Chia sẻ về vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện đại, đặc biệt là trong ngành Dầu khí, ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng các công cụ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện an toàn và thực hành bền vững, đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình chuyển đổi xanh.
Ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam.
PV: Việt Nam đang xác định chuyển đổi số là một lựa chọn chiến lược và ưu tiên cho giai đoạn phát triển sắp tới. Vậy vai trò của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nói chung và trong ngành Dầu khí nói riêng là gì, thưa ông?
Ông Shashi J: Trước hết, tôi muốn bắt đầu từ một nguyên tắc quản lý cơ bản: “Nếu bạn không đo lường được, bạn không thể quản lý được”. Đo lường phải dựa trên thông tin, chủ yếu từ việc thu thập dữ liệu từ các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Điều này cho phép các bộ phận chức năng và lãnh đạo doanh nghiệp phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định có căn cứ. Chuyển đổi số (digitalization) hoặc chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation) vô cùng hữu ích với doanh nghiệp trong việc phân tích này.
Trong ngành Dầu khí, ngành mà các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô lớn, lợi ích của chuyển đổi số càng trở nên rõ ràng hơn. Lợi ích đầu tiên phải kể đến là nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất, có thể đạt được thông qua tương tác giữa người với người, người với máy và giữa các máy với nhau.
Việc cải thiện tương tác giữa người với người có được thông qua văn hóa thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp, được phát triển thêm thông qua chuyển đổi số. Tương tác giữa người và máy liên quan đến phần mềm hoặc thiết bị trung gian giúp tạo ra kết quả cụ thể hoặc xử lý thông tin, như hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning – hệ thống hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp), được sử dụng phổ biến ở Việt Nam để các nhà quản lý hiểu thấu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Giao tiếp giữa máy móc với nhau, được hỗ trợ bởi Internet vạn vật (IoT), có ý nghĩa rất quan trọng trong chuyển dữ liệu giữa các thiết bị, ảnh hưởng đáng kể đến cả hoạt động thượng nguồn (thăm dò và khai thác) và hạ nguồn (tinh chế và phân phối) trong ngành Dầu khí.
Lợi ích thứ hai đến từ lượng lớn dữ liệu được thu thập, xử lý, cho phép tối ưu hóa hoạt động và có thể dẫn đến tiết giảm chi phí.
Lợi ích thứ ba là ra quyết định dựa trên dữ liệu. Ví dụ, trong ngành Dầu khí, việc theo dõi giá dầu và chi phí khâu phân phối là rất quan trọng. Công cụ kỹ thuật số ở mỗi giai đoạn của quy trình kinh doanh cho phép thu thập và phân tích dữ liệu, giúp đội ngũ lãnh đạo đưa ra quyết định một cách có căn cứ.
Vấn đề an toàn và sức khỏe, đặc biệt là trong hoạt động khai thác dầu khí, có thể được cải thiện rất lớn nhờ công cụ số giám sát các thông số quan trọng như áp suất, nhiệt độ và phát thải để ngăn chặn tai nạn. Ở hoạt động tinh chế và phân phối/bán lẻ, các can thiệp số có thể cải thiện an toàn bằng cách phát hiện khí độc, như H2S – có thể gây chết người nếu hít phải, nhưng không thể phát hiện bằng giác quan con người.
Phát triển bền vững là một vấn đề quan trọng khác mà chuyển đổi số tạo ra ảnh hưởng đáng kể. Bằng cách cải thiện hiệu suất, chuyển đổi số giúp các tổ chức sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, bao gồm năng lượng, nước, đất, quản lý chất thải và nguồn nhân lực. Điều này góp phần vào sự phát triển bền vững và mang lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty dầu khí. Chuyển đổi số cũng thúc đẩy đổi mới ngay cả giữa các nhà cung cấp công nghệ như EY và những tổ chức khác, để bắt kịp nhu cầu của thị trường.
Sự tương tác giữa chuyển đổi số và quá trình chuyển đổi xanh là trọng tâm cho tương lai của doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
PV: Ông đã đề cập đến việc chuyển đổi số có ảnh hưởng đáng kể đến chuyển đổi xanh. Sự tác động lẫn nhau của hai vấn đề này là thế nào?
Ông Shashi J: Thỏa thuận Paris đã đưa những chủ đề chuyển đổi số và chuyển đổi xanh lên hàng đầu chương trình nghị sự của các quốc gia, dẫn đến sự xuất hiện của một khái niệm được gọi là “chuyển đổi kép”. Thuật ngữ này nhấn mạnh sự không thể tách rời của chuyển đổi số và phát triển bền vững trong nền kinh tế ngày nay. Tôi đã nhấn mạnh mối liên kết này hai năm trước tại một diễn đàn mở tại Việt Nam, chỉ ra rằng chuyển đổi số tự thân nó đã bao gồm yếu tố bền vững.
