Suốt 11 tháng qua, khi các cuộc không kích tấn công vào những ngôi làng gần nhà, Lakmani và mẹ cô là Sonia đã quyết định ở lại ngôi làng Jouaiya phía nam Lebanon, cách Tyre khoảng 25 phút lái xe về phía đông và cách biên giới phía nam chưa đầy một giờ.
Lakmani được sinh ra ở Lebanon và cho đến hiện tại vẫn sống ở đây với công việc gia sư. Trong khi đó, trước khi sinh ra Lakmani, bà Sonia đã từ Sri Lanka đến Lebanon để làm công việc dọn dẹp.
Ngày 23/9 đã trở thành ngày chết chóc nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở Lebanon kết thúc vào năm 1990. Bom của Israel đã trút xuống các ngôi làng ở phía nam và Thung lũng Bekaa ở phía đông Lebanon, khiến ít nhất 550 người thiệt mạng.
Hai mẹ con Lakmani bắt đầu hành trình di dời của mình. Họ gom một ít đồ đạc, chủ yếu là quần áo, rồi chạy trốn đến Tyre với hy vọng được an toàn ở đó.
Nhưng sau ba ngày, các cuộc không kích quanh Tyre trở nên dữ dội đến mức họ quyết định di chuyển về phía bắc đến Beirut. Vào ngày 27/9, quân đội Israel ra lệnh sơ tán phần lớn vùng ngoại ô phía nam Beirut, gây ra cuộc khủng hoảng sơ tán tại thủ đô.
Do không phải công dân Lebanon, cô và mẹ không thể trú ẩn tại những nơi nằm trong chương trình hỗ trợ của chính quyền. Bộ Giáo dục đã mở nơi trú ẩn cho những người sơ tán tại các trường học trên khắp cả nước nhưng chỉ giới hạn cho những công dân Lebanon. Những người không có quốc tịch Lebanon đã tìm nơi trú ẩn bên bờ biển Beirut hoặc tại những nơi công cộng.
Lakmani và mẹ tìm được một nơi trong khu vườn công cộng nhỏ, nhiều cỏ với một vài cây xanh bên cạnh một con phố đông đúc ở Saifi, gần Quảng trường Martyrs ở trung tâm thành phố Beirut. Với họ, đây là nơi trú ẩn khá ổn nhưng vẫn thiếu chỗ tắm rửa và nhà vệ sinh sạch sẽ.
Số phận bấp bênh của lao động nhập cư
Hiện tại, khoảng một triệu người đã phải sơ tán từ khi Hezbollah giao tranh với Israel vào tháng 10 năm ngoái, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA).
Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính có khoảng 176.500 người di cư đang sống ở Lebanon, mặc dù con số thực tế được cho là cao hơn nhiều. Nhiều người trong số họ làm công việc dọn dẹp hoặc bảo mẫu và phải tuân theo hệ thống lao động “kafala”. Hệ thống này ràng buộc người lao động nước ngoài và thường dẫn đến tình trạng người lao động bị ngược đãi.
Các cuộc tấn công gần đây của Israel đã nêu bật sự bất công của những người lao động nước ngoài này, khiến họ rơi vào nhiều tình huống khó khăn.
Diala Ahwash, một nhà hoạt động làm việc về các vấn đề quyền của người di cư, chia sẻ: “Một số người bị bỏ lại tại nhà của chủ lao động ở những khu vực mục tiêu, chủ yếu là ở miền nam Lebanon hoặc khu vực Bekaa. Họ phải tự tìm đường trở về những khu vực an toàn mà thường không có hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân”.
Cũng có những người được chủ lao động đưa đến nơi an toàn nhưng sau đó bị bỏ lại trên đường phố, buộc phải ngủ ngoài trời trong công viên hoặc ven biển Beirut. Một số được đưa đến nơi trú ẩn tạm thời nhưng sau đó bị trục xuất để nhường chỗ cho người có quốc tịch Lebanon.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà phụ nữ trong công viên ở Saifi phàn nàn là thiếu nơi riêng tư để tắm rửa hoặc sử dụng nhà vệ sinh. “Phụ nữ gặp khó khăn hơn nam giới”, Mortada, 36 tuổi, một người đàn ông Sudan đã phải di dời từ phía nam, cho biết.
“Tình trạng này bắt nguồn từ kafala và cách thức hoạt động của nó, biến những người giúp việc nhập cư thành một phụ kiện hoặc hàng hóa”, Salma Sakr, thuộc Phong trào Chống phân biệt chủng tộc (ARM), nói. “Và khi bạn không cần đến hàng hóa này, bạn vứt nó ra đường”.
Ahwash cho biết: “Về cơ bản, phần lớn người lao động nhập cư hiện đang phải đối mặt với tình hình bấp bênh ở nhiều mức độ khác nhau nhưng nhìn chung đây là một thảm họa”.
‘Không nơi nào không có chiến tranh’
Khi xung đột lan rộng, một số đại sứ quán bắt đầu đưa công dân của họ về nước. Đại sứ quán Philippines đã hồi hương công dân của mình mà không tính phí. Tuy nhiên, nhiều đại sứ quán vẫn yêu cầu công dân phải trả tiền vé về nước.
Nhiều lao động nước ngoài có mức lương thấp và không đủ khả năng mua vé máy bay đắt tiền về nhà. Trong công viên ở Saifi, Rose, 30 tuổi, ngồi với hai người đồng hương Ethiopia của cô. Tất cả đều sống ở vùng ngoại ô phía nam Beirut khi Israel bắt đầu gửi lệnh sơ tán. Rose đã ở Lebanon được 12 năm. Cô làm việc tự do và sống ở nhà riêng với chồng người Sudan và hai đứa con.
Rose cho biết cô không đủ khả năng chi trả cho việc sơ tán, nhưng kể cả khi đủ khả năng hồi hương, cô cũng không thể về đâu vì cô đến từ Ethiopia còn chồng đến từ Sudan. “Không nơi nào không có chiến tranh”, cô nói.
Một số công dân đến từ các quốc gia đang có xung đột, bao gồm Syria, Sudan, Ethiopia và các quốc gia khác, có thể đăng ký với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và nộp đơn xin tái định cư, mặc dù quy trình này mất nhiều năm và chỉ phục vụ một nhóm dân số rất nhỏ.
Theo các nhà hoạt động, chính quyền Lebanon cũng không giúp được nhiều. Trong một số trường hợp, Tổng cục An ninh Lebanon, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát biên giới, đã phạt hàng trăm hoặc hàng nghìn USD đối với những lao động nhập cư hết hạn giấy tờ. Hầu hết công nhân chỉ kiếm được nhiều nhất là vài trăm USD/tháng.
Dara Foi’Elle, thuộc Migrant Workers Action (MWA), một tổ chức hoạt động chống lại tình trạng bóc lột có hệ thống đối với người lao động nhập cư tại Lebanon, cho biết: “Khi Lebanon đang phải đối mặt với các cuộc tấn công liên tục, điều quan trọng là phải nghĩ đến những người dễ bị tổn thương nhất. Cần có lệnh ân xá chung cho tất cả những người lao động không có giấy tờ muốn rời đi”.
Hoài Phương (theo Al Jazeera)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-lao-dong-nhap-cu-o-lebanon-khong-biet-di-ve-dau-post315424.html