QUÁ TẢI VÌ CHƯA QUEN CÁCH TIẾP CẬN CHƯƠNG TRÌNH MỚI
Là giáo viên (GV) trải qua các giai đoạn áp dụng Chương trình GDPT 2006 và 2018, thạc sĩ Trần Văn Toàn, nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho rằng nhu cầu học thêm không phải do chương trình mới hay cũ mà đây là nhu cầu trước nay của học sinh (HS), đặc biệt với HS THPT để tiếp cận các kỳ thi, xét tuyển ĐH. Tuy nhiên theo ông Toàn, dù Chương trình GDPT 2018 đã áp dụng ở bậc THPT 3 năm qua nhưng có cảm giác cả thầy lẫn trò vẫn chưa quen với chương trình mới nên việc học vẫn áp lực.
“Việc chưa quen, sự lo lắng thiếu kiến thức để HS tham gia các kỳ thi sắp tới sau một thời gian dài quen với cách tiếp cận kiến thức hàn lâm của chương trình cũ đã khiến một bộ phận GV “đẩy” cả cái cũ vào chung với cái mới, khiến việc học chương trình mới áp lực. Và khi bị áp lực thì đương nhiên dẫn đến học thêm”, ông Toàn nhận xét.
Theo ông Toàn, chương trình mới có thời lượng ít hơn để truyền đạt kiến thức mới cho HS. Ngoài ra, cách tiếp cận gắn liền với thực tế trong chương trình mới đòi hỏi GV cần nhiều thời gian hơn. Điều này khiến GV gặp khó khăn trong việc chuyển đổi từ chương trình cũ sang chương trình mới. Do chưa quen với cách tiếp cận mới, GV lo lắng việc bỏ bớt các bài tập cũ và thay thế bằng các ví dụ thực tế sẽ khiến HS không nhận được đầy đủ kiến thức cơ bản.
Ông Toàn dẫn chứng: “Sau khi tham khảo một số đề kiểm tra của một số trường, tôi thấy còn “lấp ló” rất nhiều kiến thức của chương trình cũ. Chương trình toán giờ đây không còn học thuật như ngày xưa, cũng không đào quá sâu, không yêu cầu “mưu mẹo” tính toán nữa mà gắn liền với thực tế nhẹ nhàng, đưa ra thẳng các khái niệm về toán học ứng dụng được trong thực tế. Tức là ngoài những nội dung toán thuần túy, GV còn có thời lượng để dạy cho HS các bài toán thực tế. Tuy vậy phần lớn GV đưa các ví dụ của thực tế nhưng lại không dám bỏ các bài tập có trong chương trình cũ”.
PHẢI “CÀY CUỐC” MỚI XONG YÊU CẦU CẦN ĐẠT
Tương tự, một GV ngữ văn THPT tại Q.7 (TP.HCM) nhận định ở môn ngữ văn, GV dạy HS kỹ năng đọc theo thể loại để trả lời được các câu hỏi phần đọc trong đề kiểm tra nhưng thời gian không đủ nên không thể bình giảng một số đoạn để các em cảm thụ và hiểu sâu hơn, có “chất văn” hơn. Vì vậy đến lớp 12 khi hỏi HS có ấn tượng nhân vật nào hay thuộc đoạn thơ nào của lớp trước không thì đa số câu trả lời là không.
Cũng theo GV này, nếu dạy đúng 105 tiết của phân phối chương trình thì GV và HS phải “cày cuốc” mới xong yêu cầu cần đạt. Một số trường có dạy tăng tiết, học buổi 2 thì thầy cô và HS có thể hoàn thành tốt hơn bài học trên lớp. Nếu trường không tăng tiết, khó có thể đảm bảo. Vì thế có khả năng HS sẽ tìm đến các trung tâm hoặc GV học thêm để bổ sung kiến thức.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nêu vấn đề ở cấp THCS, HS học các môn tự nhiên hay xã hội theo hướng tích hợp nhưng khi lên cấp THPT thì lại tách ra thành các môn đơn lẻ và theo định hướng nghề nghiệp, chuyên sâu hơn. Thêm vào đó, HS THPT sẽ phải tham gia các kỳ thi quan trọng nên học thêm là nhu cầu. “Nếu chỉ học trong trường, trong sách vở cơ bản thì sao có thể trúng tuyển, những kiến thức khó phải được học nâng cao nên HS lo sợ phải đi học thêm là điều đương nhiên”, ông Phú nhấn mạnh.
TRÁNH NHỒI NHÉT KIẾN THỨC
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho rằng Chương trình GDPT 2018 là mở, mục đích giáo dục không phải chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp HS hoàn thành các công việc, bước đầu giải quyết được các vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo kiến thức, kỹ năng đã học.
