Xung đột với Hamas ảnh hưởng đến kinh tế Israel như thế nào? Học thuyết quân sự Israel ‘lung lay’ trước ‘cơn bão’ chiến tranh đa mặt trận |
Vào cuối tháng 9, khi xung đột tại Trung Đông kéo dài 1 năm và xếp hạng tín dụng của Israel tiếp tục bị hạ, Bộ trưởng Smotrich khẳng định nền kinh tế này đang chịu sức ép, nhưng vẫn đứng vững.
“Kinh tế Israel đang gánh áp lực từ cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất lịch sử đất nước. Tuy nhiên, Israel là một nền kinh tế mạnh mẽ, thậm chí vẫn đang thu hút đầu tư”, ông Smotrich cho biết.
Theo Liên Hợp Quốc, xung đột Trung Đông đã làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo đã tồn tại từ lâu ở Dải Gaza, khu vực Bờ Tây cũng đang “trải qua một sự suy giảm kinh tế nhanh và đáng báo động”.
Trong khi đó, BMI, một công ty nghiên cứu thị trường thuộc sở hữu của Fitch Solutions cho hay: “Kinh tế Liban có thể suy giảm tới 5% trong năm nay do các cuộc tấn công xuyên biên giới giữa lực lượng Hezbollah và Israel”.
Chiến sự Trung Đông: Bóng ma suy thoái kinh tế Israel. Ảnh: AP |
Đối với Israel, suy giảm kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu kịch bản xấu nhất xảy ra theo dự đoán của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Đại học Tel Aviv. Kể cả trong kịch bản nhẹ nhàng hơn, GDP nước này cũng giảm, do dân số đang tăng nhanh và mức sống đi xuống.
Ngân hàng Trung ương Israel ước tính hồi tháng 5, chi phí phát sinh từ chiến sự sẽ lên tới 250 tỷ shekel (66 tỷ USD) cho đến cuối năm 2025, trong đó bao gồm chi phí quân sự và dân sự, chẳng hạn như chi phí nhà ở cho hàng nghìn người Israel buộc phải rời bỏ nhà cửa ở phía Bắc và phía Nam. Con số này tương đương khoảng 12% GDP của đất nước.
Những chi phí này sẽ tăng cao hơn nữa khi các cuộc giao tranh dữ dội với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, bao gồm cả Hezbollah ở Liban, làm tăng thêm chi phí quốc phòng của Israel và khiến việc người dân được trở về nhà ở miền Bắc đất nước bị trì hoãn.
Cuộc xung đột ở Trung Đông đã khiến thâm hụt ngân sách của Israel tăng gấp đôi lên 8% GDP, từ mức 4% GDP trước đó. Nợ chính phủ tăng vọt và trở nên đắt đỏ hơn, vì các nhà đầu tư đòi hỏi lợi nhuận cao hơn để mua trái phiếu và các tài sản khác của Israel. Nhiều lần bị hạ xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ làm tăng chi phí vay nợ của quốc gia này hơn nữa.
Bà Karnit Flug – cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel và hiện là Phó chủ tịch nghiên cứu tại Viện Dân chủ Israel – cho rằng, có nguy cơ chính phủ Israel cắt giảm đầu tư để giải phóng nguồn lực cho quốc phòng.
Cựu Thống đốc Ngân hàng cảnh báo, nếu tăng thuế và cắt giảm chi tiêu các lĩnh vực khác ngoài quốc phòng để có tiền vận hành một quân đội thường trực lớn hơn, thì có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Những biện pháp này, cùng với lo ngại về an ninh, cũng có thể khiến những người Israel có trình độ cao, đặc biệt là các doanh nhân công nghệ, rời đi.
Bà bình luận về một lĩnh vực chiếm tới 20% sản lượng kinh tế của Israel: “Ngành công nghệ rất phụ thuộc vào một vài nghìn cá nhân sáng tạo, đổi mới và có tinh thần khởi nghiệp nhất”.
Việc rời bỏ quy mô lớn của những người nộp thuế có thu nhập cao sẽ càng làm tổn hại đến tài chính của Israel, vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Chính phủ đã hoãn công bố ngân sách cho năm tới khi phải đối mặt với các yêu cầu cạnh tranh khiến việc cân bằng tài chính trở nên khó khăn.
Nguồn: https://congthuong.vn/chien-su-trung-dong-bong-ma-suy-thoai-kinh-te-israel-350827.html