Tay thoăn thoắt vò lá sắn, chị Y Út hướng dẫn chúng tôi trải nghiệm và thưởng thức món ăn thú vị này. Chị cho biết, lá sắn sau khi rửa sạch thì phải vò nhuyễn. Gạo ngâm tầm 10 phút, đem giã cùng lá giao. Bắc nồi lá sắn lên bếp đến khi nước trong nồi sôi kỹ, cho từ từ gạo và lá giao đã giã nhỏ vào.
Chị Y Út cẩn thận nhắc, trong khi cho gạo vào nồi, nhớ khuấy đều kẻo gạo bị vón cục, sẽ không ngon. Gia vị nêm nếm vào nồi cháo cũng chỉ đơn giản như những món ăn thường ngày. Nhưng hương vị đọng lại sau khi ăn bát cháo làm chúng tôi lưu luyến và muốn thưởng thức lại món ăn độc đáo này thêm nhiều lần nữa.
Ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, không khó để bắt gặp những bãi sắn xanh ngút ngàn trong các thôn bản làng. Cây sắn ngoài công dụng lấy củ, thân cây để làm hom trồng tiếp cho mùa vụ sau thì lá sắn được người dân bản địa dùng làm nguyên liệu chế biến nên các món ăn ngon và độc đáo như: Lá sắn xào, lá sắn muối chua, lá sắn nấu cháo với lá giao…
Ngày xưa, các món ăn chế biến từ lá sắn chủ yếu là để “cứu đói”, thay cơm. Thế nhưng sau này, món ăn chế biến từ lá sắn lại trở thành đặc sản, nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Tuy nhiên không phải bất cứ loại sắn nào cũng có thể ăn được. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, có hai giống sắn có thể ăn được, đó là giống sắn gòn (sắn ta) có cuống và gân lá mầu đỏ, củ khi nấu lên nở bung và một loại sắn chuyên để ăn lá, không có củ, có cuống trắng, lá nhỏ, xanh, dài. Lá sắn phải được hái lúc sáng sớm, chọn những lá to, non trên ngọn, khi đem về ngắt bỏ cọng, rửa sạch với nước rồi vò nát hoặc cho vào cối giã nát, vắt bớt nước trước khi đem đi chế biến. Món ăn gắn liền với lá sắn, dễ chế biến nhất là xào với cà đắng được chế biến hết sức đơn giản từ các nguyên liệu như lá sắn, cà đắng, sả, ớt hiểm…
Lá sắn thơm, bùi cộng với vị đắng đặc trưng của cà, thoang thoảng mùi thơm của sả, vị cay nồng của ớt hiểm cùng với vị ngọt của thịt. Tất cả các hương vị ấy hòa quyện với nhau tạo nên một món ăn có hương vị hấp dẫn và kích thích vị giác.
Trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum không thể thiếu vài hũ lá sắn muối chua. Đây có thể được coi là món đơn giản nhất được chế biến từ lá sắn. Lá sắn sau khi hái, đem rửa sạch, vò nát hoặc giã sơ. Phải rửa thật kỹ để lá sắn ra hết nhựa. Sau đó bỏ lá sắn vào hũ sành kèm theo muối và ớt hiểm, đậy kỹ nắp, để vài hôm là có món lá sắn muối thơm ngon.
Lá sắn muối chua có thể ăn trực tiếp với cơm hoặc nấu chung với cá khô, cá suối, gà… Cá khô sau khi ngâm nước cho bớt mặn và mềm hơn, được xé nhỏ, trộn với lá sắn chua, đưa lên bếp nấu với lửa nhỏ đến khi cá mềm, nêm nếm gia vị và một vài trái ớt hiểm. Miếng cá khô dai dai, lá sắn bùi bùi, chua chua ăn kèm với cơm nóng tạo nên một món ăn ngon miệng vô cùng, nhất là vào những ngày mưa gió.
Những món từ lá sắn được chế biến rất đơn giản nhưng cũng rất phong phú và đa dạng, mang đậm nét văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, thể hiện tấm lòng hiếu khách và sự nhiệt tình của người dân nơi đây với những người bạn đến chơi nhà.
Nguồn: https://danviet.vn/bat-ngo-mot-loai-la-cuc-quen-o-kon-tum-thom-ngon-bo-duong-vi-dan-da-goi-tron-tinh-que-la-san-20241005001058493.htm