉ và kỳ công trong từng công đoạn.
Sau khi kéo bạc thành sợi bạc nhỏ, người thợ se sợi bạc lại với nhau dùng làm các chi tiết để đậu bạc
Nghề đậu bạc biểu trưng cho sự tinh xảo của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Ngoài đôi bàn tay khéo léo, người thợ đậu bạc phải có con mắt thẩm mỹ và sự kiên nhẫn mới có thể làm được một tác phẩm hoản hảo.
Việc người thợ cảm nhận độ nóng khi đậu bạc rất quan trọng bởi sản phẩm được ghép từ nhiều chi tiết nhỏ, nếu quá nhiệt bạc sẽ bị nóng chảy.
Nếu nhiệt chưa đủ, người thợ sẽ khó nắn chỉnh các chi tiết hoặc có thể làm hỏng ngay sản phẩm.
Nghệ nhân Quách Tuấn Anh cho biết, chặng đường hơn 20 năm gắn bó với nghề là quá trình rút kinh nghiệm để tạo cảm nhận của người thợ về nhiệt độ khi đậu bạc.
Những sản phẩm mang biểu tượng truyền thống với những hoa văn kết từ sợi bạc nhỏ như sợi tóc.
Hay sản phẩm được cấu thành từ hàng nghìn chi tiết, thể hiện rõ sự kỳ công và tinh xảo của nghề đậu bạc Định Công.
Thành phẩm đậu bạc tháp Rùa- một biểu trưng của Hà Nội.
Dưới mái đền tổ nghề, nghệ nhân Quách Tuấn Anh cùng những người thợ bạc vẫn hằng ngày miệt mài giữ gìn một trong ‘tứ trụ tinh hoa’ làng nghề trên mảnh đất Thăng Long.
Hành trình hơn 4 thế kỷ gìn giữ ‘lửa’ làng nghề trên mảnh đất Thăng Long
Được ‘khai sinh’ từ thế kỷ XVII, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã được coi là một trong bốn nghề tinh hoa bậc nhất của Kinh thành Thăng Long. Đến nay, nơi đây vẫn bền bỉ giữ nghề trong dòng chảy lịch sử.
Theo lịch sử làng nghề, vào những năm 1600, triều đình nhà Lê mời 5 thợ đúc có tay nghề cao về kinh thành gọi là Tràng Ngũ Xã. Để ghi nhớ 5 làng quê gốc, người dân đã lấy tên là làng Ngũ Xã.
Thời ấy, Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Theo thời gian, nghề đúc ngày càng phát triển, đúc các đồ dùng phục vụ đời sống hàng ngày như mâm, chậu,…
Ngoài ra, người dân Ngũ Xã còn đúc đồ thờ cúng như tượng Phật, bát hương, đỉnh, bộ tam sư ngũ sự bằng đồng.
Nhờ vậy, làng đúc đồng Ngũ Xã trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân khắp mọi miền đất nước và truyền thống tiếp tục được duy trì, phát triển.
Sau năm 1954, nhằm đáp ứng nhu cầu của thời thế và xã hội, người dân Ngũ Xã chuyển sang làm các sản phẩm nồi nấu cơm , xoong chia cơm, đồ gia dụng, phục vụ cho chiến tranh, quốc phòng và dân sinh.
Thời kỳ này, dù trải qua giai đoạn lịch sử khó khăn với nhiều biến động xã hội, nhưng với tình yêu nghề, người dân Ngũ Xã ngày đó quyết tâm không để những giá trị làng nghề bị mai một, tiếp tục trau dồi, học tập và nâng cao tay nghề.
Tới nay, dù nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thế hệ con cháu của làng Ngũ Xã vẫn kiên trì học hỏi rèn luyện, kế thừa những tinh hoa của cha ông đã được lưu truyền hơn 400 năm.
Sự khác biệt của sản phẩm đồng Ngũ Xã chính là kỹ thuật đúc liền khối. Đúc liền khối với sản phẩm nhỏ đã không đơn giản, đối với các sản phẩm có kích thước lớn lại càng khó khăn, phức tạp.
