Thầy giáo dạy toán trở thành “quán quân” trồng hồng ở Hàn Quốc
Tỉnh Gyeongsangnamdo (Hàn Quốc) là nơi nổi tiếng khí hậu mát mẻ quanh năm, được ví là “thủ phủ” trái hồng Hàn Quốc với những vườn trồng hồng nhiều năm tuổi, thậm chí có các cây hồng cổ thụ đã trên 30 năm vẫn cho năng suất cao.
Ở đây nhiều người đều biết đến câu chuyện của ông Kim Jin-hyeong, một thầy giáo dạy toán tại trường trung học ở địa phương đã trở thành ông chủ xưởng đóng gói hồng chất lượng cao hàng đầu của tỉnh.
Ông Kim cho biết: “Tôi là nhà khoa học nên tuân thủ rất chuẩn xác các khuyến nghị của giáo sư từ Viện nghiên cứu hồng Hàn Quốc và cũng rất khắt khe duy trì điều này, vì vậy năm nay chất lượng cùng sản lượng hồng của tôi vẫn giữ vững vị trí quán quân trong vùng”.
“Điểm tôi muốn nhấn mạnh nhất chính là vấn đề sử dụng chất bảo vệ thực vật và dư lượng hoá chất. Chúng tôi rất cẩn trọng và thực hiện xuất sắc việc gìn giữ cho các trái hồng đạt tiêu chuẩn cao nhất của Hàn Quốc. Cho đến giai đoạn cuối cùng là bảo quản và đóng gói, tôi cùng với nhóm của mình kiểm tra kỹ lưỡng từng thùng trước khi chuyển lên xe” – ông Kim nói thêm.
Theo ông Kim, không phải lúc nào ông cũng thành công, nhưng nhờ luôn kiên trì và giữ mãi tình yêu với cây hồng nên đến nay, trái hồng tại trang trại của ông Kim đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng Giám đốc Klever Fruit – nhà nhập khẩu trái cây cao cấp hàng đầu Việt Nam đã rất ấn tượng khi đến thăm dây chuyền đóng gói quả hồng của ông Kim.
Nhìn những quả hồng to, chín màu vàng cam đều tăm tắp đang chạy trên dây chuyền phân loại trong xưởng của ông Kim, với những pallet hồng đã được xếp gọn gàng để chuẩn bị xuất khẩu sang Đài Loan, Việt Nam, ông Hải đã nghĩ đến việc thúc đẩy ký kết để đưa những quả hồng cao cấp này về phục vụ thị trường Việt.
Chia sẻ tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa 3 bên gồm Klever Fruit; HuynNong Fresh (nhà vườn cao cấp Hàn Quốc) và Hiệp hội quả hồng Hàn Quốc (tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp hồng của Hàn Quốc), ông Hải cho biết, sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác mang tính chiến lược phát triển sản phẩm nông sản cao cấp giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc nói chung và giữa Klever Fruit với các đối tác nói riêng.
Ông Hải cho biết, bài toán nan giải mang tên “nguồn gốc xuất xứ” luôn là rào cản về niềm tin và thói quen mua sắm với người tiêu dùng Việt Nam.
Với cam kết đảm bảo trái cây nhập khẩu rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam và các nước xuất khẩu, hàng năm đoàn chuyên gia Klever Fruit đều đến khảo sát từng nhà vườn, khảo sát quá trình chăm trồng cùng tiêu chuẩn trái cây thu hái.
Những trái hồng Hàn Quốc chủng Teachu không chỉ là sản phẩm nông sản thông thường, mà được xem là hiện thân của sự tinh túy và kiên cường của thiên nhiên.
Được trồng tại vùng núi Geonsangnam-do – nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mỗi quả hồng đều được chọn lựa kỹ lưỡng từ những cây hồng cổ thụ. Điều đặc biệt ở giống hồng này chính là ngay cả khi còn xanh, những quả hồng cũng cho vị ngọt tự nhiên, khác biệt hoàn toàn so với những loại trái cây thông thường.
