Hà Nội – nơi lắng hồn núi sông ngàn năm không chỉ lưu giữ hồn cốt văn hóa Thủ đô từ bao đời mà mỗi con đường, dòng sông dường như đều mang dấu ấn của cả một truyền thống lâu đời. Hà Nội tự thân nó đã có vô vàn điều hấp dẫn về văn hóa và dòng chảy thời gian không chỉ tô điểm thêm những dấu ấn văn hóa mà còn hun đúc nên một Hà Nội kiên cường, bất khuất. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, Thủ đô đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần cách mạng, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống và hơi thở hiện đại.
Theo Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, người được gọi là “Sử nhân Hà Nội” có thể khái quát về bản sắc hay cốt cách người Hà Nội đó là lối sống và cách ứng xử. Người Hà Nội có cách ứng xử rất thanh lịch, tế nhị, tao nhã. Còn bản lĩnh của người Hà Nội gói gọn trong 6 chữ: khoáng đạt, sành sỏi và trượng nghĩa. Người Hà Nội cũng mang trong mình những đặc tính chung của người Việt Nam là dũng cảm, kiên cường, khoan dung, hòa hiếu… Tất cả những điều này được trau chuốt, chắt lọc để tạo ra lối sống, cung cách ứng xử, bản lĩnh rất riêng của người Tràng An.
Nét thanh lịch, cái đẹp của người Hà Nội xưa thể hiện ở giọng nói phát âm chuẩn mực, nhẹ nhàng; cách phục sức giản dị, nho nhã; lối giao tiếp khiêm nhường, mến khách; cách ăn uống thanh cảnh, điềm đạm, luôn quan tâm, trên kính, dưới nhường. Người Hà Nội coi trọng, nâng niu giá trị văn hóa gia đình, gia phong bởi đó là cái nôi tạo dựng các thế hệ tương lai cho đất nước. Cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo.
Trong hành trình 70 năm qua, Hà Nội đã chuyển mình ngày càng phát triển và hiện đại, kéo theo đó là nhiều thay đổi trong nhịp sống của đô thị cũng như lối sống của người dân thành thị. Tuy nhiên, trong dòng chảy đấy vẫn còn rất là nhiều gia đình lưu giữ được truyền thống, những nét thanh lịch và hào hoa của người Hà Nội xưa.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, văn hóa thanh lịch của người Hà Nội là kết quả của quá trình kết tinh giá trị văn hóa trong lối sống, cách ứng xử qua nghìn năm lịch sử của người Thủ đô – mảnh đất tụ nhân, tụ nghề và tỏa sáng toàn bộ những giá trị ấy.
“Tinh Hoa hội tụ” là câu nói nêu bật được sự toàn diện về Hà Nội trên mảnh đất kinh kỳ, từ nếp ăn, cái mặc đến văn hóa nghệ thuật, kiến trúc đều cho thấy những gì tinh túy nhất hội tụ từ bốn phương. Thế nhưng, tinh hoa của đất kinh kỳ dường như lại được cảm nhận rõ nhất từ những gì bình dị chân phương qua con người Hà Thành. Vẻ đẹp ấy không chỉ thể hiện trong cách ăn mặc đi đứng nói năng mà còn thể hiện trong cả ý thức làm đẹp vì mình và vì mọi người xung quanh.
Cũng theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, cuộc sống vội vã cộng với những guồng quay của công việc và biết bao lo toan khiến cho nét thanh lịch cũng có sự thay đổi ít nhiều trong xã hội hiện đại khi Hà Nội phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc gìn giữ những nếp xưa.
“Một tác động nữa đến sự thay đổi trong lối sống, văn hóa ứng xử của người Hà Nội là giai đoạn sau 1954, khi chúng ta xây dựng một xã hội mới thì những quan niệm cũng đã khác. Ví dụ như tất cả những gì tín ngưỡng thì cũng bị coi là hủ lậu, phong kiế; hoặc những nét thanh lịch thì bị cho là lối sống tư sản. Nhưng sau này, rất may là chúng ta đã nhìn nhận lại và thay đổi quan niệm đấy. Lối sống không phải là cái bất biến. Nhưng cho đến ngày hôm nay, dù văn hóa ngoại sinh tác động vào, rồi lối sống thay đổi, xã hội thay đổi, môi trường thay đổi dẫn đến văn hóa sống, văn hóa ứng xử cũng có sự thay đổi, nhưng tôi khẳng định chắc chắn là thay đổi đấy dựa trên một cái cũ. Và dẫu là như thế nào chăng nữa thì văn hóa, cung cách ứng xử, thanh lịch, tế nhị, tao nhã vẫn như một dòng hải lưu chảy suốt.
Nếu những công dân Hà Nội hôm nay biết tạo dựng được những “căn cước văn hóa” cho Hà Nội thì những giá trị ấy sẽ là nền tảng tinh thần, trở thành một nguồn sức mạnh nội sinh rất quan trọng để thủ đô có thể phát triển bền vững, văn minh và thanh lịch”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Có thể nhiều người nghĩ trong cuộc sống Hà Nội hiện đại, những nét văn hóa đẹp ấy dường như bị phai nhòa. Nhưng trong thực tế, rất nhiều người vẫn đang âm thầm gìn giữ cốt cách của người Hà Nội, gìn giữ không gian mang dấu ấn không thể phai mờ của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/van-hoa-ha-noi-trong-dong-chay-hoi-nhap-post1126861.vov