Hoa văn được các người thợ lành nghề trạm trổ lên sản phẩm.
Với đôi bàn tay khéo léo và cảm nhận của người làm nghề, những khối đồng sẽ ‘thay da đổi thịt’ trước khi được đánh bóng.
Những sản phẩm đồng đúc trải qua những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì của người thợ.
Công đoạn cuối là đánh bóng để cho ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.
Sản phẩm chủ đạo hiện nay thường là đồ thờ cúng.
Bên cạnh đó còn là những sản phẩm như tượng Phật. Các sản phẩm đồng của Ngũ Xã làm ra trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật.
Ngoài ra, Hà Nội có những làng nghề cũng trải qua hàng thế kỷ nhưng vẫn bền bỉ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhắc tới nón làng Chuông, đào Nhật Tân, tượng gỗ Sơn Đồng, dát vàng Kiêu Kỵ thì hiếm có người không biết đến…
Nơi người dân gìn giữ nét đẹp hồn quê Việt Nam qua chiếc nón lá
Làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng cả nước với truyền thống làm nón lá lâu đời. Hằng ngày, người dân cần mẫn làm bạn với lá lụi, kim chỉ gìn giữ một nét đẹp hồn quê đất Việt.
Nằm cạnh con sông Đáy, làng Chuông là một ngôi làng cổ , nơi những người phụ nữ vẫn ngày ngày ngồi đan từng chiếc nón, gìn giữ nghề truyền thống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Hỏi chuyện nghề làm nón, ai ai trong làng Chuông cũng đều biết, nhưng khi hỏi nghề làm nón ở đây có từ bao giờ thì lại ít ai biết rõ. Theo lời những bô lão trong làng, từ thế kỉ thứ VIII, làng đã bắt đầu sản xuất nón.
Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng
Trong thời kỳ phát triển, làng Chuông là nơi cung cấp nhiều loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá già ghép sống.
Nón lá làng Chuông nổi tiếng bởi các đặc tính chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp. Để làm nên những chiếc nón, những người thợ làng Chuông đã phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian.
Theo chia sẻ của các bậc cao niên trong làng, công đoạn đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc.
Sau đó, lá được lót dưới nắm giẻ và miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không rách.
Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi người làm nón sẽ khâu lại. Đây là một công đoạn rất khó bởi lá rất dễ rách nếu không có sự khéo léo.
Để có một chiếc nón hoàn chỉnh, người làm nón phải cẩn thận trong từng công đoạn, kiên nhẫn và khéo léo với từng đường kim, mũi chỉ.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa, người dân làng Chuông vẫn miệt mài khâu từng chiếc nón.
Người già truyền lại cho lớp trẻ, người lớn dạy cho trẻ nhỏ, cứ thế mà nghề nối nghề, họ vững tin và âm thầm gìn giữ mãi chiếc nón lá truyền thống, vừa bảo tồn nét văn hóa của người Việt.
Làng đào Nhật Tân- biểu tượng văn hóa của Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Làng Nhật Tân có nghề truyền thống trồng đào nức tiếng Hà thành suốt nhiều thế kỷ. Cứ Tết đến, người Hà Nội lại nô nức kéo đến vườn ngắm đào khoe sắc thắm chọn cho được một cây đào bích, đào phai ưng ý.
Làng Nhật Tân có lịch sử tồn tại hàng trăm năm nay ở Hà Nội. Đào Nhật Tân trong nhiều thế kỷ liền luôn là 1 thứ được lựa chọn trong thú chơi hoa của người Thăng Long.
Đào có màu hồng và màu đỏ, màu của lộc, của máu, của sự tái sinh, phát triển nên ngày tết, những nhà ở Thăng Long thường cắm 1 cành đào với niềm tin năm mới sẽ phát tài phát lộc.
Những việc của người trồng đào Nhật Tân như sửa tán, sửa vòm cho cây được tròn đều đẹp, đặc biệt là việc hãm đào cho hoa bung nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán
“Tiếng thơm” về hoa đào ở Nhật Tân cứ như vậy vang vọng gần xa. Quả thực, khắp miền Bắc này, không nơi nào có hoa đào đẹp như Nhật Tân.
