Đây là một trong những nội dung của Nghị định 125 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được Chính phủ ban hành ngày 5/10.
Theo đó, điều kiện hoạt động của trường THPT chuyên tư thục giống như đối với trường THPT, đồng thời phải có chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy, học tập; có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng các tiêu chuẩn, nhiệm vụ theo quy định đối với trường chuyên.
Nghị định 125 cũng quy định một số nội dung mới liên quan tới điều kiện thành lập, hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Theo đó, các điều kiện này phải phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
Theo Nghị định, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông muốn hoạt động giáo dục phải đảm bảo các điều kiện cơ bản về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; còn những tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể, mang tính chuyên môn, kỹ thuật sẽ được thực hiện theo văn bản chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định cũng bổ sung quy định: “Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em/học sinh theo quy định”.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, các khu vực đô thị mới, địa bàn đông dân cư đang gặp tình trạng quá tải trường học, trong khi đó diện tích đất để xây dựng cơ sở giáo dục ngày càng hạn chế. Vì vậy, việc bổ sung quy định nhằm khắc phục phần nào những hạn chế này tại các khu vực đô thị có mật độ dân số cao, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay, để bảo đảm nguyên tắc nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, Nghị định quy định mức vốn đầu tư để cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong nước hoạt động tương tự như mức vốn để cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động.
Cụ thể, mức vốn đầu tư để trường mầm non, phổ thông tư thục hoạt động giáo dục: “ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất)…” đối với trường mầm non và “ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất)…” đối với trường phổ thông. Đối với trường hợp trường tư thục không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động giáo dục thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức đầu tư quy định.
Việc quy định cụ thể về mức vốn này bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như duy trì và phát triển hoạt động của nhà trường; là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; tăng cường vai trò và trách nhiệm của nhà đầu tư khi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 20/11/2024, thay thế cho Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46.
Quý độc giả xem chi tiết Nghị định số 125/2024/NĐ-CP dưới đây:
Tranh luận về bài thơ có ‘đủ tầm’ được đưa vào sách giáo khoa
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cho-phep-thanh-lap-truong-thpt-chuyen-tu-thuc-2330518.html