Chiều 7-10, trong khuôn khổ phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế trong công tác này, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Chẳng hạn, từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ LĐTB-XH ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định “người lao động có thu nhập thấp” để giải quyết cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách “phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” theo Quyết định số 90 ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
“Sau gần 3 năm Quyết định số 90 có hiệu lực thi hành, vẫn chưa có hướng dẫn xác định “người lao động có thu nhập thấp” nên chính sách ưu đãi này chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện Quyết định số 90 chỉ còn hơn 1 năm”, ông Dương Thanh Bình nêu rõ.
Kết quả giám sát cũng chỉ ra rằng mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 ngày 10-7-2023 về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó đã xác định “bảo đảm có vaccine sớm nhất” là một nhiệm vụ cấp bách và giao Bộ Y tế trong tháng 7-2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, đến ngày 5-2-2024, Nghị định số 13 sửa đổi Nghị định số 104 mới được ban hành. Theo đó, ngân sách trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đến tháng 6, Bộ Y tế mới ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện. Tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9 vẫn xảy ra tình trạng này.
Vấn đề khác, theo ông Dương Thanh Bình, là việc điều chỉnh trợ cấp hàng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong. Từ năm 2011 đến nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội đã được điều chỉnh tăng 3 lần nhưng mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong chỉ được điều chỉnh tăng 1 lần.
Nguyên nhân chậm ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp cho đối tượng này là do còn có sự chưa thống nhất về thẩm quyền tham mưu, xây dựng chính sách giữa Bộ LĐTB-XH và Bộ Nội vụ.
“Kiến nghị Chính phủ phân công cơ quan chủ trì khẩn trương tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến”, Trưởng Ban Dân nguyện phát biểu.
Trưởng Ban Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có gần 2.300 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: LĐTB-XH; Y tế; GTVT; NN-PTNT; TN-MT; GD-ĐT…
Đến nay, gần 2.000 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, trong đó, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 33/35 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, đã giải quyết và trả lời hơn 1.800 trên tổng số gần 2.200 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 27/27 kiến nghị.
ANH PHƯƠNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/den-thang-9-van-xay-ra-tinh-trang-thieu-vaccine-cho-chuong-trinh-tiem-chung-mo-rong-post762497.html