Hoa đào nơi đây cánh dày dặn, mập mạp, xinh xắn, màu sắc rõ nét như in bằng mực.
Từ tháng ba, tháng tư, người dân làng đã tất bật chăm cây, trồng cây để chuẩn bị cho mùa đào dịp cuối năm.
Muốn cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán thì từ giữa tháng 11 âm lịch, người trồng đã phải tiến hành tuốt lá cho cây đào nhằm tập trung dinh dưỡng làm nụ, bảo đảm nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.
Dựa theo tình hình thời tiết, mà người trồng hoa đào sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Đi qua bao nhiêu thăng trầm, vất vả của người dân, giờ đây làng Nhật Tân đang gặt “quả ngọt” khi cây đào Nhật Tân đã trở thành một biểu tượng văn hóa.
Cứ nhắc đến Tết ở Hà Nội, phần lớn mọi người lại nhớ về những vườn đào bích, đào phai nép mình khoe sắc, tỏa hương giữa lòng Thủ đô.
Về làng nghề Sơn Đồng xem ‘hậu duệ’ các nghệ nhân thổi hồn vào gỗ
Làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) đã hình thành và phát triển được hơn 1.000 năm, đến nay nhiều lớp trẻ trong làng đang tiếp tục duy trì và phát triển tinh hoa nghề làm tượng bằng gỗ.
Làng nghề Sơn Đồng đã hình thành và phát triển hơn 1000 năm. Trong thời kỳ phong kiến, làng nghề có hàng trăm người được phong Tước bá hộ kỹ nghệ (nay gọi là nghệ nhân).
Các dấu ấn vật thể 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đều có dấu ấn từ đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Sơn Đồng như Văn miếu Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn,…
Đến nay, làng nghề có nhiều người trẻ tiếp tục kế nghiệp cha ông duy trì và phát triển nghề làm tượng gỗ.
Anh Nguyễn Đăng Đại, con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Hạc, đã gắn bó với ‘ bản nhạc’ làng nghề hơn 20 năm, từ ngày bé anh đã quen với tiếng đục đẽo lách cách.
Sau nhiều năm cần mẫn nghe cha ‘cầm tay chỉ việc,’ hiện nay anh cũng có một xưởng riêng chế tác tượng Phật bằng gỗ.
Sau bao ngày đêm miệt mài bên xưởng gỗ, lớp kế cận của các nghệ nhân đã chế tác được những hoa văn tinh xảo.
Đồng trang lứa với anh Đại trong làng Sơn Đồng, anh Phan Văn Anh là cháu trai nghệ nhân Phan Văn Ánh cũng đang tiếp tục công cuộc ‘thổi hồn vào gỗ’ của các bậc tiền nhân.
Đôi mắt đau đáu với nghề và đôi bàn tay tỉ mỉ vẫn luôn hằng ngay bên những thớ gỗ, mùi sơn với những sản phẩm tượng Phật.
Quả ngọt mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau những ngày đêm miệt mài ở xưởng gỗ là tiếng thơm vang xa khắp mọi miền tổ quốc, nhắc đến tượng Phật gỗ là người ta nghĩ ngay đến Sơn Đồng.
Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi độ tinh xảo cao như bức tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác…
Phía sau những tác phẩm nghệ thuật từ ‘hậu duệ’ làng nghề là vị mặn mòi của mồ hôi, đang tiếp tục vững bước trên chặng đường mà các bậc tiền nhân dày công vun đắp.
Tiếng lách cách đục đẽo ở Sơn Đồng vẫn vang lên những không phải từ những đôi bàn tay cũ kỹ, đó là âm thanh của sức trẻ, là tín hiệu giữ gìn nghề truyền thống của thế hệ sau.
Ghé thăm làng nghề ‘độc nhất vô nhị’ ở Việt Nam với 400 năm nức tiếng gần xa
Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) được mệnh danh là làng nghề ‘ độc nhất vô nhị’ bởi lẽ 1 chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp là người con của mảnh đất Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), đã gắn bó với nghề làm quỳ vàng hơn 40 năm. Gia đình anh cũng có truyền thống 5 đời làm nghề ‘độc nhất vô nhị’ này.
