Cùng dự có ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; cùng sự có mặt của 48 thanh niên đại diện cho 133 thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc về dự Đại hội Hội thanh niên khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất.
Là người con của núi rừng Tây Nguyên, bạn Chương Đình Phúc (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk) mang tới buổi gặp mặt câu chuyện xúc động. 19 năm trước, Phúc sinh ra với hai tay không được thẳng như bao người, vận động vô cùng khó khăn. Cánh tay không những co rút, mà còn rất yếu, sức khỏe từ đó cũng chả mấy khi ổn định, ốm đau triền miên. Năm 2015, bố mẹ Phúc rời xa nhau, để lại Phúc một mình cùng những nỗi đau tinh thần dai dẳng. Sức khỏe yếu ngày thêm yếu đi, nhưng chàng trai ấy đã quyết chí thay đổi, vì hai chữ “ước mơ”.
“Em thích dẫn chương trình, mỗi ngày em đều dành ra vài tiếng để tập nói chuyện, để luyện kĩ năng nói, và cũng là tự trò chuyện với bản thân. Lần đầu tiên, em có dịp thử thách bản thân mình, giành giải Nhất trong cuộc thi hùng biện của trường cấp ba… Cơ hội từ đó cũng tới nhiều hơn, và em may mắn được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen, và quan trọng hơn cả là niềm tin của mọi người. Mỗi người khuyết tật chúng ta đều có những cách riêng để bản thân trở nên có ích cho xã hội, cho cộng đồng, trở thành tia sáng cho chính mình”, bạn Phúc chia sẻ đồng thời mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tiếp tục phấn đấu và phát triển theo chính sức của mình, bằng việc hỗ trợ mở thêm nhiều lớp học dành cho những người khuyết tật; tạo ra được những sân chơi bổ ích để không chỉ những người khuyết tật có thể giao lưu với nhau, mà còn lan toả những giá trị tích cực đến mọi người xung quanh.
Chị Nguyễn Thị Kim Hòa (40 tuổi, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ, sau cơn sốt năm 2 tuổi, chị bị liệt hoàn toàn tay phải và hơn nửa tay trái. Trải qua khoảng thời gian khó khăn, chấp nhận hoàn cảnh, cố gắng hòa nhập và khẳng định năng lực của bản thân, cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình và các đoàn thể, tổ chức, chị Hòa đã trở thành một nhà văn, một cô giáo, hàng ngày truyền tải năng lượng sống tích cực đến độc giả, đến học sinh qua các sáng tác, các bài giảng.
“Mong thanh niên khuyết tật nói riêng và cộng đồng khuyết tật Việt Nam nói chung tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Mong rằng sẽ có thêm nhiều chương trình hỗ trợ học tập, chuyên môn nghề nghiệp cho người khuyết tật, một ngôi trường với đầy đủ cấp học, ngành nghề dành riêng cho người khuyết tật, với mức học phí phù hợp, tạo điều kiện cho thêm nhiều người khuyết tật được trang bị học vấn, chuyên môn để phát huy những thế mạnh bản thân, đóng góp cho xã hội”, chị Hòa bày tỏ.
Mắc hội chứng CP (Cerebral Palsy) thể co cứng bẩm sinh, chị Nguyễn Thùy Chi (34 tuổi, Đồng sáng lập – Phó giám đốc Công ty TNHH Chạm Vào Xanh, TP. Hà Nội) không thể tự đi lại và chăm sóc bản thân. Trải qua nhiều nghề nghiệp, tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, năm 2022 chị Chi đã cùng bạn mình – chị Lưu Thị Hiếu, thành lập nên doanh nghiệp Chạm Vào Xanh để hỗ trợ việc làm, tạo ra cơ sở thúc đẩy phong trào sống độc lập cho người khuyết tật.
“Năm nay, con số thống kê người sống với CP trưởng thành được ghi danh trong câu lạc bộ của chúng tôi là gần 300 thành viên và vẫn đang tiếp tục gia tăng cùng với lứa trẻ em sống với CP. Chúng tôi đang cùng nhau xây dựng các hoạt động để có thể chia sẻ những kinh nghiệm sống mà mình đã trải qua, những kiến thức mình đã học được nhằm hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật từng bước hòa nhập cuộc sống”, chị Chi nói.
Bày tỏ xúc động khi gặp mặt, trao đổi và lắng nghe ý kiến của các thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc về dự Đại hội Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi tới toàn thể đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu lời thăm hỏi sức khỏe, tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Qua lắng nghe ý kiến trao đổi, được biết Đoàn đại biểu Thanh niên khuyết tật tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt có 4 bạn là người dân tộc thiểu số, 3 bạn là người có tôn giáo, 4 bạn mồ côi cả cha lẫn mẹ… Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã ân cần thăm hỏi, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của các thành viên trong đoàn.
“Các bạn không chỉ là người khuyết tật mà còn là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc là yêu thương con người, đùm bọc, sẻ chia và san sẻ yêu thương đối với người yếu thế, trong đó có những người khuyết tật. Tại buổi gặp mặt hôm nay, các bạn đã nói lên tiếng nói của mình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Xã hội chắc chắn sẽ có những câu trả lời để hỗ trợ cho các bạn có điều kiện sống tốt hơn”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều lý do khác nhau dẫn đến các bạn là người khuyết tật. Qua các ý kiến trao đổi, có thể thấy rằng nghị lực vươn lên trong cuộc sống của mỗi thanh niên khuyết tật tiêu biểu đã góp phần truyền cảm hứng cho những người cùng cảnh ngộ và đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, một việc làm vô cùng ý nghĩa trong toàn xã hội.
Nhấn mạnh trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ người yếu thế, trong đó có người khuyết tật, giáo dục văn hóa, giáo dục thể chất, nâng tầm nhận thức của xã hội, không phân biệt, kỳ thị, tạo điều kiện giúp đỡ cho người khuyết tật, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đánh giá cao Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, đặc biệt là Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đã vượt lên trên khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau để tổ chức thành công Đại hội Hội thanh niên khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan trên cơ sở khảo sát kết quả thực hiện, rà soát các chính sách, để hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật trong điều kiện của đất nước hiện nay; đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành để người khuyết tật được bồi đắp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Giới thiệu bức tranh trình bày công phu được làm từ các học viên lớp Hướng nghiệp dạy nghề cho Người khuyết tật tại Trung tâm khuyết tật Hương Giang, tỉnh Yên Bái mà Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lựa chọn làm quà tặng cho hơn 1.000 đại biểu tham dự, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là những bức tranh rất đẹp, đẹp cả về cách trình bày và đẹp từ chính trong tâm hồn mà những học viên muốn gửi gắm.
“Từ món quà ý nghĩa này, mong rằng xã hội sẽ có một cách nhìn mới đối với những người yếu thế, người khuyết tật thông qua những hành động tích cực, cụ thể hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành để người khuyết tật được bồi đắp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng các bạn sẽ không ngừng vươn lên, tự chăm lo cho cuộc sống của mình, tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Nguồn: https://daidoanket.vn/ho-tro-dong-hanh-de-nguoi-khuyet-tat-duoc-boi-dap-them-nghi-luc-vuon-len-trong-cuoc-song-10291835.html