Để góp phần bình ổn thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu.
Tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận được 335 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến, Văn phòng Chính phủ đã rà soát, tổng hợp theo từng nhóm các kiến nghị có cùng nội dung, chủ đề như đề xuất tăng lương, bình ổn giá…. Đồng thời chuyển lại Ban Dân nguyện một số kiến nghị không thuộc thẩm quyền hoặc đã được giải quyết từ các Kỳ họp trước.
Theo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp lại còn 273 kiến nghị, giảm 62 kiến nghị so với danh mục Ban Dân nguyện chuyển đến và đã trình Thủ tướng Chính phủ giao cho 22 Bộ, cơ quan xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Số liệu tổng hợp theo phản hồi của các Bộ, cơ quan là 290 kiến nghị.
Qua theo dõi phản ánh, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực. Song, cử tri cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng, đó là: Hiện nay, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu như vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… trên thị trường tương đối ổn định. Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của chi phí đầu vào (chi phí sản xuất, vận chuyển…) liên quan đến giá xăng dầu, giá một số mặt hàng như phân bón còn chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng giá nguyên liệu và thành phẩm trên thị trường thế giới do Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu đề ra. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu để tạo tâm lý yên tâm cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ, tích trữ gây bất ổn thị trường…
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua được nâng lên, các Bộ ngành, lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm tại cộng đồng dân cư, qua đó, góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong thời gian tới, để xử lý có hiệu quả hơn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trọng tâm là: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Tiếp tục rà soát, phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử nhất là đối với các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện và nhóm mặt hàng xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái được kinh doanh qua mạng như: mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, đồng hồ, trang thiết bị vật tư y tế… Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, ghi nhãn, việc chấp hành 15 các quy định về chất lượng, hoá đơn, nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng.
Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm bảo đảm tính khả thi, đủ sức răn đe ngăn ngừa hành vi vi phạm và phù hợp với yêu cầu thực tế; đồng thời, tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng đối với đời sống xã hội để mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên, liên tục, tăng cường thông tin tuyên tuyền về kết quả công tác của các lực lượng chức năng; thông tin kịp thời về các vụ việc vi phạm lớn, điển hình nhằm cảnh báo, răn đe các đối tượng vi phạm.
Tăng cường hợp tác chặt chẽ với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, tập thể và cá nhân trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.