Ông Lee Sangdeug, đại diện Hiệp hội quả hồng Hàn Quốc cho biết, quả hồng Hàn Quốc được xuất khẩu lần đầu tiên sang các thị trường Đông Nam Á từ năm 1995, sau đó mở rộng ra các thị trường khác. Hiện nay, quả hồng Hàn Quốc đã có mặt rộng rãi tại nhiều thị trường ở Đông Nam Á và một số thị trường lớn như Hồng Kông, Canada, Ả rập Xê Út, Dubai…
Hiệp hội quả hồng Hàn Quốc đã xây dựng một hướng dẫn cụ thể dành cho các hội viên để việc trồng hồng đáp ứng được các tiêu chuẩn của từng khu vực, từng quốc gia trên thế giới.
Các nhà vườn, chủ trang trại tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn này, từ việc chọn giống hồng, trồng hồng, chăm sóc, bảo quản cho đến thu hoạch và chọn lựa từng quả hồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhiều cơ hội xuất khẩu trái cây nhiệt đới Việt Nam sang Hàn Quốc
Chia sẻ với PV, ông Lee Sangdeug, đại diện Hiệp hội quả hồng Hàn Quốc cho hay: “Người Hàn Quốc khi nhắc đến Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến các loại hoa quả nhiệt đới thơm ngon như xoài, dứa…
Theo đó, Việt Nam có thể tập trung vào những loại trái cây thế mạnh này để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Điều quan trọng nhất là trái cây Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn thị trường Hàn Quốc đưa ra”.
Ông Lee Sangdeug cũng cho biết: “Những ngày sang Việt Nam, tôi có dùng buffet tại khách sạn và nhận thấy hoa quả vào mùa của Việt Nam rất ngọt, thơm ngon. Tôi mong chờ những loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam sẽ sớm được xuất khẩu vào Hàn Quốc”.
Đại diện Klever Fruit cũng cho biết, thị trường Hàn Quốc có nhiều cơ hội cho trái cây nhiệt đới của Việt Nam, song đây cũng là thị trường có các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.
Trái cây nhập khẩu vào Hàn Quốc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình canh tác an toàn, chất lượng bảo quản.
Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều nông trại vẫn sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch, hệ thống đóng gói hiện đại và các quy trình kiểm định chất lượng chặt chẽ.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tiếp thị nhằm giúp người tiêu dùng Hàn Quốc nhận biết và tin tưởng vào các sản phẩm từ Việt Nam.
Hiện, một số loại trái cây Việt Nam như xoài, thanh long, vải thiều đã bắt đầu tạo dựng được vị thế tại thị trường Hàn Quốc. Năm 2023, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ với kim ngạch đạt 226 triệu USD.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, xoài là sản phẩm trái cây nhiệt đới được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc bên cạnh chuối và dứa nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Đến hết tháng 8/2024, xuất khẩu chuối sang Hàn Quốc đạt 35,4 triệu USD, tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu xoài đạt 24 triệu USD, tăng 72%.
Ngoài ra, các mặt hàng khác như thanh long, dưa hấu, nấm hương, sầu riêng và dứa cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ từ 40% đến 217% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu hạnh nhân, một loại hạt của Việt Nam, đạt gần 2 triệu USD, tăng tới 244 lần.
Ông Hong Sun – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết: Đối với Hàn Quốc, chi phí sản xuất nông nghiệp trong nước ngày càng cao, vì thế tỉ lệ hoa quả nhập khẩu từ nước ngoài ngày càng nhiều hơn.
Sản phẩm quả xoài, sầu riêng và rất nhiều mặt hàng của nhiệt đới, người Hàn Quốc đang quen và ngày càng ăn nhiều hơn. Ngày trước cho cũng không ăn, giờ là tự nguyện đi mua ăn. Do đó, các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc.
Nguồn: https://danviet.vn/quan-quan-trong-hong-o-han-quoc-da-ban-sang-loai-qua-ngon-nay-sang-thi-truong-viet-nam-20241009021827109.htm