Số lượng công trình xanh tại Việt Nam vượt mục tiêu
Trong những năm vừa qua, Việt Nam có nhiều chủ trương, khuyến khích phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Theo số liệu thống kê, đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2.
Trong phiên toàn thể Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024 diễn ra vào ngày 4/10, ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.
“Trong Chương trình này, Thủ tướng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 80 công trình xây dựng; đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, số lượng công trình xanh đã vượt mục tiêu”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về công trình xanh, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dich vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành: Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh; Quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; Nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025.
Đồng thời, Bộ Xây dựng tổ chức triển khai và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội theo tiêu chí công trình xanh.
Chuyển đổi xanh từ giải pháp kiến trúc cho công trình xây dựng
Theo TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng cần từ quy hoạch, kiến trúc, tổ hợp công trình xây dựng, đến những công trình xây dựng đơn lẻ.
Đó là, sử dụng hiệu quả năng lượng đi đôi với giảm thiểu sử dụng năng lượng không thể tái tạo; Giảm phát thải carbon bằng giải pháp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công nghệ xây dựng sạch; Thúc đẩy sử dụng bền vững và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên theo tinh thần nương nhờ; Tạo được môi trường bên trong và bên ngoài an toàn, tiện nghi, bảo vệ sức khỏe cho con người góp phần bảo tồn phát huy văn hóa bản địa và hội nhập tiên tiến trên tinh thần không hòa tan.
Trước đây, chuyển đổi xanh chỉ tập trung cho khu vực đô thị. Ngày nay, nông thôn đã tự do phát triển hỗn loạn và thiếu bài bản, chuyển nhanh từ “xanh” sang “xám”, chuyển đổi xanh ở vùng miền này cũng trở nên quan trọng không kém gì đô thị.
Ông Phan Đăng Sơn cho rằng, chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng. Việc đánh giá phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ.
Với công trình, tổ hợp công trình hình thành mới, cần xác định mục tiêu bền vững và cụ thể. Lựa chọn khung đánh giá phù hợp. Sử dụng công nghệ và sáng tạo. Kiểm định, đánh giá liên tục quá trình triển khai. Kiểm soát và vận hành kết nối liên hệ. Với công trình, tổ hợp đã hình thành từ trước khi chuyển đổi xanh, cần có sự đánh giá hiện trạng. Sử dụng công nghệ và sáng tạo để triển khai. Các bước kiểm soát suốt quá trình triển khai. Vai trò mới trong kết nối quy hoạch…
Kiến trúc xanh là kiến trúc được áp dụng một cách sáng tạo, hiệu quả các giải pháp thiết kế mà xây dựng, vận hành cho đến loại bỏ đều đáp ứng thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Sử dụng hiệu quả tối ưu năng lượng, tài nguyên, vật liệu. Tạo tiện nghi và sức khỏe tốt cho người sử dụng. Hài hòa phù hợp với cảnh quan sinh thái tự nhiên, bản sắc văn hóa, điều kiện xã hội, tính nhân văn.
Công trình xanh thì phải thỏa mãn những yếu tố thân thiện môi trường toàn diện hơn kiến trúc xanh, nhưng yếu tố gắn với xã hội và con người về mặt nhân văn lại không cần đáp ứng rõ và đầy đủ như kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh thỏa mãn yêu cầu thẩm mỹ và công năng tốt, giải quyết hiệu quả về tính bản sắc, tiên tiến về hình thái – nội dung, đạt hiệu ứng rõ ràng về đáp ứng tính bản địa gắn với phong tục tập quán địa phương.
Trong điều kiện tự nhiên, khí hậu, thủy văn các vùng miền rất khác nhau, chịu ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu không giống nhau, bản sắc văn hóa khác nhau, con người lối sống khác nhau, các giải pháp kiến trúc xanh cần gắn chặt điều kiện cụ thể tại các vùng đó.
Ông Phan Đăng Sơn đề xuất một số gợi hướng mang tính chất khung chung cho thể loại công trình xây dựng mới: Giải pháp với việc xác lập địa điểm bền vững; Giải pháp cho sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; Giải pháp đảm bảo chất lượng môi trường bên trong nhà; Giải pháp đáp ứng tính bản sắc và tiên tiến của kiến trúc; Giải pháp đáp ứng tính xã hội và nhân văn…
Nguồn: https://www.congluan.vn/so-luong-cong-trinh-xanh-tai-viet-nam-da-vuot-muc-tieu-post315299.html