Thực hiện đề tài “Giám sát sự xuất hiện của các loài thú (Mammalia) bằng phương pháp đặt bẫy ảnh tự động giám sát sự xuất hiện của các loài thú tại khu vực Hón Túi và Hón Giai (huyện Quế Phong, Nghệ An), cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt đặt bẫy ảnh.
Cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt đã lắp đặt 6 vị trí đặt bẫy ảnh tự động để ghi nhận và khẳng định sự hiện diện các loài động vật hoang dã tại khu vực là cực kỳ quý. Trong ảnh, cán bộ đánh số ký hiệu máy bẫy ảnh và ghi chép các thông tin.
Trong đó, có các loài động vật hoang dã có tên trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN (danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới). Trong ảnh, Voọc xám dính bẫy ảnh ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt, cho biết, thời gian qua đơn vị đã sử dụng công nghệ bẫy ảnh trong điều tra, giám sát đa dạng sinh học tại khu bảo tồn. Việc sử dụng bẫy ảnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Để ghi lại hình ảnh các loại động vật vào ban đêm hoặc rất nhạy cảm với sự xuất hiện của con người, Khu BTTN Pù Hoạt đã cắt cử nhiều cán bộ, nhân viên phối hợp với người dân địa phương vào tận rừng sâu, khu vực rừng già giáp biên giới Việt – Lào để đặt bẫy ảnh.
Trong ảnh, vượn má trắng (con cái và con non) ghi nhận tại Pù Nhíp, xã Thông Thụ.
“Việc đặt bẫy ảnh trong điều tra, giám sát đa dạng sinh học đã giúp cho khu bảo tồn chúng tôi ghi nhận sự có mặt của nhiều loài thú. Đặc biệt, có các loài thú nguy cấp, quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN.
Kết quả thu được từ bẫy ảnh đã giúp chúng tôi xác định được các mối đe dọa và nguy cơ tác động đến sự đa dạng sinh học trong khu bảo tồn. Từ đó, đưa ra các biện pháp quản lý, bảo tồn một cách có hiệu quả hơn…”, ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Trong ảnh, vượn má trắng (con đực) ghi nhận tại Pù Nhíp, xã Thông Thụ.
Cũng theo ông Sinh, việc bẫy ảnh ghi lại các loài động vật quý hiếm nhằm cung cấp tư liệu giúp quảng bá, tuyên truyền về những loài động vật cần được bảo vệ và cấm săn bắt. Đặc biệt, bẫy ảnh sẽ giúp hạn chế săn, bắn trái phép, khai thác rừng bất hợp pháp.
“Hàng năm chúng tôi tổ chức 30-50 lượt cán bộ chủ chốt phối hợp với người có uy tín trong đồng bào tới các thôn bản, địa bàn giáp biên giới tuyên truyền bà con về những loài động vật quý hiếm đang có ở khu bảo tồn cần được bảo vệ…”, ông Sinh chia sẻ thêm.
Trong ảnh, khỉ vàng ghi nhận ở vách đá khe Nậm Cân, xã Thông Thụ.
Khu BTTN Pù Hoạt là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, tổng diện tích quản lý hơn 85.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Nơi đây được các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm.
Trong ảnh, con cầy vòi mốc được phát hiện tại khe Nậm Cân, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong.
Đến nay, Khu BTTN Pù Hoạt đã ghi nhận, xác định được 2.425 loài và dưới loài thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Bên cạnh đó, Khu BTTN Pù Hoạt còn thống kê được 130 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó 112 loài có trong sách đỏ Việt Nam.
Động vật xác định được có 1.315 loài thuộc 221 họ, 56 bộ. Thống kê được 199 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, trong đó 91 loài có trong sách đỏ Việt Nam.
Với hệ động, thực vật phong phú và đa dạng, việc áp dụng các phương pháp điều tra và giám sát để đánh giá một cách chính xác nguồn tài nguyên này luôn là một trong những nhiệm vụ được Khu BTTN Pù Hoạt chú trọng.
Trong ảnh, khỉ cộc phát hiện tại khe Nậm Cân, xã Thông Thụ.
Trong những năm qua, Khu BTTN Pù Hoạt quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học được tổ chức thực hiện điều tra và giám sát hàng năm.
Trong ảnh, khỉ mốc ghi nhận ở khe Nậm Việc, xã Hạnh Dịch.
Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/bay-anh-phat-hien-vuon-ma-trang-va-nhieu-dong-vat-quy-hiem-20241007102409891.htm