Mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới là 15%, giảm 5% so với trước đó.
Thâm hụt thương mại giảm có thể là nhân tố nâng cao ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2024. (Nguồn: Twiiter) |
Động thái trên được đưa ra sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 9. Theo đó, số việc làm mới được tạo ra tại đây lên cao nhất 6 tháng. Tỷ lệ thất nghiệp cũng về còn 4,1%.
Jan Hatzius, nhà kinh tế học tại Goldman Sachs nhận định: “Báo cáo việc làm tháng 9 đã xoa dịu lo ngại rằng nhu cầu lao động yếu đi. Tỷ lệ thất nghiệp cũng không tăng cao”.
Thời gian qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới nhận nhiều tín hiệu tích cực, cả về tăng trưởng, lạm phát, việc làm và niềm tin tiêu dùng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 2,8% trong quý II, cao hơn quý đầu năm (1,4%) và nhỉnh hơn dự báo của các nhà kinh tế. Lạm phát cũng về sát mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Ông Hatzius cũng giữ nguyên dự báo Fed giảm lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) trong các phiên họp sắp tới, để đưa lãi suất về 3,25-3,5% vào tháng 6/2025.
Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch – thước đo yêu thích của Fed – nhà đầu tư kỳ vọng xác suất giảm lãi 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11 là 95,2%. Tỷ lệ này tăng vọt so với trước khi báo cáo việc làm được công bố là 71,5%.
* Trong diễn biến khác, báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 8/10 cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 8/2024 đã giảm mạnh nhờ xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục và nhập khẩu giảm.
Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 8 đã giảm 10,8%, xuống còn 70,4 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024, giảm từ mức 78,9 tỷ USD của tháng trước đó.
Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa giảm 8,9%, xuống còn 88,6 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại giảm mạnh nhờ xuất khẩu tăng 2,0%, lên mức cao kỷ lục 271,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 2,5%, lên 179,4 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Xuất khẩu hàng hóa được thúc đẩy bởi mức tăng 1,7 tỷ USD của xuất khẩu tư liệu sản xuất, chủ yếu là thiết bị viễn thông, máy bay dân dụng, phụ kiện máy tính cũng như máy móc công nghiệp khác. Tuy nhiên, xuất khẩu chất bán dẫn lại giảm.
Xuất khẩu hàng tiêu dùng tăng 1,0 tỷ USD, trong khi xuất khẩu dầu thô lại giảm 1,1 tỷ USD. Xuất khẩu dịch vụ tăng 0,9 tỷ USD, lên mức cao kỷ lục 92,3 tỷ USD.
Nhập khẩu giảm 0,9%, xuống còn 342,2 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa giảm 1,4%, xuống còn 274,3 tỷ USD.
Mức thâm hụt thương mại lớn đã khiến ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ trong hai quý đầu tiên của năm 2024 giảm so với kỳ vọng. Mức giảm mạnh của thâm hụt thương mại trong tháng 8/2024 là nhân tố có thể sẽ hỗ trợ nâng cao ước tính tăng trưởng kinh tế trong quý III/2024.
Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-my-don-nhieu-tin-vui-tham-hut-thuong-mai-giam-manh-289383.html