Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam tăng khá nhanh. Giai đoạn 1979-1989, số dân tăng thêm 20% thì người cao tuổi tăng thêm 25%; giai đoạn 1989-1999, tỷ lệ tương ứng là 18% và 33%; giai đoạn 1999-2016, dân số tăng thêm 21,1% và người cao tuổi tăng thêm 49,4%… Ðáng chú ý, những người 80 tuổi trở lên đang là nhóm tăng nhanh nhất.
Theo thống kê thời điểm ngày 1/4/2012, số người cao tuổi ở nước ta chiếm 10,2% số dân và có thể coi Việt Nam chính thức bước vào quá trình “già hóa dân số”.
Dự báo, chỉ 20 năm sau, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 20% số dân, tức là bước vào “dân số già”. Tại nhiều nước, phải mất thời gian khá dài để tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 10% lên 20% số dân (Pháp mất 115 năm, Thụy Ðiển 85 năm…), trong khi Việt Nam chỉ cần khoảng 20 năm, ngắn hơn nhiều so với các nước.
Với tốc độ người cao tuổi tăng nhanh như vậy, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á.
Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi (chiếm hơn 16% số dân), trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi (chiếm 15,9% tổng số người cao tuổi); 9,05 triệu người cao tuổi là nữ (chiếm 57,8%), 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%).
Tuổi thọ bình quân chung là 73,6 tuổi, nhưng phần lớn người cao tuổi mắc trung bình từ hai đến ba bệnh trở lên, cho nên tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đến 66 tuổi.
Theo Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng, nguyên nhân già hóa của Việt Nam nhanh cũng tương tự nhiều nước nêu trên. Ðó là tuổi thọ tăng và mức sinh giảm. Chỉ có điểm khác là tuổi thọ ở Việt Nam tăng nhanh, từ 44,4 tuổi (năm 1960) lên 73,4 tuổi (năm 2016), mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình của thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình nên mức sinh cũng giảm mạnh, từ trung bình mỗi bà mẹ có khoảng bảy con những năm 1964-1969, giảm xuống chỉ còn hai con vào năm 2003 và mức sinh thấp này vẫn duy trì liên tục cho đến nay. Tuổi thọ tăng và mức sinh giảm vẫn sẽ là các nhân tố thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quá trình già hóa dân số nước ta trong tương lai.
Người cao tuổi ở Việt Nam có những đặc thù: đời sống của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn, nhất là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước.
Các chính sách đón đầu xu hướng già hóa dân số, dân số già và việc xây dựng chiến lược quốc gia về người cao tuổi trong tình hình mới chưa bảo đảm tiến độ; nguồn lực bảo đảm cho công tác người cao tuổi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao…
Theo số liệu điều tra dân số 2016, đến tuổi hưu, trung bình nam giới sống thêm 18,3 năm, nữ giới là 24,7 năm, trong số người cao tuổi, nhiều người khỏe mạnh, có khả năng và trình độ chuyên môn, kỹ thuật và nhu cầu lao động vẫn mong muốn tiếp tục làm việc bù đắp cho thu nhập bị giảm sút. Tuy nhiên, 57% số người cao tuổi hoạt động kinh tế là làm nông nghiệp, tức là khu vực có năng suất thấp.
Người cao tuổi ở thành thị thường có sức khỏe tốt hơn, kiến thức tay nghề cao hơn nhưng tỷ lệ hoạt động kinh tế chỉ có 20%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn lên tới 42,5%, là dấu hiệu cho thấy chưa tận dụng nguồn nhân lực, nhất là những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao…
Trước thực trạng nêu trên, Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cho rằng cần sớm xây dựng, hoàn thiện các giải pháp thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh. Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Ông Tuyên cho rằng, cần xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi phù hợp đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế-xã hội, phù hợp các vùng miền, địa phương; đồng thời xây dựng các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi phù hợp nhu cầu, sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường; nghiên cứu phát triển và ứng dụng những thành tựu khoa học để thích ứng già hóa dân số, dân số già… Những giải pháp này sẽ giảm bớt áp lực về dân số đối với các đô thị lớn và bảo đảm nguồn nhân lực đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng miền.
Tại cuộc họp mới đây về tìm giải pháp ứng phó hiệu quả với quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm: Yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược quốc gia người cao tuổi để kịp thời ứng phó hiệu quả với quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý IV/2024. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan đẩy mạnh các chính sách việc làm để phát huy hiệu quả vai trò nguồn nhân lực lớn tuổi; tập trung cải cách thủ tục hành chính, liên thông chia sẻ dữ liệu giúp người cao tuổi dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính. Ðồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ về công tác người cao tuổi. Các địa phương quan tâm kiện toàn hội người cao tuổi cấp tỉnh, huyện trên cơ sở Kết luận số 58-KL/TW ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư phù hợp điều kiện thực tiễn; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi tại cơ sở. Mặt khác, bảo đảm tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách về người cao tuổi theo quy định; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi tại địa phương…
Nguồn: https://nhandan.vn/som-hoan-thien-chinh-sach-thich-ung-gia-hoa-dan-so-post835078.html