Sự qua đời của ông Masamitsu Yoshioka được thông báo trên mạng xã hội vào ngày 28 tháng 8 bởi nhà báo và tác giả người Nhật Takashi Hayasaki, người đã nói chuyện với cựu phi công này vào năm ngoái.
“Khi tôi gặp ông ấy năm ngoái, ông ấy đã gửi gắm nhiều thông điệp giá trị một cách trang nghiêm”, nhà báo Hayasaki viết. “Người dân Nhật Bản đã quên điều gì quan trọng kể từ khi chiến tranh kết thúc chưa? Chiến tranh là gì? Hòa bình là gì? Cuộc sống là gì?”
Trong gần 80 năm kể từ khi Thế chiến II kết thúc, ông Yoshioka, sống tại phường Adachi của Tokyo. Ông từng đến thăm Đền Yasukuni để cầu nguyện cho các đồng đội, bao gồm 64 người Nhật đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào căn cứ của Mỹ ở Hawaii. Nhật Bản đã mất 29 máy bay và 5 tàu ngầm trong trận chiến đó.
Ông Yoshioka – khi đó là một phi công ném bom 23 tuổi đã thả một quả ngư lôi đánh chìm thiết giáp hạm không vũ trang USS Utah – hiếm khi phát biểu trước công chúng về 15 phút trên bầu trời Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941.
Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với phó giáo sư tại Đại học Reitaku ở Kashiwa, Jason Morgan cho trang web tiếng Anh Japan Forward, ông giải thích rằng: “Tôi xấu hổ vì tôi là người duy nhất sống sót và có cuộc sống lâu như vậy”.
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn đó rằng liệu ông có từng nghĩ đến việc đến thăm Trân Châu Cảng không, lúc đầu ông Yoshioka trả lời, “Tôi không biết phải nói gì”. Sau đó, ông nói thêm: “Nếu tôi có thể đi, tôi muốn đến, tôi muốn đến thăm mộ của những người đã chết. Tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc nhất của mình đối với họ.”
Ông Yoshioka đã gặp may mắn – trong trận Trân Châu Cảng cũng như nhiều lần xuất kích sau đó. Ông không chỉ sống sót sau cuộc tấn công kinh hoàng vào Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii và trở về tàu sân bay Soryu an toàn; ông cũng đang nghỉ phép vào tháng 6 năm 1942 khi con tàu bị đánh chìm trong Trận Midway.
Ông đã tham chiến tại Quần đảo Palau nhưng lại đi điều trị hồi phục sau cơn sốt rét ở Philippines vào năm 1944 trước trận Peleliu đẫm máu. Và vào thời điểm máy bay Nhật Bản được lệnh thực hiện các cuộc tấn công kamikaze (cảm tử) vào những tàu của Đồng minh ở Thái Bình Dương, máy bay của ông đã bị đình chỉ do thiếu phụ tùng thay thế.
Sau chiến tranh, ông Yoshioka phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản rồi giải ngũ và làm việc cho một công ty vận tải.
Nguyễn Khánh (theo New York Times)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-nem-bom-tran-chau-cang-cuoi-cung-qua-doi-o-tuoi-106-post315222.html