Đặc biệt là nội dung dự kiến có ba môn thi vào lớp 10 gồm toán, ngữ văn và một môn do sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên.
Phụ huynh lo lắng
“Phụ huynh chúng tôi rất bức xúc khi xem thông tin về dự thảo tuyển sinh lớp 10 của Bộ GD-ĐT. Học sinh phải thi ba môn để giành một chỗ học trong trường THPT công lập là đúng rồi. Nhưng tại sao không ấn định luôn môn thứ ba mà phải tổ chức bốc thăm?
Bộ GD-ĐT và sở GD-ĐT biết môn học nào cần thiết để học sinh thi chứ không thể làm như xổ số được” – ông Bùi Minh Thuận, phụ huynh có con học lớp 9 ở quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Thiên – phụ huynh ở quận 7, TP.HCM – nêu ý kiến: “Học sinh TP.HCM thi ba môn toán, văn, ngoại ngữ để tuyển sinh lớp 10 là đã căng thẳng, áp lực lắm rồi. Con em chúng tôi là lứa học sinh đầu tiên thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới, các cháu đang rất lo lắng vì mọi thứ đều mới.
Việc bốc thăm chọn môn thi và công bố trước tháng 3 hằng năm sẽ gây thêm áp lực, khiến học sinh, phụ huynh lớp 9 căng thẳng hơn nữa khi phải chờ đợi trong cảm giác hồi hộp.
Mà học sinh đâu có ngồi im chờ đợi, chúng sẽ đoán già đoán non; chúng sẽ nghe ngóng thông tin trên mạng… và mất thời gian không cần thiết. Tôi đề nghị cơ quan quản lý cần xác định cụ thể ba môn thi, việc xác định này phải dựa trên căn cứ khoa học chứ không thể chọn lựa theo kiểu hên xui”.
Trong một nhóm phụ huynh lớp 9 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhiều ý kiến thắc mắc: “Các năm trước Hà Nội thi toán, văn, Anh thì các trường THPT vẫn tuyển sinh được bình thường.
Vậy sao phải thay đổi?”. Một số phụ huynh khác thì cho rằng thi ba môn trong đó ngoài văn, toán có một môn lựa chọn trong số các môn học còn lại cũng được nhưng sở GD-ĐT nên công bố luôn từ đầu năm học.
“Chuyện học với thi mà bốc thăm thế thì thầy trò đều bị động”, anh Thanh – một phụ huynh – nêu ý kiến.
Anh Thanh cũng cho rằng lứa học sinh lớp 9 năm nay đã phải chịu sự thay đổi về chương trình, nội dung, cấu trúc đề thi thì chưa nên thay đổi ngay theo cách Bộ GD-ĐT dự kiến. Vì hiện nay, nhiều học sinh đã bắt đầu có kế hoạch ôn tập cho ba môn toán, văn, Anh rồi. Nếu thay đổi nữa thì nhiều xáo trộn.
Nhiều năm nay học sinh TP.HCM đã thi ba môn toán, văn, ngoại ngữ thì bây giờ cũng nên giữ nguyên như vậy để tạo sự ổn định, giúp học sinh yên tâm học hành.
Thùy Trang (học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM)
Học sinh mong ổn định
Em Hữu Vinh, học sinh lớp 9 Trường THCS – THPT Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, nêu ý kiến: “Chúng em rất hoang mang khi nghe thông tin sở GD-ĐT sẽ bốc thăm để chọn môn thi thứ ba. Việc bốc thăm này sẽ tạo ra sự không công bằng khi thi tuyển sinh lớp 10.
Như bản thân em học khá tốt các môn khoa học tự nhiên nhưng các môn khoa học xã hội thì học không tốt lắm. Năm nay em dự định sẽ thi vào lớp 10 chuyên lý.
Nhưng nếu sở GD-ĐT bốc thăm môn thứ ba là lịch sử – địa lý thì em sẽ gặp bất lợi khi thi tuyển sinh. Như vậy, kết quả thi sẽ không phản ánh chính xác trình độ thật của em”.
Vì lý do trên, nhiều học sinh lớp 9 ở TP.HCM đề xuất ba môn thi tuyển sinh lớp 10 nên là những môn học thuộc diện bắt buộc ở bậc THPT.
“Nhiều năm nay học sinh TP.HCM đã thi ba môn toán, văn, ngoại ngữ thì bây giờ cũng nên giữ nguyên như vậy để tạo sự ổn định, giúp học sinh yên tâm học hành.
Không những thế, với TP.HCM thì em thấy chọn ba môn này cũng là phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay.
Đây cũng là ba môn chúng em bắt buộc phải học tiếp trong chương trình THPT sau này” – Thùy Trang, học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM, đề nghị.
