Sáng 8-10 nhiều tuyến đường, khu dân cư, khu đô thị ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức… mịt mờ trong sương mù và chất lượng không khí xấu, kém.
Đáng chú ý, những khu vực cạnh các công trường xây dựng, một số tuyến đường đang thi công, tình trạng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – chuyên gia môi trường – cho biết theo thông tin quan trắc cơ quan chức năng công bố, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc đã bước vào “mùa” ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí “đến hẹn lại lên” dù nhiều địa phương đã vào cuộc tìm, ngăn chặn các nguồn thải gây ô nhiễm, phát tán bụi mịn PM2.5.
“Mấy năm gần đây báo chí phản ánh liên tục và cơ quan chức năng vào cuộc nhưng theo tôi các địa phương vẫn chưa có biện pháp kiểm soát triệt để nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ làng nghề, khu công nghiệp, hoạt động xây dựng…”, ông Tùng nói.
Khu vực đại lộ Thăng Long hướng vào trung tâm TP Hà Nội
Ông Tùng cho hay “mùa” ô nhiễm không khí thường diễn ra từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Đặc biệt những thời điểm không có mưa, trời lặng gió, bụi mịn PM2.5 sẽ khuếch tán rất mạnh. Chất lượng không khí chỉ được cải thiện khi có mưa to, gió lớn.
Để cải thiện chất lượng không khí, ngoài kiểm soát nguồn thải, cần phải xử lý nghiêm các hành vi đốt rác, rơm rạ theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý phế phẩm sau thu hoạch, rác thải sinh hoạt và rác thải từ làng nghề phải đưa đến nơi xử lý.
Tăng cường dọn dẹp vệ sinh, rửa đường, đặc biệt những khu vực có nhiều công trình xây dựng.
Theo số liệu công bố trên Cổng thông tin quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) sáng 8-10, trụ sở UBND phường Minh Khai (quận Nam Từ Liêm) – nơi đặt trạm quan trắc – chất lượng không khí đo được ở ngưỡng xấu. Nhiều khu vực khác quận Cầu Giấy cũng có chất lượng không khí kém.
Trước đó, tối 7-10, tại trụ sở UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) và 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) cũng có chất lượng không khí xấu.
Chất lượng ô nhiễm không khí ở mức xấu, kém khiến đường phố ngột ngạt từ sáng sớm
Chất lượng không khí xấu ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia y tế cho biết chất lượng không khí xấu, khói bụi trong môi trường nhiều thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp.
Chất lượng không khí xấu làm người bệnh thấy khó thở, ho nhiều, kèm theo tức ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Do vậy những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm.
Với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cần phải tuân thủ, duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mua-o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-da-bat-dau-2024100809295188.htm