Dự Hội thảo có đại diện một số Ban của Đảng; đại diện lãnh đạo cấp Vụ và công chức làm công tác cải cách hành chính của một số Bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở, Trưởng phòng và công chức trực tiếp theo dõi cải cách hành chính của Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra.
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng nhấn mạnh, ở nước ta, với mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại, việc đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đang trở thành một vấn đề bức thiết.
Kết quả của quá trình đánh giá không chỉ là cơ sở đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng mà còn giúp đánh giá hiệu quả của tiến trình cải cách hành chính nhà nước, các giải pháp cải cách hành chính đã được triển khai trong thực tiễn. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cần phải xây dựng một hệ thống đánh giá với hệ thống tiêu chí đánh giá thực sự khoa học, phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một quy định pháp luật cụ thể nào về đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức hành chính nhà nước. Thông qua hoạt động đánh giá sẽ là cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để các nhà quản lý có căn cứ thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm của tập thể tổ chức hành chính nhà nước.
Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng phương pháp đánh giá và đưa vào áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức hành chính dựa trên kết quả hiện nay có ý nghĩa quan trọng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, góp ý vào một số vấn đề trọng tâm như: sự cần thiết xây dựng Đề án; các tiêu chí, phương pháp đánh giá (tự đánh giá và điều tra xã hội học);…
Trình bày đề cương tóm tắt Đề án “Đổi mới phương pháp đánh giá, chất lượng hoạt động tổ chức hành chính dựa trên kết quả”, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Ngô Quang Phát cho biết, thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, giai đoạn 2021 – 2030; Ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn số 02/VPCP-TCCV ngày 02/01/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, Bộ Nội vụ đã chủ trì, xây dựng Dự thảo Đề án “Đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức hành chính dựa trên kết quả”. Dự thảo Quyết định lần này tiếp tục bám sát các quy định của Quyết định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, theo đó, Phương pháp đánh giá, khung tiêu chí đánh giá, mức độ xếp loại chất lượng đều căn cứ vào các quy định của Quyết định số 132-QĐ/TW.
Mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tổ chức hành chính nhà nước bằng định lượng bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, đa chiều. Xác định và pháp dụng thống nhất công cụ, phương pháp đánh giá phù hợp với từng tiêu chí, đối tượng đánh giá và loại hình tổ chức được đánh giá. Hằng năm, tổ chức đánh giá để xếp loại chất lượng và cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, đảm bảo phù hợp và đồng bộ với đánh giá, xếp loại cá nhân trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị.
Việc đánh giá phải gắn với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp, định lượng, kết hợp giữa đánh giá bên trong và đánh giá bên ngoài tổ chức. Kết hợp với kết quả các chỉ số đang được thực hiện. Đánh giá phải phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm khách quan, trung thực. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức hành chính nhà nước phải được công khai, minh bạch, giúp cơ quan quản lý nhà nước có các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trong giai đoạn hiện nay.
Kết hợp chặt chẽ việc đánh giá xếp loại chất lượng hoạt động của tổ chức với kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
Về xây dựng các tiêu chí đánh giá, Đề án đưa ra 4 nhóm tiêu chí đánh giá gồm:
Nhóm tiêu chí 1: Các tiêu chí về xây dựng tổ chức.
Nhóm tiêu chí 2: Các tiêu chí về kết quả.
Nhóm tiêu chí 3: Các tiêu chí về khuyến khích trong hoạt động của tổ chức.
Nhóm tiêu chí 4: Các tiêu chí xử lý những tồn tại, hạn chế và những bất cập trong hoạt động của tổ chức (Điểm trừ).
Về phương pháp đánh giá gồm: tự đánh giá và đánh giá bằng lấy ý kiến của các tổ chức cá nhân có liên quan (thực hiện thông qua phiếu đánh giá, hoặc điều tra xã hội học).
Tổng điểm đánh giá là 100 điểm. Các tiêu chí được đánh giá theo các mức chất lượng: Xuất sắc (Hoàn thành xuất sắc); Tốt (Hoàn thành tốt); Trung bình (Hoàn thành) và Kém (Không hoàn thành).
Trao đổi tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh Cù Huy Cẩm cho biết, việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá này là hết sức cần thiết để thực hiện đánh giá thống nhất. Tuy nhiên, về phương pháp, quy trình đánh giá cần phân định rõ cơ quan có thẩm quyền đánh giá; nghiên cứu quy định có Hội đồng thẩm định của trung ương để thẩm định nội dung đánh giá. Trình tự theo dõi, cho điểm và đánh giá của cơ quan, tổ chức, cần theo Bộ Chỉ số cải cách hành chính để thống nhất, tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Phạm Thị Tuyết việc ban hành Đề án là cần thiết vì phù hợp với quy định của Đảng. Hằng năm, cần xem xét, đánh giá và sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đánh giá để phù hợp với thực tiễn.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, về tổ chức thực hiện cần nâng cao vai trò của Bộ Nội vụ trong việc giúp Chính phủ trong việc đánh giá này. Ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác đánh giá là hết sức cần thiết.
Tại Hội thảo, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, cần rà soát lại các chỉ tiêu đánh giá để sát với thực tiễn, cân nhắc một số chỉ tiêu khi áp dụng thống nhất; đồng thời, cần có đánh giá về nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án, tránh phát sinh gánh nặng tài chính, nhân lực cho các Bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ về thời gian đánh giá, thời gian lấy phiếu điều tra xã hội học, thời gian gửi báo cáo về Bộ Nội vụ để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền. Có lộ trình triển khai Đề án một cách thận trọng, từng bước, có thể nghiên cứu triển khai thí điểm tại một số Bộ, ngành, địa phương để rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi.
Kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu.
Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị, từ nay đến hết ngày 20/10/2024, đại biểu chưa tham gia góp ý có thể tiếp tục gửi thông tin và ý kiến góp ý về Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) để Ban soạn thảo, Tổ biên tập tổng hợp, rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Đề án và tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.
Vụ trưởng Phạm Minh Hùng mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến và chia sẻ những kinh nghiệm quý để Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Đề án trình cấp có thẩm quyền đảm bảo chất lượng.
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56424