Những nhịp búa đều đều từ bàn tay chắc nịch nhưng hết sức tỉ mỉ của người Kiêu Kỵ có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành lá vàng có diện tích hơn 1m2. Muốn có 1 quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng 1 giờ liên tục.
Đây là công đoạn đòi hỏi tính kiên trì, vàng phải đập mỏng đều, không rách và chỉ cần lơ đãng một chút là búa quỳ sẽ đập vào ngón tay.
Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó mỏng và dai, được ‘lướt’ nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc.
Kiêu Kỵ được mệnh danh là làng nghề ‘độc nhất vô nhị’ bởi lẽ một chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được.
Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập diệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao.
Các công đoạn ‘cắt dòng’ và ‘sang vàng’ tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp. Đây là công đoạn phải làm trong phòng kín, không được dùng quạt vì vàng sau khi quỳ rất mỏng, chỉ cần gió nhẹ cũng có thể làm bay những lá vàng.
Theo thuyết xưa kể lại, tay nghề người Kiêu Kỵ tinh xảo, phục vụ sơn son thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu điện ở kinh đô.
Hiện nay, nhứng lá quỳ vàng ở Kiêu Kỵ vẫn phục vụ nhiều công trình có tính thẩm mỹ cao trên cả nước.
Những sản phẩm tượng Phật được dát vàng tinh xảo.
Sản phẩm dát vàng trong nhà thờ tổ nghề như một lời nhắc nhở trân trọng nghề truyền thống của cha ông để lại.
Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu kể những câu chuyện dân gian bằng con giống bột
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu thể hiện các tác phẩm của mình bằng những chất liệu dân gian, tạo ra những con tò he biết ‘kể chuyện’ thay vì đơn thuần chỉ là món đồ chơi dân dã.
Sinh ra trong một gia đình tại làng nghề truyền thống Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội) có nhiều thế hệ gắn bó với nghề nặn tò he, nghệ nhân Đặng Văn Hậu (sinh năm 1988) đã gắn bó với sản phẩm tò he từ nhỏ.
Hành trình gìn giữ nghề nặn tò he truyền thống của nghệ nhân Đặng Văn Hậu gặp không ít khó khăn, nhưng anh luôn tìm cách vượt qua. Anh đã nghiên cứu loại bột mới, có thể giữ trong nhiều năm và phục dựng kỹ thuật nặn con giống truyền thống của ông cha để lại, nhất là con giống Chim Cò của làng Xuân La.
Nhờ đôi bàn tay khéo léo và sự nhiệt huyết, nghệ nhân Đặng Văn Hậu không chỉ giữ lửa, truyền đam mê với nghề truyền thống cho các bạn trẻ mà còn nâng tầm giá trị của các sản phẩm tò he dân gian trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
Hiện tại, bên cạnh việc duy trì làm con gióng bột truyền thống như một món đồ chơi dân dã, nghệ nhân trẻ 8x tập trung hơn vào những bộ sản phẩm mang câu chuyện dân gian.
Lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, anh đã tái hiện lại câu chuyện ‘Đám cưới chuột.’ Anh luôn quan niệm, trong mỗi tác phẩm của mình phải mang được câu chuyện văn hóa.
Hay bộ tò he “Rước đèn Trung thu” tái hiện sinh động những hình ảnh về Tết Trung thu xưa của làng quê Bắc Bộ.
Tác phẩm này cũng đã đoạt Giải Đặc biệt của Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023.
Tác phẩm rồng được làm theo hai phong cách rồng thời Lý và rồng thời Nguyễn.
Sau hơn 20 năm gắn bó với bột màu, có nhiều học viên đã theo học và trở thành thợ lành nghề, nhưng có lẽ niềm vui lớn của anh là cậu con trai lớp 8 cũng đang say đắm với những con tò he.
Bắt đầu theo cha học nghề cách đây 2 năm, Đặng Nhật Minh (14 tuổi) bây giờ đã có thể tự tay nặn ra những sản phẩm tò he.
Đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ tự sáng tạo những con tò he theo phong cách riêng của mình.
Tuy những sản phẩm chưa đạt mức ‘tinh xảo’ như nghệ nhân Đặng Văn Hậu nhưng Minh thể hiện được rõ hình hài của sản phẩm, mang tính ngây ngô của một món đồ chơi con trẻ.
Nghệ nhân gần 80 năm nặng lòng với những chiếc đèn kéo quân dịp Trung thu
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1939) đã có gần 80 năm làm đèn kéo quân vẫn miệt mài ngày đêm, thổi hồn cho những món đồ chơi dân gian, mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Quyền, nghệ nhân duy nhất còn lại tại làng Đàn Viên (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) đã có gần 80 năm làm đèn kéo quân truyền thống.
Ở tuổi 85, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn còn nhanh nhẹn. Ông Quyền kể, khi còn nhỏ, cứ đến dịp Tết Trung thu, các cụ trong nhà lại làm đèn cho con cháu chơi.
“Cách đây khoảng 60 năm, đèn kéo quân rất thịnh hành ở vùng nông thôn. Đến nay, khi nhiều đồ chơi nước ngoài tràn ngập, đèn kéo quân nói riêng và đồ chơi dân gian nói chung ngày mai một dần, ít người chơi,” ông Quyền kể.
Tuy vậy, với mong muốn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dịp Tết Trung thu, ông vẫn cần mẫn thổi hồn vào những thanh tre, giấy nến để tạo nên những chiếc đèn.
Mỗi dịp Trung thu về, ông Quyền cùng vợ lại tất bật bên cạnh những chiếc đèn kéo quân.
Để hoàn thiện một chiếc đèn kéo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn rất cầu kỳ, tỉ mỉ, đòi hỏi tính kiên nhẫn của người làm.
Các thanh tre sau khi phơi khô sẽ được cố định thành hình lục giác làm khung của đèn.
Để tạo tính thẩm mỹ, bên ngoài khung đèn sẽ được dán thêm những họa tiết trang trí nhỏ giúp đèn nhìn sinh động, bắt mắt hơn.
Xung quanh thân đèn sẽ được dán giấy nến hoặc giấy bản để in ‘bóng quân’ khi thắp nến bên trong.
Đèn kéo quân truyền thống tuy nhìn đơn giản nhưng chứa đựng bên trong nó những giá trị văn hóa.
Những hình ‘quân’ chạy trong đèn thường là những hình ảnh gắn bó với nền văn minh lúa nước của cha ông ta.
Đó có thể là những hình ảnh về sỹ nông công thương hay tiều ngư canh mục.
Mặc dù trong bối cảnh đồ chơi hiện đại chiếm nhiều thị phần nhưng đồ chơi dân gian vẫn nhận được sự quan tâm từ giới trẻ bởi chính giá trị văn hóa chứa đựng trong nó.
Chuồn chuồn tre Thạch Xá – món quà độc đáo của làng quê Việt Nam
Với bàn tay khéo léo và điêu luyện, người làng Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) đã tạo ra những con chuồn chuồn bằng tre, trở thành một món quà quê được nhiều người yêu thích.
Dưới chân ngôi chùa Tây Phương, những người con Thạch Xá đã tạo ra những con chuồn chuồn từ cây tre, vừa bình dị, gần gũi mà hấp dẫn.
Không ai nhớ chuồn chuồn tre chính xác ‘khai sinh’ từ bao giờ nhưng từ khoảng hơn 20 năm nay, những người thợ hằng ngày vẫn làm bạn với tre, với keo, sơn để tạo ra món quà quê giản dị này.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Khẩn và bà Nguyễn Thị Chi (Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) hằng ngày hì hụi bên những thân tre, tạo ra những cánh chuồn chuồn
Ông Khẩn bảo làm chuồn chuồn tre phải tỉ mỉ từng ly, để sản phẩm làm ra vừa phải đẹp mắt nhưng phải cân đối để con chuồn chuồn có thể ‘đậu’ được ở bất kể đâu.