Chúng ta có thể xem xét mối quan hệ của chuyển đổi số với quá trình chuyển đổi xanh trên ba khía cạnh. Khía cạnh đầu tiên xem xét cách chuyển đổi số tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh bằng cách nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực, như đã đề cập ở trên. Các công cụ số, như đồng hồ thông minh trong ngành điện, giúp quản lý nhu cầu năng lượng và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong toàn bộ hoạt động sản xuất, truyền tải và phân phối.
Ở chiều ngược lại, chuyển đổi xanh cũng ảnh hưởng đến chuyển đổi số. Nhu cầu về bền vững đang hình thành sự phát triển của các công nghệ mới, như ERP tích hợp kế toán xanh, cũng như các nỗ lực làm cho các trung tâm dữ liệu trở nên tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường hơn. Sự thay đổi này cũng được phản ánh trong các chính sách và quy định, ngày càng nhấn mạnh đến bền vững, của Chính phủ các nước, đặc biệt là trong các nền kinh tế phát triển hơn như Singapore.
Khía cạnh thứ ba là những tác động lẫn nhau, trọng tâm là tạo ra các “điểm kiểm tra” (checkpoint) trong quy trình kinh doanh, như trong mua sắm, sản xuất hoặc phân phối, xem đã bền vững chưa, có thể giảm “dấu chân carbon” đến mức nào. Cách tiếp cận này không chỉ làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn mà còn phù hợp với quá trình chuyển đổi xanh. Ngược lại, quá trình chuyển đổi xanh đang thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ ưu tiên tính bền vững, do tác động của các quy định và “khẩu vị” của nhà đầu tư – ngày càng ưu tiên các công ty “xanh”. Mối quan hệ cùng có lợi này nhấn mạnh tầm quan trọng của bền vững trong việc hình thành tương lai của chuyển đổi số.
Tóm lại, sự tương tác giữa chuyển đổi số và quá trình chuyển đổi xanh là trọng tâm cho tương lai của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh nhằm đạt được các mục tiêu bền vững. “Chuyển đổi kép” này đang định hình cách các công nghệ được phát triển và triển khai, đảm bảo rằng bền vững vẫn là một nội dung cốt lõi trong thời đại số.
PV: Theo quan sát của ông, Việt Nam đã có những cơ chế và chính sách nào để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong các doanh nghiệp Nhà nước cũng như trong các doanh nghiệp tư nhân?
Ông Shashi J: Việt Nam đã đặt ra mục tiêu giảm carbon tham vọng cho năm 2050. Ngoài ra, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã được đưa ra từ năm 2021. Một cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số ở Việt Nam cũng đã được thành lập để thúc đẩy đổi mới trong các giải pháp số và thúc đẩy khu vực tư nhân “số” và “xanh”. Ở cấp độ Chính phủ, có các ưu đãi thuế nhằm vào các công ty công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số và công nghệ trên thị trường.
Khi so sánh chính sách của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực, điều quan trọng là phải xem xét chu kỳ tiến triển của việc chuyển đổi. Bất kỳ chuyển đổi nào cũng phải có lý do rõ ràng và lợi ích có thể nhìn thấy để có sự ủng hộ của công chúng. Ví dụ, trước dịch COVID-19, việc sử dụng mã QR không phổ biến. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến nhu cầu sử dụng mã QR để thanh toán, đặt thức ăn, mua sắm trực tuyến tăng lên và được ứng dụng rộng rãi. Điều này cho thấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ, dù là do nhu cầu của thị trường hay do chính sách, sẽ giúp tăng tốc việc áp dụng công nghệ.
Chính phủ Việt Nam đã nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách hiệu quả. Đó là bước đầu tiên và vô cùng cần thiết. Ví dụ, bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước áp dụng các thực hành số, Chính phủ không chỉ cải thiện hiệu quả của họ mà còn đặt ra xu hướng cho các nhà cung cấp và các doanh nghiệp khác trên thị trường. Tỷ lệ áp dụng công nghệ số có khác nhau giữa các ngành; một số đã chuyển đổi và đang thấy lợi ích, trong khi những người khác thận trọng hơn, vẫn áp dụng các thực hành cũ.
Tôi cho rằng, dù vẫn còn một chặng đường dài để thiết kế và áp dụng các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, vẫn cần lưu ý là các chiến lược được triển khai phải được điều chỉnh theo nhu cầu thực tế của thị trường Việt Nam chứ không chỉ đơn giản là sao chép những gì đã thành công ở các nền kinh tế khác.
Những doanh nghiệp tỷ đô, đặc biệt là các công ty dầu khí, là những doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số rất mạnh mẽ – theo ông Shashi J.
PV: Vậy thì đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cũng như từng cá nhân đội ngũ nhân viên cần trang bị những gì để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả?
