VHO – Sau hơn một tuần dư luận, báo chí phản ánh, Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã họp bàn và ra chủ trương giữ lại biệt thự cổ “Đốc phủ Võ Hà Thanh” để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Đây là “cái kết có hậu” nếu không nó sẽ “tan vỡ” bởi dự án làm đường ven sông Đồng Nai. Nhưng qua đây để lại nhiều suy ngẫm.
Những năm đổi mới với quá trình trình đô thị hóa, nông thôn hóa đã mang lại nhiều thành tựu xen lẫn nhiều hệ quả, trong đó câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề được đặt ra từ lý luận và thực tiễn.
Rất nhiều ví dụ cho vấn đề này. Dẫu đã có không ít cuộc hội thảo với sự quy tụ của nhiều chuyên gia, nhà quản lý từ Trung ương, địa phương nhằm bàn cách giải quyết sao cho “thấu tình, đạt lý” giữa bảo tồn và phát triển.
Trong chừng mực nào đó cũng đã đạt được sự đồng thuận, nhưng xem ra “bằng mặt chứ chưa mấy bằng lòng”. Nghĩa là, mỗi nơi lại ứng xử mỗi kiểu, sau đó suy xét đến tận cùng thì việc bảo tồn di sản vẫn chịu thua kém ít nhiều so với yêu cầu phát triển hạ tầng, đô thị…
Nói ra như vậy để thấy câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề gây nên những tranh luận dù nhìn từ phía nào. Có nhà quản lý ở một đô thị lớn từng cho rằng, không hề có sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển vì bảo tồn là để phát triển, ngược lại phát triển để phục vụ cho công tác bảo tồn.
Vì thế, trước một tình huống cụ thể chúng ta cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, xem bên nào nặng hơn bên nào sau đó mới ra quyết định. Lý thuyết luôn đúng, nhưng trên thực tế không hẳn khi nào cũng được như vậy, bởi khi đưa ra quyết định cuối cùng về câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển, người ta thường ít đặt nặng vào thái độ cân nhắc, chú trọng bảo tồn mà nghiêng về cái lợi ích mơ hồ nào đó, rất khó phán xét, khiến nhiều di sản bị biến dạng hoặc bị vùi lấp dưới lòng đường.
Dẫn ra như trên để trở lại câu chuyện của ngôi biệt thự cổ “Đốc phủ Võ Hà Thanh”. Để Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai họp bàn, đưa ra quyết định giữ lại công trình hơn 100 năm soi bóng bên dòng sông, chúng tôi cho rằng đây là sự quyết đoán dựa trên trí tuệ, cầu thị, lắng nghe, cân nhắc từ nhiều chiều cạnh, trong đó đặt văn hóa đúng vị trí thiết yếu.
Vì sao lại thế, bởi ngôi biệt thự hiện chưa phải là di tích được Nhà nước xếp hạng. Thứ hai, ai cũng có thể nói ngôi biệt thự cổ đã “nổi tiếng” nhờ bộ phim; mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nhưng cụ thể như thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Thứ ba, khi dự án làm đường ven sông Đồng Nai được cấp có thẩm quyền phê duyệt chắc chắn phải có điều tra, khảo sát, và cũng chắc chắn đơn vị lập dự án biết rõ trong tương lai con đường sẽ đi vào thẳng “tim” ngôi biệt thự cổ. Nhưng dù gì đi nữa cũng đã được phê duyệt rồi, nay “chỉnh lại” thật không đơn giản.
Thứ tư, cơ quan chức năng đã từng đề nghị người nhà ngôi biệt thự cổ xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, song đã bị từ chối.
Thứ năm, nếu giữ lại ngôi biệt để bảo tồn, phát huy giá trị thì cũng đồng nghĩa phải nắn đường, sửa thiết kế, kinh phí của dự án sẽ đội lên không nhỏ. Thứ đến, con đường thẳng tắp ven sông sẽ đẹp hơn con đường cong cong “mềm mại”…
Những trở ngại ấy không phải là không có vấn đề, thậm chí khá phức tap. Bảo tồn và phát triển, giữ ngôi biệt thự cổ nguyên vẹn hay làm con đường thẳng tắp đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều chiều cạnh khác nhau.
Cá nhân người viết nghĩ rằng, quyết định khó khăn ấy của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có lẽ không vì từ dư luận báo chí, nếu có cũng chỉ tham khảo. Cuối cùng và lớn lao hơn là dựa trên tảng nền: Giữ lại ngôi biệt thự là trân trọng, bảo tồn một chứng nhân lịch sử; giữ lại một câu chuyện đầy thú vị cách nay hơn thế kỷ, giữ lại dáng vẻ kiến trúc không dễ gì có được trong ngày một ngày hai…
Có thể nói, đấy là tầm nhìn được dựa trên căn cước: văn hóa và lịch sử.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/bao-ton-ngoi-biet-thu-co-va-quyet-doan-cua-chinh-quyen-106988.html