Dự định theo đuổi ngành tâm lý nhưng nữ sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, TPHCM đặt ra thắc mắc, có phải nghề này muốn phát triển thì phải ra nước ngoài làm việc và lập nghiệp, ở Việt Nam chưa có nhiều đất để “dụng võ”?
Băn khoăn này được cô học đặt ra tại khai mạc chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Trung tâm phát triển phía Nam (Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TPHCM và Tạp chí Giáo dục TPHCM phối hợp tổ chức sáng 7/10 tại Trường THPT Võ Thị Sáu.
Giải đáp câu hỏi trên, TS tâm lý Tô Nhi A cho hay, ngành tâm lý không làm việc với máy móc, không làm việc với chiếc bánh hay bất cứ vật dụng bên ngoài nào mà làm việc với con người – đối tượng phức tạp nhất.
Đây cũng là công việc rất trừu tượng, nhân sự phải đối mặt với sự mơ hồ trong lao động nếu thiếu vững vàng về kiến thức và vai trò nghề nghiệp.
“Những sai lầm trong nghề tâm lý khó nhìn thấy bằng mắt thường và khó kiểm định nên có thể tạo nên sự chủ quan của người làm nghề.
Một bác sĩ cho sai thuốc hay một nghề nào đó khi sai lầm thì hậu quả có thể nhìn thấy được để kiểm định, truy cứu nhưng với nghề tâm lý dường như vô thưởng vô phạt trong sai lầm. Bởi vậy, khó khăn thật sự của nghề này chính là đạo đức nghề nghiệp”, bà Tô Nhi A cho hay.
Thêm một khó khăn nữa, theo bà Tô Nhi A chính là sự hiểu lầm về nghề tâm lý. Nhiều người cho rằng nói đạo lý tức là đang làm nghề tâm lý. Từ đó dẫn đến ngộ nhận, ai thấy mình nói nhiều, nói hay và thích “hóng chuyện” thì đi học tâm lý.
Nhiều bạn nghĩ học ngành này là “thao túng tâm lý” người khác, chỉ cần nói 2-3 câu là người ta móc tiền đưa ra cho mình. Do hiểu sai lệch như vậy nên không ít trường hợp theo học rồi phải bỏ giữa chừng.
Nhiều người không biết rằng, học và làm tâm lý đòi hỏi tư duy logic cực kỳ cao để xử lý thông tin và có cứ liệu trong nghiên cứu. Các tố chất cần thiết để học ngành tâm lý như: Phải là người làm việc khoa học; giao tiếp tốt; phải là người ham đọc, ham tìm hiểu…
Người làm nghề phải có kiến thức về tự nhiên, về sức khỏe, về cơ thể, về bộ não con người và cũng phải có kiến thức xã hội để hiểu về các biểu hiện, phản ứng của con người vì sao họ mất ngủ, vì sao lo âu…
Sinh viên phải học về sinh lý học cấp cao, toán thống kê, học cơ sở văn hóa Việt Nam… Học những môn mà nhiều bạn thốt lên “sao tôi phải học cái này” và có thể mất động lực học tập.
Trước thắc mắc “nghề này phải ra nước ngoài làm việc”, theo TS Tô Nhi A, đi nước ngoài chỉ là một trong nhiều cách để phát triển nghề nghiệp.
Còn với nghề tâm lý, ở đâu có con người, ở đó có việc làm. Có thể làm các vị trí nghề nghiệp như tư vấn tâm lý, trị liệu, đào tạo, nhân sự…
TS Tô Nhi A dẫn chứng, bà ở Việt Nam nhưng đến 40% thân chủ phải làm việc qua hình thức online do họ sống ở nước ngoài. Họ phải tìm ngược về Việt Nam bởi vấn đề tâm lý là vấn đề thuộc về văn hóa, xuất phát từ hồn cốt văn hóa. Nhân sự làm việc ở đâu cần hiểu về văn hóa, xã hội của nơi đó.
Những năm gần đây, tâm lý học là ngành thu hút sự quan tâm của thí sinh và cũng là một trong những ngành có điểm chuẩn không ngừng tăng.
Tại TPHCM, ngành tâm lý được đào tạo ở nhiều trường như Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Công nghệ (HUTECH), Trường Đại học Kinh tế – Tài chính, Trường Đại học Mở, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành…
Ngoài ngành tâm lý học, nhiều ngành nghề khác cũng được đại diện các trường đại học giải đáp tại chương trình như ngành dịch vụ du lịch và lữ hành, thiết kế vi mạch, kinh tế tài chính, các ngành về nghệ thuật…
Chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” năm học 2024- 2025 dự kiến diễn ra tại khoảng 600 trường THPT ở TPHCM và nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, ….
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-sinh-lo-phai-ra-nuoc-ngoai-kiem-tien-tu-nghe-bi-vi-gioi-noi-dao-ly-20241007124052360.htm