Cơ sở giáo dục thì không thể sử dụng các biện pháp mang tính phản giáo dục. Nếu nhà trường và giáo viên cố tình hiểu sai, làm sai, sẽ được hiểu là nhà trường chỉ vì lợi ích của nhà trường chứ chưa thật sự thấu hiểu, chia sẻ, vì lợi ích của người học.
Việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh là quyền lợi, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của học sinh (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Internet)
Những ngày qua dư luận râm ran có giáo viên một trường THCS tại TP Thanh Hóa đề nghị học sinh lớp 9 học lực yếu không thi vào các trường THPT công lập trên địa bàn. Nếu đúng như thông tin phản ánh, thì việc làm này cần phải dừng lại.
Trước đó, tình trạng giáo viên ở một số trường THCS tại TP Hà Nội yêu cầu học sinh có học lực yếu không thi vào trường THPT công lập đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh và chê trách từ xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phải có văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm nếu có.
Vấn đề phân luồng nhằm giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng đã được đề cập, định hướng, hướng dẫn tại nhiều văn bản như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là tại Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Việc phân luồng học sinh phổ thông là nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo cân bằng các nguồn lực xã hội và phát triển đúng phẩm chất, năng lực, sở trường của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT nhằm cân bằng thị trường lao động… Tuy nhiên, phải nhận thức đầy đủ rằng, việc phân luồng phải dựa trên các yếu tố thực tế về năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh. Nhà trường và giáo viên phải hiểu rõ, hiểu đúng các quy định để thực hiện đảm bảo. Nên nhớ rằng nhà trường và giáo viên không làm thay học sinh và gia đình. Nhất là không cưỡng ép, yêu cầu học sinh phải cam kết không thi vào trường THPT, mà phải chuyển hướng học nghề ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Việc có trường học và giáo viên cố tình hiểu sai, làm sai một chủ trương lớn về phân luồng học sinh phổ thông được nhiều người cho rằng nhà trường đang chạy theo thành tích. Nhà trường lo lắng những học sinh này nếu thi sẽ không có kết quả tốt, làm ảnh hưởng đến thành tích chung của trường.
Thay cho việc đưa ra yêu cầu học sinh phải cam kết, nhà trường cần chuyển sang biện pháp phân tích, tư vấn, thuyết phục giàu tính sư phạm. Cơ sở giáo dục thì không thể sử dụng các biện pháp mang tính phản giáo dục như thế được. Như thế được hiểu là nhà trường chỉ vì lợi ích của nhà trường chứ chưa thật sự thấu hiểu, chia sẻ, vì lợi ích của người học. Đưa ra yêu cầu và thực hiện biện pháp không phù hợp đối với học sinh có thể đem lại những con số đẹp cho nhà trường, nhưng chắc chắn sẽ để lại điều tiếng rất không hay trong dư luận xã hội. Nhất là sẽ tạo ra ấn tượng xấu trong học sinh, nặng hơn còn có thể tác động tiêu cực đến tư tưởng, chấn động tâm lý, làm khuyết tật tâm hồn con trẻ.
Vẫn biết rằng, việc tư vấn để phân luồng học sinh hiện nay đang gặp khó khăn, một số địa phương, nhà trường đang lúng túng, sốt ruột trong vấn đề này. Nhưng không phải vì thế mà cố tình làm sai để gỡ rối. Một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh là quyền lợi, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của học sinh, nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc. Chuyện ép học sinh không thi vào trường THPT công lập trên địa bàn TP Thanh Hóa nếu có như thông tin dư luận, thì cần phải dừng lại để sự việc không đi quá xa.
Thái Minh