Từ công đoạn vót, làm cánh, đến khoan những lỗ nhỏ chỉ bằng cái tăm để gắn những đôi cánh chuồn chuồn lên thân đều phải thận trọng và khéo léo mới tạo được sự cân bằng khi hoàn thiện
Người thợ sẽ dùng một thanh sắt nung nóng để uốn phần đầu chuồn chuồn, tạo thăng bằng với cánh và đuôi giúp chuồn chuồn có thể đậu được.
Cân bằng chuồn chuồn có thể đứng được là công đoạn cuối cùng trong khâu tạo hình, trước khi chuồn chuồn được chuyển đến khu sơn vẽ.
Hàng xóm nhà ông Khẩn là gia đình anh Nguyễn Văn Tái, cũng là gia đình đầu tiên gắn liền với những cánh chuồn chuồn tại Thạch Xá từ thuở ban đầu cho đến nay.
Ngoài việc làm phần thô cho chuồn chuồn, gia đình anh còn có xưởng sơn để hoàn thiện sản phẩm bắt mắt, đầy màu sắc.
Sau khi hoàn thiện sản phẩm ở dạng thô, những người thợ mới chính thức tạo ‘phần hồn’ cho chúng bằng việc quét sơn, vẽ họa tiết.
Chuồn chuồn tre sẽ được làm đẹp bằng nhiều màu sơn khác nhau với cảm hứng nghệ thuật mang hơi thở đời sống thôn quê dân dã.
Những người thợ cần khéo léo trải đều sơn nếu không sẽ bị loang màu , chất liệu sơn ta cũng sẽ giúp cho sản phẩm vừa bền vừa đẹp.
Những chú chuồn tre sẽ được ‘hong khô’ sơn trước khi tung cánh bay tới mọi nẻo đường như một món quà lưu niệm.
Chuồn chuồn tre Thạch Xá đã trở thành một món quà bình dị của làng quê Việt Nam cùng nón lá, tò he.
Phía Nhật Bản mong muốn có thể đưa các hoạt động của Lễ hội Việt - Nhật tới Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới, qua đó nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân, đóng góp và nâng tầm mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản. Chiều 10/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã tiếp và làm việc với đoàn Cố vấn đặc biệt Liên minh...
UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm về việc cấm đường xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm phục vụ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tới hết ngày 13/10. Chiều 10/10, Văn phòng UBND Thành phố vừa có Công văn số 12434/VP-ĐT ngày 10/10/2024, thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố về việc cấm đường xung quanh khu vực hồ...
Nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón các đơn vị quân đội ta vào tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: TTXVN - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Tôi sinh ra ở Hà Nội năm 1936, trước đây gia đình ở phố Mã Mây, Hoàn Kiếm. Năm 1946, cha mẹ tôi theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, dẫn 7 anh em lên Việt Bắc tản cư. Anh cả tôi năm đó mới 16 tuổi...
"Hà Nội - Bản hùng ca phố" gợi nhớ về những ngày tháng lịch sử anh dũng mà hào hoa của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, xây dựng phát triển Hà Nội, xứng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, vươn mình trong thời đại mới. Tối 10/10, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng...
Hai dự án đường sắt đô thị, những công trình giao thông trong nội đô hay các tuyến cao tốc... được xây dựng trong thập kỷ qua đã làm cho bộ mặt Hà Nội thay đổi đáng kể, sánh ngang với thủ đô các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đường Võ Nguyên Giáp kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô dài 12km, rộng từ 70 - 100m, đi qua 2 huyện...
Tạp chí du lịch nổi tiếng Condé Nast Traveler liệt kê 21 điểm đến rẻ nhất dành cho du khách năm 2024, trong đó có Việt Nam.
Du khách bất ngờ nhận quà khi ghé thăm Đà Nẵng, Việt Nam vào đầu năm 2024. Ảnh: Thuỳ Trang
Theo Condé Nast Traveler, nhiều yếu tố cần cân nhắc khi lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ, từ việc tìm địa điểm du lịch giá rẻ, sự an toàn của điểm đến cho tới các...
