KHÔNG NÊN CÓ MAY RỦI TRONG GIÁO DỤC
Bộ GD-ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, trong đó dự kiến quy định thi 3 môn vào lớp 10. Để hoàn thiện dự thảo này, Bộ GD-ĐT mới có công văn đề nghị các sở GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đối với một số nội dung của quy chế, bao gồm: dự thảo về số môn thi, đề thi vào lớp 10…
Dự thảo nêu 2 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển hoặc thi tuyển. Không còn phương thức thứ 3 như quy định hiện hành là kết hợp xét và thi tuyển.
Về phương thức thi tuyển, dự thảo quy định cụ thể: số lượng môn thi là 3 môn, gồm: toán, ngữ văn và một môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Dự thảo còn quy định chi tiết về cách thức bốc thăm môn thi thứ 3 và dự kiến quy định môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31.3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, thí sinh sẽ thi thêm môn chuyên.
Quy định về môn thi thứ 3 sẽ được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên khiến nhiều người tỏ ra bất ngờ và phản ứng, cho rằng: trò may rủi không nên đưa vào giáo dục. Hơn nữa, lên lớp 10, HS được lựa chọn môn học thì việc thi vào lớp 10 chỉ nên thi 3 môn là văn, toán, ngoại ngữ như lâu nay nhiều địa phương vẫn thực hiện.
Lý giải về điều này, một đại diện ban soạn thảo của Bộ GD-ĐT trả lời ngắn gọn: Bộ GD-ĐT mới đang xin ý kiến các sở GD-ĐT để trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo quy chế, công bố xin góp ý của xã hội. Việc Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ yêu cầu bốc thăm môn thi thứ 3 và công bố trước ngày 31.3 là để tránh việc HS ở cấp THCS học lệch, chỉ tập trung vào các môn thi.
Thực tế, nếu dự thảo này được thống nhất ban hành thì sẽ thay đổi lớn trong quy định về tuyển sinh lớp 10. Theo quy định hiện hành áp dụng hàng chục năm nay thì Bộ GD-ĐT không can thiệp vào cách thức tuyển sinh của từng địa phương mà giao cho địa phương lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp với mục tiêu và điều kiện thực tế của mình.
Chính vì vậy, lâu nay, mỗi địa phương đều có cách thức tuyển sinh riêng. TP.HCM và Hà Nội nhiều năm liền đều thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Riêng Hà Nội thì chủ trương thi thêm môn thứ tư và môn này cũng được bốc thăm ngẫu nhiên như cách mà Bộ GD-ĐT đang dự kiến áp dụng trên cả nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chỉ có 2 năm Hà Nội thực hiện thi 4 môn. Những năm gần đây Hà Nội thường tuyên bố bỏ môn thi thứ tư vào “phút chót” với lý do như dịch bệnh Covid-19 hoặc các nhà trường và nhà giáo đề xuất bỏ.
Công bố điểm chuẩn cùng lúc với điểm thi
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến yêu cầu: “Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi” thay vì các địa phương công bố điểm thi rồi một thời gian sau mới công bố điểm chuẩn như hiện nay.
KHÔNG THỂ VẬN HÀNH THEO CÁCH VÌ THI MÀ HỌC
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định về các phương thức được phép sử dụng để tuyển sinh vào lớp 10 hoặc số môn thi để tránh quá tải cho HS; còn việc lựa chọn phương thức nào, những môn thi nào thì nên tiếp tục giao cho địa phương như lâu nay.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Viện Khoa học – Giáo dục VN, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng Bộ GD-ĐT lo ngại thi cố định cả 3 môn sẽ gây học lệch cũng có lý. Tuy nhiên, cũng cần xét ở khía cạnh khác là việc bốc thăm một trong số các môn khiến môn nào cũng có thể trở thành môn thi và có thể xảy ra tình huống HS sẽ phải học thêm để luyện thi tất cả các môn học.
