Bảo vệ thiên nhiên là trân trọng món quà của Chúa trời
Theo Thánh Kinh của đạo Tin Lành, ban đầu, Đấng Tạo Hóa tạo dựng nên thế giới đã có sự cân bằng giữa thiên nhiên và con người. Sáng Thế Ký chép, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem tổ tiên loài người vào ở vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn.
Ngoài việc quan tâm bảo vệ sinh thái, Đấng Tạo Hóa còn quan tâm đến việc quản trị các loài, như chim trời và cá biển cùng các vật sống trên đất. Đức Chúa Trời ban cho mọi loài có sinh khí các thứ cỏ xanh để làm lương thực. Các thành phần của môi trường tự nhiên từ hiện tượng thời tiết như mây lơ lửng, gió nam, đến dòng sông, nguồn nước giữa sa mạc đều là các thành phần của môi trường do Đức Chúa Trời sáng tạo ra.
Trong Sáng Thế có chép: Hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên đất. Đất phục tùng nghĩa là, không để đồi hoang đất trống, mà phải trồng cây để bảo vệ môi trường. Kế đó, Đấng Tạo Hóa còn phán dặn con người, hãy quản trị chim trời cá biển cùng các vật sống, chứ không phải hủy diệt hay khai thác cho cạn kiệt.
Trong quá trình khai thác, chinh phục giới tự nhiên, con người có những giới hạn của mình và cần phải khai thác hợp lý các nguồn lực tự nhiên chứ không phải có sức mạnh toàn năng hay có thể khai thác thỏa thích các nguồn lực tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình. Con người cần phải biết đối xử với thiên nhiên cũng giống như Đức Chúa Trời đối với giới tự nhiên, vì chính Ngài đã tạo dựng, chăm sóc tự nhiên một cách cẩn thận. Nhiều hiện tượng tự nhiên như sấm sét, lũ lụt, bão và sóng thần đều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, đôi khi còn được xem như là các hình phạt mà Đức Chúa Trời dành cho các tội lỗi của con người.
Thấu hiểu những lẽ phải trong Thánh Kinh, Thông điệp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của cộng đồng Tin Lành Việt Nam kêu gọi tất cả các tôn giáo, cũng như mọi người dân trên toàn thế giới và Việt Nam hãy chung sức, đồng lòng, có ngay những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống của chúng ta và ứng phó với biến đổi khí hậu. Dừng ngay việc chặn phá rừng bừa bãi, thay đổi cách sống, từ việc ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt gia đình và nhiều thứ khác có ảnh hưởng đến việc hủy hoại môi trường.
Hình thành thói quen tốt trong cộng đồng
Phát huy tinh thần “bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chính mình, của mọi người và bảo vệ hành tinh xanh”, một số Hội thánh Tin Lành đã triển khai những mô hình phù hợp với thực tiễn địa phương.
Điển hình là các mô hình của đồng bào tín hữu Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) Chi hội Dương Yên ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, triển khai từ tháng 6/2020 đến nay. Mô hình hoạt động đã huy động sự tham gia của tín đồ Tin lành của chi hội trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì nilon và vận chuyển đến nơi thu gom, xử lý theo quy định.
Các tín đồ cũng tham gia giữ gìn cảnh quan tại cơ sở thợ và tư gia xanh, sạch, đẹp, đồng thời thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, để tiến tới bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Ngay cả trong sinh hoạt, hội họp thì các tín đồ Tin Lành của chi hội cũng được tuyên truyền không sử dụng ly, cốc, bình nhựa dùng một lần mà thay vào đó là các sản phẩm làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường và dễ phân hủy. Phong trào hoạt động của chi hội đã thu hút được rất nhiều tín đồ Tin Lành tham gia thu gom, phân loại rác thải và còn mang rác thải nhựa để đổi lấy các cây ăn quả về trồng.
Một số hội thánh thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc như: Hội thánh Tin Lành Khả Cảnh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và Hội thánh Tin Lành thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình cũng triển khai mô hình “Phân loại, sử dụng các sản phẩm tái chế bảo vệ môi trường. Các hội thánh thường lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường trong các giờ lễ, đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, vận động cộng đồng tín đồ cần có các hành động thể hiện sự thân thiện với thiên nhiên, quan tâm giữ gìn, bảo vệ môi trường sống.
Tại Hội thánh Hồ Sì Pán (xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), từ nhiều năm nay, ban chấp sự đã tuyên truyền giữ gìn vệ sinh trong bản làng, để đảm bảo môi trường sinh sống của tín hữu trong bản và đó có thể là một cách làm chứng cho người khác. Ngày nay, đồng bào Mông không nuôi nhốt động vật trong nhà nữa. Những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trong một trường sạch sẽ và an toàn, trên những con đường đẹp. Khắp bản đều có nơi thu gom rác sinh hoạt để không ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
“Trước khi tin Chúa, người Mông mình không biết quan tâm đến bảo vệ môi trường, không biết giữ gìn vệ sinh bản làng sạch sẽ để ở. Bây giờ tin Chúa rồi, vì người Mông mình học ít nên chẳng biết cách nói nhiều về điều Chúa làm cho mình, chỉ biết bày tỏ bằng hành động thôi!” Mục sư Nhiệm chức Hầu A Sử, quản nhiệm Hội thánh Hồ Sì Pán cho biết.
Những mô hình đơn giản như vậy còn xuất hiện ở nhiều hội thánh trên cả nước. Tại Hà Nội, các tín đồ tích cực tiết kiệm điện, không sử dụng lãng phí nguồn nước sạch, có thùng đựng rác sạch; không xả, vứt rác bừa bãi; trồng cây xanh, tích cực tham gia ngày Thứ bảy “Xanh – Sạch – Đẹp” tại địa bàn dân cư, phối hợp tổ chức các hoạt động vệ sinh khu dân cư. Tỉnh Đồng Tháp có mô hình “Câu lạc bộ tín đồ Hội thánh tham gia xử lý rác thải, đường thông, hè thoáng”. Thành phố Hải Phòng có mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư”. Tỉnh Phú Yên có mô hình điểm “Sáng xanh sạch đẹp” tại nhà thờ Tin Lành Tuy An, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An…
Có thể nói, các mô hình đã lan tỏa những hành động bảo vệ môi trường để trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Tin Lành các địa phương. Từ đó, góp phần thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp của đạo Tin Lành với môi trường, với xã hội, chung tay vào nỗ lực của cộng đồng tôn giáo Việt Nam trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.