Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xin ý kiến các địa phương về dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT.
Theo đề xuất của Bộ, kỳ thi vào lớp 10 tại các tỉnh thành sẽ thi 3 môn gồm toán, ngữ văn và một môn do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới.
Môn thi được bốc thăm công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Đề xuất này nhận nhiều ý kiến cả đồng tình và không đồng tình.
Một bên cho rằng, phương án bốc thăm môn thứ 3 sẽ khiến học sinh phải học tất cả các môn thay vì phân biệt môn chính, môn phụ.
Ngược lại, nhiều ý kiến lo ngại cách thức này có thể làm gia tăng sức ép học thêm, dạy thêm lên học sinh THCS.
Cô Bùi Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thượng – nêu quan điểm: “Phương án thi lớp 10 của Bộ GD&ĐT tương đồng với phương án thi tốt nghiệp THPT, đó là thi 2 môn bắt buộc toán, văn.
Tuy nhiên điểm khác là các học sinh lớp 12 được lựa chọn 2 môn thi còn lại theo năng lực, sở trường và có sự chuẩn bị từ sớm. Còn học sinh lớp 9 sẽ thi môn thứ 3 theo sự lựa chọn ngẫu nhiên của Sở GD&ĐT.
Phương án này có mặt lợi là khiến các em không được lơ là, chểnh mảng bất kỳ môn học nào, không có môn chính, môn phụ.
Song, ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng phương án thi ổn định 3 môn toán, văn, ngoại ngữ như Hà Nội đã làm liên tục trong 3 năm qua là hợp lý hơn cả.
Bên cạnh đó, với chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường, tiếng Anh nên là môn thi bắt buộc như toán, văn.
Phương án thi 3 môn toán, văn, tiếng Anh cũng đã được chứng minh tính hiệu quả và chất lượng trong các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại nhiều tỉnh thành”.
Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp – cho rằng phương án thi văn, toán bắt buộc vào bốc thăm môn thứ 3 có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.
“Phương án này sẽ thống nhất được số môn thi trên cả nước, tránh lãng phí nguồn lực con người và kinh phí khi có nơi thi tới 4, 5 môn.
Phương án cũng tránh việc học sinh chỉ học đúng 3 môn và nhà trường chỉ tập trung cao độ dạy đúng 3 môn, khiến cho học sinh không được giáo dục toàn diện. Học sinh sẽ phải học đều tất cả các môn tới hết chương trình.
Việc bốc thăm môn thứ 3 cũng tránh được những xì xào của dư luận về việc ưu ái môn nọ, môn kia.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là việc bốc thăm và công bố môn thi thứ 3 muộn có thể sẽ tạo áp lực cho một nhóm phụ huynh và học sinh vùng đô thị, nơi mà tỷ lệ cạnh tranh vào lớp 10 công cao”.
Thầy Tùng cũng nói thêm, nếu được lựa chọn, thầy sẽ chọn thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Việc thi ngoại ngữ vào lớp 10 cũng góp phần nâng dần năng lực ngoại ngữ cho học sinh ở các vùng kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn.
“Ba năm qua, Hà Nội thi 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, học sinh và phụ huynh đều ủng hộ”, thầy Tùng khẳng định.
Ở góc nhìn khác, một giáo viên xin giấu danh tính cho rằng không có phương án nào là hoàn hảo.
“Nếu bốc thăm môn thứ 3, áp lực đối với học sinh có thể nhìn thấy được.
Hiện tại, các em học sinh lớp 9 phải học tập với cường độ cao để đỗ lớp 10 công lập. Nếu không biết môn thứ 3 là môn gì, việc bố mẹ các em cho con đi học thêm tất cả các môn là điều rất dễ xảy ra. Cường độ học tập sẽ còn cao hơn nữa.
Tuy nhiên, thi cố định 3 môn toán, văn, tiếng Anh cũng sẽ có tác hại lâu dài là khiến các con xem nhẹ các môn học khác.
Học sinh học THPT được lựa chọn tổ hợp theo định hướng nghề nghiệp tương lai. Vì thế nhiều em sẽ không học địa lý, vật lý, hóa học, sinh học.
Nếu thi chuyển cấp không có các môn này, khả năng cao các em không học từ lớp 8, 9, dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng về kiến thức phổ thông ở lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Và điều này chắc chắn ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển khoa học – công nghệ của đất nước”, thầy giáo phân tích.
Vị giáo viên dẫn trường hợp về phương án tuyển sinh lớp 10 của tỉnh Quảng Nam năm nay và đánh giá đây là phương án ít nhược điểm nhất.
Theo đó, Quảng Nam sử dụng phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Thí sinh sẽ thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và xét điểm học bạ THCS.
Phương án đã được UBND tỉnh này phê duyệt.
“Việc thi tuyển 3 môn đảm bảo ngoại ngữ là môn học bắt buộc.
Việc xét kết quả học tập và rèn luyện trong 4 năm THCS đảm bảo học sinh phải học tất cả các môn trong chương trình giáo dục, không được đặt nặng, xem nhẹ môn học nào, nhưng cũng không phải cày cuốc, ôn luyện tất cả các môn để phục vụ cho 1 kỳ thi chuyển cấp”, thầy giáo nhận định.
Hiện dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD&ĐT vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các địa phương.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/boc-tham-mon-thu-3-vao-lop-10-gia-tang-tinh-trang-hoc-them-day-them-20241006093457773.htm