“Dạy nhồi nhét kiến thức thì chưa chắc HS đã nhận thức và thể hiện được điều đã học, nói gì đến hình thành, phát triển năng lực”, thạc sĩ Thanh nhận định.
Theo thạc sĩ Thanh, mục đích của dạy học không phải để trang bị thật nhiều kiến thức, giải thật nhiều bài tập khó, mà là giúp HS nhận thức bản chất hiện tượng, áp dụng các kiến thức, kỹ năng đã học. Nói cách khác, chương trình môn học không chỉ quan tâm đến các chất liệu (kiến thức, kỹ năng, thái độ…), mà quan trọng hơn là sự kết hợp chúng thế nào để có thể hình thành và phát triển được năng lực người học.
GV Phạm Lê Thanh cũng lưu ý mỗi môn học trong chương trình chỉ là phương tiện để thông qua các hoạt động học nhằm phát triển năng lực và phẩm chất cho HS, chứ không phải nhồi nhét bằng được kiến thức môn học vào đầu HS nhưng các em hoàn toàn không có năng lực vận dụng kiến thức vào vấn đề thực tiễn. “Không tư duy và sáng tạo giải quyết các tình huống thực tiễn thì không đúng với mục tiêu và quan điểm chương trình mới”, thạc sĩ Thanh đúc kết.
CẦN CẢI THIỆN CÁCH ĐÁNH GIÁ, RA ĐỀ THI
Theo thầy Thanh, theo Chương trình GDPT 2018, khi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chỉ còn 4 môn thi (2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn). Vì vậy, việc học các môn trong chương trình phổ thông cần được thực hiện tập trung phát triển năng lực, phẩm chất thông qua các hoạt động học tập. Khi HS đạt được năng lực thì cũng là đạt kiến thức, kỹ năng một cách tối ưu. Từ đó, các em xác định rõ năng lực trội hơn ở môn học nào thì sẽ lựa chọn môn đó trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, định hướng nghề nghiệp một cách chính xác, khoa học và giảm áp lực học tập.
Tuy nhiên, thạc sĩ Phạm Lê Thanh bày tỏ quan điểm mục tiêu đầu ra của Chương trình GDPT 2018 cần được cải thiện ở khâu đánh giá, thiết kế đề thi tốt nghiệp THPT. Cần cải tiến hình thức thi để có thể đánh giá đầy đủ và toàn diện năng lực người học; hạn chế những câu hỏi chỉ đánh giá kiến thức thuộc lòng, những bài tập không mang bối cảnh ý nghĩa sẽ khiến việc dạy học phát triển năng lực không thể thực hiện đúng theo sứ mệnh mà Chương trình GDPT 2018 đề ra.
Khác biệt giữa dạy thuần kiến thức và phát triển năng lực
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh lấy ví dụ từ môn hóa học để chứng minh sự khác biệt giữa dạy kiến thức và dạy để phát triển năng lực. Cùng một kiến thức khoa học cốt lõi nhưng việc tổ chức dạy học khác nhau sẽ góp phần phát triển phẩm chất và năng lực một cách khác nhau.
Có thể hình dung qua ví dụ về dạy học xà phòng và chất giặt rửa (hóa học 12). Nếu dạy học bằng thuyết trình thì HS có thể chỉ nhớ được định nghĩa về xà phòng, chất giặt rửa và viết phương trình hóa học phản ứng xà phòng hóa. Tất cả dừng lại trên giấy. Còn khi tổ chức để HS hiểu được cơ chế giặt rửa của xà phòng, tận tay thực hành bào chế xà phòng “handmade” tại phòng thí nghiệm, đo được pH của xà phòng và cải tiến pH phù hợp thích ứng da, mùi hương, màu sắc… thì việc ghi nhớ kiến thức sẽ dài lâu. Các em chia nhóm đóng vai là những nhà tuyển dụng kỹ sư hóa học mỹ phẩm và người tìm việc. HS đóng vai người tìm việc sẽ tìm cách thuyết phục nhà tuyển dụng chọn mình vào vị trí kỹ sư sản xuất thông qua những kiến thức hiểu biết về lĩnh vực hóa học… Đây là dạy học phát triển năng lực.
HS được tự chiếm lĩnh kiến thức nên nhận thức sâu sắc hơn; đồng thời có thể giúp hình thành phát triển phẩm chất chủ yếu, chẳng hạn trung thực trong nghiên cứu khoa học…
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuong-trinh-moi-co-lam-tang-nhu-cau-hoc-them-185241009230931535.htm