Nhờ chống lại tục 'bắt vợ', Má Thị Di người dân tộc Mông đã tìm được hạnh phúc bên chồng hơn 7 tuổi.
Má Thị Di (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) - nhân vật chính trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã có những chia sẻ xúc động về cuộc sống của mình trong tọa đàm "Ra khỏi màn sương" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
-...
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước ta hôm nay rời Hà Nội, lên đường...
Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề: “Hồng Hà - Bản giao hưởng dấu son 65 năm” ghi dấu chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển của Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà.
Chương trình diễn ra ngày 1/10/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, 40 Hàng Bài, Hà Nội. Tại lễ kỷ niệm, Văn phòng phẩm Hồng Hà cũng vinh dự được Bộ GD&ĐT trao tặng Bằng khen “Doanh nghiệp có nhiều đóng góp,...
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, cùng với mở rộng sản xuất, Tập đoàn tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa chuỗi phân phối các sản phẩm của Zamil.
Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII8) và thăm, làm việc tại Vương quốc Saudi Arabia, sáng 30/10 (giờ địa phương), tại thủ đô Riyadh, Thủ tướng Chính phủ...
Chiều 8/11, một lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cho biết các đơn vị sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng để có hướng xử lý tiếp theo. Theo đó, máy bay huấn luyện Yak-130 đã được tìm thấy tại khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn, thuộc địa phận...
Ngày 4.11.2024, nhãn hàng Vương Bảo của Công ty Dược phẩm Thái Minh vinh dự đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia ngay ở lần tham gia đầu tiên. Đây không chỉ là một danh hiệu, mà còn là minh chứng cho những bước đi đúng đắn, xứng tầm của một thương hiệu lớn.
Để có được danh hiệu này, Dược phẩm Thái Minh đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của chương trình Thương hiệu Quốc gia, bao...
(Dân trí) - Cơ quan chức năng đã tìm thấy máy bay quân sự Yak-130 rơi tại lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk chờ chỉ đạo của Bộ Quốc phòng để đưa xác máy bay ra ngoài.
Chiều 8/11, một nguồn tin xác nhận với phóng viên báo Dân trí, lực lượng chức năng đã tìm thấy máy bay quân sự Yak-130 rơi gần trạm kiểm lâm tại Vườn quốc...
Đội tuyển futsal Việt Nam lội ngược dòng 5-4 đầy kịch tính trước tuyển futsal Úc trong trận bán kết Giải futsal Đông Nam Á 2024.
Tuyển futsal Việt Nam thắng Úc 5-4 để vào chung kết - Ảnh: ASEAN FUTSAL
Chiều 8-11, tuyển futsal Việt Nam chơi trận bán kết giải futsal Đông Nam Á 2024 với tuyển futsal Úc trên sân Termial 21 Korat ở Thái Lan.
Cú sốc cho tuyển futsal Việt Nam
Tuyển futsal Úc đã tiến bộ nhiều trong những...
Chiều 8/11, tại TP Trùng Khánh (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm Khu di tích lịch sử Hồng Nham, gắn liền với quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nghe giới thiệu về đường Thạch Bản, nông trường Đại Hữu, nhà cỏ, khu di tích cũ Nhà cách mạng Nhiễu Quốc Mô - những cái tên gắn liền với quá trình hoạt...
Thực hành yoga thường xuyên có thể giảm đau lưng dưới, cải thiện giấc ngủ và giảm phụ thuộc vào thuốc giảm đau, theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Cleveland Clinic.
...
Chiều 8/11, một lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cho biết các đơn vị sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng để có hướng xử lý tiếp theo. Theo đó,...
Sáng ngày 06/11, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát tin cơn bão YINXING gần biển Đông với cường độ cấp 13, giật cấp 16; sáng ngày 08/11, bão YINXING đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2024.
Hồi 13h00 ngày 08/11, vị trí tâm...
(MPI) - Ngày 08/11/2024, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng...
(MPI) - Trong khuôn khổ các hoạt động của chuỗi sự kiện Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024, chiều ngày 08/11/2024, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc đã diễn ra Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp...