Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tới dự, phát biểu và cắt băng khai mạc trưng bày.
Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954, hình ảnh “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” đã in đậm trong ký ức của bao người dân Thủ đô. Chặng đường lịch sử vẻ vang của Thăng Long – Hà Nội là quá trình tiếp nối truyền thống cha ông, tạo nên những dấu ấn lịch sử của Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình qua 70 năm xây dựng và phát triển.
Trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh quý giá về lịch sử hào hùng của Thăng Long – Hà Nội, qua hình ảnh thân thuộc của các cửa ô, đã gắn bó với người dân Hà Nội từ bao đời nay.
Thông qua các nguồn sử liệu, các tài liệu hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các văn bản được lưu trữ tại Trung tâm Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ lịch sử TP Hà Nội nhằm trưng bày giới thiệu một cách khái quát về lịch sử các cửa ô Hà Nội; cung cấp góc nhìn trực quan, sinh động nhất về hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, việc trưng bày tác phẩm, tư liệu về tiếp quản, giải phóng Thủ đô và chặng đường phát triển 70 năm qua để các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và du khách nước ngoài hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Nội, tiếp thêm sức mạnh, ý chí vươn lên xây dựng Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Thủ đô Hà Nội hôm nay cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển và đón chờ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Thủ đô, tự hào truyền thống cách mạng để chung tay góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Cửa ô – một kiến trúc tuy nhỏ bé trong tổng thể các công trình của Hà Nội nhưng mang trong mình một câu chuyện dài về lịch sử và văn hóa, như một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay của Thăng Long – Hà Nội.
Theo Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, Hà Nội ghi nhận từng có 21 cửa ô trong lịch sử. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử cùng với sự phát triển của đô thị, phần lớn các cửa ô nay đã dần biến mất, chỉ còn lại trong ký ức của những người Hà Nội xưa. Dẫu vậy, hình ảnh cửa ô vẫn còn được lưu giữ trong các tác phẩm nghệ thuật, thơ ca… và đặc biệt là di tích Ô Quan Chưởng – cổng thành duy nhất còn tương đối nguyên vẹn.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Hình ảnh cửa ô đã khắc sâu trong tâm trí của bao thế hệ người Hà Nội, dù họ còn sinh sống trên mảnh đất thân yêu này hay đã tỏa đi khắp bốn phương trời. Nhớ Hà Nội là nhớ về những ngõ nhỏ, phố nhỏ gắn với những cửa ô, dù bóng dáng của những cửa ô này chỉ còn hiện hữu qua hình ảnh của Ô Quan Chưởng (Ô Thanh Hà)”.
Chính vì vậy, trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” sẽ đưa người dân trở về với những ký ức của Thăng Long – Hà Nội qua hình ảnh của những cửa ô thân thuộc. Với ba chủ đề chính: “Cửa ô xưa”, “Cửa ô chiến thắng” và “Cửa ô Hà Nội hôm nay”, trưng bày cung cấp cái nhìn đa chiều về lịch sử và văn hóa của các cửa ô.
Những câu chuyện từ các cửa ô không chỉ phản ánh lịch sử, chính trị và đời sống xã hội, mà còn mang trong mình hơi thở của những ký ức quý giá, nhắc nhở các thế hệ người dân Thủ đô về quá khứ vàng son để từ đó trân trọng hiện tại và chung tay dựng xây tương lai.
Trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những cửa ô” mở cửa từ ngày 7 – 30/10/2024 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 9 – phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Nguồn: https://toquoc.vn/nhung-cua-o-chung-tich-lich-su-cua-thu-do-20241007165032248.htm