Công nghiệp văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội
Đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng nhìn nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, thiên tai khiến hoạt động các ngành công nghiệp văn hóa bị ảnh hưởng, ngưng trệ, tuy nhiên thành phố liên tiếp đưa ra các kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa thông qua các đề án về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 9585/KH-UBND thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, Đà Nẵng đã lựa chọn 7 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030 gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa. Sau 5 năm, các lĩnh vực đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, các chương trình phục vụ Nhân dân ngày càng phong phú, có quy mô và chất lượng nghệ thuật, được giới chuyên môn đánh giá cao, đông đảo người dân đón nhận.
Đặc biệt, du lịch văn hóa là một trong những ngành được xác định mũi nhọn, ưu tiên phát triển của thành phố. Trong những năm vừa qua, thành phố đã rất thành công trong việc tạo nên những sự kiện thương hiệu cũng như đăng cai tổ chức thành công những sự kiện văn hóa, thể thao lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, góp phần quảng bá và xây dựng thành công hình ảnh của “Điểm đến sự kiện”.
Thành phố đã chủ động khai thác giá trị các di sản, ưu thế địa lý để phục vụ du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, chuyển đổi số mạnh mẽ để tạo dựng hình ảnh “Thành phố tuyệt vời”, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, du lịch mỗi năm. Đặc biệt, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước tổ chức Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế thường niên hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch quốc tế đặc sắc góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch của thành phố đối với du khách trong nước và quốc tế.
Những năm qua, Đà Nẵng luôn quan tâm rà soát điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chỉ đạo các sở ngành xây dựng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, điều kiện vùng miền, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào việc phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm định hình và triển khai ngành có hiệu quả công nghiệp văn hóa.
Huy động các nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa
Dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng thừa nhận vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn còn thụ động, chưa có quy mô lớn và chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ,… Các năm qua, ngân sách thành phố đã quan tâm đầu tư các hoạt động thường xuyên, cơ sở vật chất trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn…, song vẫn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyên môn cũng như thị hiếu văn hóa nghệ thuật của người dân.
Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật mới chưa được đầu tư lớn trong công tác dàn dựng trước khi biểu diễn trước công chúng; chính sách đãi ngộ đối với người làm văn hóa, nghệ thuật chưa được quan tâm có tính đột phá để có thể thu hút các nhân tài hoạt động tại địa phương,…
Từ thực tiễn, Đà Nẵng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ tham mưu xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên cho hoạt động văn hóa, chính sách thuế tài chính, chính sách bồi dưỡng nhân tài về văn hóa nghệ thuật, chính sách xã hội hóa lĩnh vực văn hóa… nhằm tạo môi trường tốt cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Đổi mới mạnh mẽ các hoạt động sự nghiệp các đơn vị công lập trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sự nghiệp, gắn thu nhập đơn vị vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Tạo cơ chế minh bạch cho các đơn vị tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung văn hóa trong các hoạt động này, hạn chế tối đa các loại giấy phép con trong hoạt động công nghiệp văn hóa.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Chú trọng việc ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn, nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, có thể tham gia vào thị trường quốc tế.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường chuyên ngành như văn hóa, điện ảnh,…; xây dựng giáo trình chuẩn, đầu tư trang thiết bị giảng dạy, học tập theo hướng đồng bộ, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cùng với nguồn đào tạo trong nước, khuyến khích và cử cán bộ có trình độ, sinh viên xuất sắc đi đào tạo, học tập kinh nghiệm các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển./.
Nguồn: https://toquoc.vn/da-nang-va-hanh-trinh-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-20241008131741318.htm