Ông Shashi J: Với sự thúc đẩy của Chính phủ hướng tới một Việt Nam số cũng như mục tiêu giảm phát thải carbon, đã có sự gia tăng đáng kể về nhận thức của đội ngũ doanh nghiệp. Hầu hết các nhà lãnh đạo đã đi tới nhận thức về các vấn đề như chuyển đổi số và bền vững. Đó là lý do tại sao họ nên tìm kiếm lời khuyên từ đội ngũ tư vấn để có được sự hiểu biết sâu sắc và rõ ràng hơn về những việc cần làm.
Tôi thường nhấn mạnh rằng kinh doanh giống như một sinh vật sống, sẽ liên tục phát triển, kể cả về chiến lược, vận hành, nhân sự, công nghệ… và sẽ bị ảnh hưởng bởi thị trường, quy định và các biến động khác. Vai trò của chúng tôi là giúp các nhà lãnh đạo chuyển sang giai đoạn biết cái họ cần biết. Họ là những người sở hữu cái nhìn sâu sắc về doanh nghiệp của mình và động lực thị trường để xác định lợi thế cạnh tranh, lên kế hoạch tận dụng chuyển đổi số cho lợi ích của doanh nghiệp.
Các nhà lãnh đạo cần nhận ra đây là hành trình tiến về phía trước, từ điểm A, đến B, đến C, không phải là một chu kỳ đi vòng từ điểm A, đến B, rồi lại quay lại A. Do đó, khi tư vấn, chúng tôi giúp khách hàng hiểu phải bắt đầu chuyển đổi số từ đâu và hỗ trợ họ phát triển lộ trình và kế hoạch mô tả các bước cần thực hiện trong sáu tháng, một năm, ba năm hoặc hơn. Lộ trình và kế hoạch này giúp họ tập trung vào các chức năng kinh doanh cụ thể, hiểu rõ các khoản đầu tư cần thiết và học hỏi từ kinh nghiệm của người khác. Và quan trọng nhất, để thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên phía trước chứ không đi vòng vèo.
Trong quá trình làm việc với khách hàng, chúng tôi mang đến các hiểu biết và chuyên môn sâu, trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp mang đến sự hiểu biết sâu sắc về tổ chức, tầm nhìn và hoạt động kinh doanh của họ. Bằng cách kết hợp những điểm mạnh này, khả năng cho sự chuyển đổi và tăng trưởng là vô hạn.
PV: Có case-study nào trong chuyển đổi số mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo, thưa ông?
Ông Shashi J: Tại EY, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều khách hàng tại hơn 150 quốc gia trên toàn cầu, bao gồm một số doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Chúng tôi cũng hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành Dầu khí ở khu vực Đông Nam Á, như tại Malaysia, Indonesia.
Những doanh nghiệp tỷ đô, đặc biệt là các công ty dầu khí, là những doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số rất mạnh mẽ. Ví dụ, việc tối ưu hóa sản lượng khai thác từ các giếng dầu hiện có, dù kinh tế hơn tìm kiếm nguồn mới, vẫn là một hoạt động phức tạp và tốn kém, nơi mà các can thiệp số như cảm biến, công cụ mô hình hóa dựa trên AI là vô cùng hữu ích. Trong hoạt động phân phối và bán lẻ, các khó khăn như thiếu xăng tại các trạm có thể được giải quyết bằng phân tích dữ liệu và dự báo để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Ngành ngân hàng, lĩnh vực vận tải và bán lẻ (B2C) cũng đã ứng dụng chuyển đổi số rất thành công. Chúng tôi cũng thấy sự nổi lên của các ứng dụng di động ở Việt Nam, nơi các nhà cung cấp dịch vụ logistics ba bên (3PL) truyền thống, taxi hành khách, người vận chuyển hàng hóa ngắn hạn đã chuyển sang sử dụng ứng dụng di động như một phương tiện để tương tác với khách hàng.
Các thị trường khác như Trung Quốc đã bắt đầu chuyển đổi số trên quy mô lớn, ảnh hưởng đến hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống, còn Nhật Bản đang duy trì một mô hình lai giữa kinh doanh số và truyền thống. Việt Nam có thể học hỏi từ những ví dụ này và áp dụng những bài học này theo cách phù hợp với bối cảnh thị trường chứ không nên chỉ bắt chước đơn thuần. Thêm vào đó, mỗi công ty có những nhu cầu và đặc tính khác nhau, nên những nhà tư vấn uy tín có thể cung cấp các giải pháp phù hợp cho riêng họ.
Trân trọng cảm ơn ông!
*Ghi chú dành cho độc giả: Bài viết phản ánh quan điểm của người trả lời phỏng vấn, không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các tổ chức thành viên.
Minh Khang
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/16383798-7b7e-4449-aec0-c07330761cd3