Ủng hộ để tránh “học lệch”
Cô Vũ Thị Thu Hà – hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – cho rằng việc thi tuyển vào lớp 10 quy định thi ba môn trong đó có văn, toán và một môn chọn ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại là hợp lý.
“Việc này tránh được tâm lý coi trọng môn chính, coi nhẹ môn phụ như trước đây ba môn toán, văn, Anh chiếm vị trí độc tôn. Khi môn nào cũng có thể là môn thi thì các môn học đều cần học đầy đủ, đảm bảo yêu cầu như nhau”.
Cô Cao Tố Nga – hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) – nêu quan điểm: Bậc THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh cần học đầy đủ và đảm bảo yêu cầu về chất lượng ở tất cả các môn học.
Nhưng nếu kỳ thi chuyển cấp chỉ tập trung vào các môn toán, văn, tiếng Anh thì việc dạy và học dễ bị lệch. “Cha mẹ học sinh lo cho con vì mục tiêu ngắn hạn là đỗ THPT nhưng ở góc độ giáo dục thì cần nhìn rộng hơn.
Những điều chỉnh để đảm bảo học sinh được giáo dục toàn diện ở giai đoạn giáo dục cơ bản cũng là việc tốt cho con mình.Việc thi cử nếu khó thì cũng khó chung, dễ thì sẽ dễ chung nên phụ huynh không cần quá lo lắng” – cô Nga chia sẻ.
Một hiệu phó trường THCS tại Hà Nội khi đề cập vấn đề này thì băn khoăn: “Tôi chỉ lo một điều thế hệ lớp 9 năm nay phải trải qua nhiều cái mới vì là thế hệ đầu học chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nếu nhiều thay đổi sẽ khiến các em vất vả, áp lực hơn. Vì thế việc áp dụng quy định mới như trong dự kiến của Bộ GD-ĐT nên tính toán ở thời điểm thực hiện để học sinh không bị sốc”.
“Tuy nhiên về lâu dài, tôi ủng hộ phương thức thi ba môn như Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến. Với một kỳ thi chuyển cấp thi ba môn là vừa đủ.
Các năm trước có địa phương thi bốn môn, có nơi còn thi bài tổ hợp gồm nhiều môn thành phần khiến học sinh căng thẳng, quá sức. Thi ba môn nhưng có một môn chọn ngẫu nhiên sẽ khiến các nhà trường và học sinh không thể cắt xén chương trình, học lệch.
Việc quy định như dự kiến cũng tạo cho các địa phương có một sự thống nhất về phương thức thi tuyển vào lớp 10, dù mỗi địa phương vẫn có sự khác nhau về môn thi thứ ba” – cô hiệu phó trên chia sẻ thêm.
Đang xin ý kiến trước khi dự thảo
Việc tuyển sinh THCS và THPT từ năm 2024 trở về trước được thực hiện theo thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT. Thông tư này quy định việc tuyển sinh THPT có thể tổ chức theo 3 phương thức: xét tuyển, thi tuyển và thi tuyển kết hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, không quy định cụ thể về số lượng môn thi, cách thức lựa chọn môn thi. Vì thế, mỗi địa phương áp dụng một cách.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, nội dung quy định tuyển sinh THCS và THPT, trong đó có nội dung thi 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mới chỉ là dự kiến được Bộ GD-ĐT đặt ra đang trong giai đoạn xin ý kiến các sở GD-ĐT để chuẩn bị cho dự thảo thông tư mới thay thế thông tư 11.
* Ông Trần Ngọc Lâm (hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, quận 1, TP.HCM):
Nên giao các tỉnh thành chủ động môn thứ ba
Tôi hiểu chủ trương của Bộ GD-ĐT khi cho các sở bốc thăm để chọn môn thi thứ ba là để tránh học lệch, học tủ. Nhưng tôi cho rằng có nhiều giải pháp làm triệt tiêu tình trạng học lệch như kiểm tra, dự giờ… chứ không nên trông chờ vào một kỳ thi. Trên thực tế, nếu học sinh học lệch thì làm sao tốt nghiệp THCS được?
Việc bốc thăm để chọn môn thi thứ ba sẽ gây hoang mang cho học sinh, tạo áp lực lớn cho giáo viên.
Theo tôi, Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định ba môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn, môn thi thứ ba nên giao cho các tỉnh thành chủ động chọn lựa dựa trên nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương.
Ví dụ TP.HCM đang đẩy mạnh việc hội nhập quốc tế thì có thể chọn môn thi thứ ba là tiếng Anh. Còn các tỉnh vùng cao có thể chọn môn khác phù hợp với địa phương mình.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-tuyen-sinh-co-nen-boc-tham-chon-mon-thi-2024100608293882.htm