Trong bão số 3 vừa qua, gia đình ông Cao Minh Luân, một trong những hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Vụng O (thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng) bị bục một phần bè cá, bay mái nhà, nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng… ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Hơn nửa tháng sau bão số 3, gia đình ông mới mua được tôn, thuê được thợ, lợp lại bè nuôi trồng thuỷ sản. Ông Luân cho biết, chỉ ngồi mà tiếc của cũng không giải quyết được gì mà việc cần làm là phải khắc phục thiệt hại để tiếp tục nuôi trồng, có tiền trả nợ.
“Gia đình tôi cũng củng cố dần dần, tiếp tục bắt giống để chăn nuôi. Mất đến đâu thì khắc phục đến đấy. Mất lớp cá kia thì mình phải bổ sung, gối vụ lớp mới vào. Bây giờ buồn thì biết làm sao được, siêu bão mà. Trước mắt, gia đình tôi làm lại nhà ở đã, rồi mới củng cố bè, bổ sung thêm chăn nuôi, mua thêm cá giống gối vụ vào”, ông Cao Minh Luân nói.
Theo UBND huyện Cát Hải, bão số 3 đã ảnh hưởng, gây thiệt hại cho hơn 70 hộ nuôi trồng thuỷ sản tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Trong đó, gần 20 bè nuôi trồng thuỷ sản tại xã Gia Luận và thị trấn Cát Bà bị đứt dây neo, trôi dạt, hư hỏng nặng; gần 50 bè nuôi trồng thuỷ sản tại vịnh Bến Bèo bị tốc mái và hư hỏng một phần. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuỷ sản của huyện Cát Hải, thiệt hại ước tính hơn 35,7 tỷ đồng.
Song không phải gia đình nào tại huyện Cát Hải cũng có nguồn lực để khắc phục thiệt hại sau bão như nhà ông Cao Minh Luân. Trước bão số 3, gia đình bà Dương Thị Cẩn (xã Trân Châu, huyện Cát Hải) vừa vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư lồng bè và thả cá. Vậy mà, gần như toàn bộ số tiền bà Cẩn vay ngân hàng đã “bay” theo bão.
“Nhà tôi bị đánh sập mất 1 giàn 6 ô, 1 lồng cá to; bè bị tốc mái đằng sau với 2 bờ hồi, mái trên. Cả cá, cả bè thiệt hại gần 400 trăm triệu. Bây giờ, hàng tháng, tôi phải trả gần 10 triệu tiền ngân hàng, cả gốc cả lãi. Mà giờ bè mảng tan nát, tôi chưa đi làm được cái gì ra tiền để đóng tiền ngân hàng. Tôi mong muốn được Ngân hàng giảm lãi suất để gia đình khắc phục dần dần”, bà Cẩn bày tỏ.
Ngay sau bão, UBND Huyện Cát Hải đã phối hợp các Sở, ngành của thành phố Hải Phòng thống kê thiệt hại, lập danh sách các cơ sở, các hộ bị thiệt hại để đề xuất trung ương, thành phố Hải Phòng có cơ chế hỗ trợ; đề xuất ngân hàng hoãn, giãn nợ, giảm lãi đối với các khoản vay của các cơ sở, các hộ gia đình. Huyện Cát Hải cũng huy động các nguồn xã hội hoá, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ các gia đình khắc phục thiệt hại ban đầu; trong đó, mỗi bè được hỗ trợ từ 15 đến 50 triệu đồng, tuỳ mức độ thiệt hại.
Không chỉ tại huyện Cát Hải, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của các địa phương Đồ Sơn, Kiến Thuỵ, Dương Kinh… của thành phố Hải Phòng; ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, cùng với những hỗ trợ về vật chất, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục, phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
“Liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản, đây là thiệt hại lớn. TP.Hải Phòng đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát các hộ bị thiệt hại và bắt đầu có hỗ trợ. Thứ nhất là động viên, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ bà con, để bà con sớm khối phục sản xuất. Thứ hai là hướng dẫn quy trình xử lý sau bão; cái này rất quan trọng, nếu chúng ta không làm bài bản thì có thể để lại hậu quả”, ông Nguyễn Đức Thọ cho biết.
Ngành Nông nghiệp TP.Hải Phòng cũng phối hợp Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản; kết nối các doanh nghiệp sản xuất con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng cho các hộ nuôi.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản lưu ý, Hải Phòng cũng như các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện trước khi thả giống, phục hồi sản xuất.
“Hiện nay, trên biển và trên sông, đặc biệt là hệ thống nuôi lồng trên sống vẫn còn rất gian nan với môi trường. Rác thải, cây, xác động vật sẽ làm chậm tiến độ để chúng ta xuống giống và khôi phục lại sản xuất cho nuôi biển và sản xuất lồng bè. Môi trường ổn định đạt điều kiện thì mới thả giống. Khi môi trường chúng ta chưa dọn dẹp sạch sẽ, chưa đảm bảo các điều kiện mà chúng ta lại vội vàng thả xuống thì thiệt hại lại tăng lên rất nhiều”, ông Trần Đình Luân cho biết.
Từ nay đến cuối tháng 10/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Hải Phòng cử cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, các hộ nuôi thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại, đặc biệt là các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khôi phục sản xuất.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/hai-phong-ho-tro-nguoi-dan-phuc-hoi-nuoi-trong-thuy-san-sau-bao-so-3-post1126199.vov