Cũng theo TS Tùng Lâm, không nên cổ xúy cho giáo dục ứng thí, chưa có nghiên cứu khoa học nào đánh giá xác đáng về việc thi cử sẽ thúc đẩy việc học theo hướng tích cực. Để HS thích học và thấy việc học là cần thiết không phải vì môn học ấy sẽ là môn thi mà phải là tổng hòa các điều kiện về chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng một mặt Bộ GD-ĐT muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học nhưng lại không bắt buộc thi môn này trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT…
Về việc chuẩn bị cho kỳ thi theo chương trình mới, thời điểm này mới chỉ có Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố cấu trúc, định dạng đề thi các môn. Trong đó, TP.HCM chỉ xây dựng cấu trúc đề thi 3 môn (toán, văn, ngoại ngữ); Hà Nội xây dựng thêm đề minh họa của các môn tích hợp là khoa học tự nhiên, lịch sử – địa lý. Đáng chú ý, hồi tháng 8, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 với 3 bài thi toán, văn, ngoại ngữ và kết hợp với việc xét học bạ bậc THCS của HS. Phương án này không có trong dự thảo mà Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến.
Đà Nẵng: Chấp hành chủ trương mà Bộ GD-ĐT đưa ra
Chiều 4.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang soạn thảo, đưa ra những nội dung đóng góp về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành. “Tinh thần của Sở sẽ có những đóng góp ý kiến từ địa phương như các tỉnh, thành phố khác. Từ đó Bộ GD-ĐT sẽ có quyết định chính thức. Ở cấp quản lý thành phố, ngành giáo dục TP.Đà Nẵng sẽ chấp hành những chủ trương mà Bộ GD-ĐT đưa ra”, ông Linh nói.
Cũng theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, việc Bộ GD-ĐT lấy ý kiến để hoàn thành dự thảo nhằm tránh việc HS học lệch, chỉ học những môn thi. “Ngoài môn toán, văn thì việc bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn còn lại theo cá nhân tôi nghĩ sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tổ chức thi”, ông Linh nêu ý kiến.
Huy Đạt
TP.HCM: Để địa phương chủ động chọn môn thứ 3
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, mong muốn giữ và giao quyền tự chủ trong việc chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 như hiện nay. Bởi mỗi địa phương xây dựng chiến lược phát triển giáo dục khác nhau, tùy vào thực tế, đặc thù.
Theo ông Minh, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 không đánh giá HS qua kiến thức một môn học mà tập trung đánh giá phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tế. Chính vì vậy, thi lớp 10, dù môn thứ 3 là môn nào cũng không lo ngại HS học lệch, thi lệch và chỉ tập trung vào học các môn học là môn thi mà thôi.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM diễn ra từ trước đến nay dù ổn định môn ngoại ngữ là môn thứ 3 thì kết quả học tập của HS cho thấy nhà trường, giáo viên cũng như HS vẫn đảm bảo về mục tiêu và định hướng của chương trình. Đặc biệt, từ nhiều năm trở lại đây, trong quá trình biên soạn và định hướng cho kỳ thi đầu cấp THPT, Sở GD-ĐT thực hiện chủ trương tăng cường các câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học từ các môn khác để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống.
Ngoài ra, thực hiện theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị và nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã giao thì trong năm học này trở đi, TP.HCM từng bước chuẩn bị cho quá trình thí điểm sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Chính vì vậy, việc TP.HCM chọn môn thi thứ 3 là ngoại ngữ là phù hợp cho mục tiêu phát triển xuyên suốt.
Một hiệu phó trường THPT tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) nói quy định việc bốc thăm chọn ra môn thi thứ 3 là không nên. Đó là một kiểu áp đặt thụ động. Còn nếu muốn đổi mới thì nên chăng cho HS tự chọn môn thi thứ 3.
Bích Thanh
Nguồn: https://thanhnien.vn/boc-tham-mon-thi-thu-3-vao-lop-10-de-hoc-sinh-khong-hoc-lech-185241004173348496.htm