Hội nghị khai mạc với sự tham dự của gần 150 đại biểu bao gồm các nhà khoa học, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hội nghị vinh dự đón tiếp các diễn giả là những chuyên gia và nhà khoa học uy tín trên thế giới trong lĩnh vực sinh học, bao gồm: Giáo sư Hui-Min David Wang, Đại học quốc gia Trung Hưng, Đài Loan (Trung Quốc); Giáo sư Thomas Ziegler, Viện Nghiên cứu Động vật học thuộc Đại học Cologne, Đức; Giáo sư Takayuki Tohge, Viện Khoa học và Công nghệ Nara (NAIST), Nhật Bản; Giáo sư Aung Htay Naing, Đại học quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc; Tiến sĩ Thomas Kesteman, Đại học Oxford, Vương quốc Anh…
Hội nghị là cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế chia sẻ thành tựu nghiên cứu, cập nhật các tiến bộ trong nghiên cứu sinh học. |
Hội nghị “Gặp gỡ Quy Nhơn lần thứ 7: Hội nghị quốc tế sinh học 2024” tiếp tục được tổ chức với chủ đề “Từ kết nối đến hợp tác”. Năm nay, hội nghị bao gồm 9 bài báo cáo quan trọng tại phiên toàn thể, 36 bài trình bày tại hội trường, 53 poster được chọn lọc, tập trung vào nhiều chủ đề khác nhau trong lĩnh vực khoa học sự sống.
Các chủ đề bao gồm: các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật; vai trò và sự đa dạng của vi sinh vật trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay như an ninh lương thực, môi trường bền vững, và sức khỏe; ứng dụng lợi thế của OMICS, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong việc cải thiện sức khỏe con người, an toàn thực phẩm và môi trường.
Giáo sư Trần Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành phát biểu tại hội nghị. |
Giáo sư Trần Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành cho biết, hội nghị quốc tế sinh học 2024 tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế chia sẻ thành tựu nghiên cứu, cập nhật các tiến bộ trong nghiên cứu sinh học ở Việt Nam và trên thế giới. Đây không chỉ là nơi học hỏi, mà còn là diễn đàn để kết nối và hợp tác với các nhà khoa học uy tín, từ đó xây dựng một cộng đồng khoa học đầy tiềm năng và sáng tạo cho tương lai.
Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu trẻ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về những thách thức nghiên cứu, đồng thời tiếp cận thông tin về các cơ quan tài trợ trong và ngoài nước thông qua các bài báo cáo của các diễn giả mời. Những cơ hội giao lưu và hợp tác này sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp các nhà khoa học trẻ phát triển sự nghiệp và đóng góp vào sự tiến bộ chung của khoa học trong tương lai.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm ICISE. |
Trải qua các kỳ tổ chức, “Gặp gỡ Quy Nhơn: Hội nghị quốc tế sinh học” đã phát triển theo mô hình chuẩn quốc tế và nhận được đánh giá cao từ cộng đồng các nhà sinh học trong và ngoài nước. Các trao đổi khoa học được xem là yếu tố then chốt cho sự thành công của các nhà khoa học, từ giai đoạn đầu trong quá trình học tập đến suốt sự nghiệp.
Hội nghị dự kiến sẽ trao các giải thưởng mang tính khích lệ và động viên tinh thần cho những nhà khoa học trẻ có báo cáo xuất sắc, những người tham gia tích cực nhất trong mọi hoạt động khoa học và tương tác tại hội nghị, cũng như các nhà khoa học nữ tiêu biểu.
Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ chọn 10-20 bản tóm tắt chất lượng cao để đề xuất đăng trên Tạp chí Công nghệ Sinh học (VAST2).
Nguồn: https://nhandan.vn/gan-150-nha-khoa-hoc-nghien-cuu-sinh-tham-du-hoi-nghi-quoc-te-sinh-hoc-2024-post834422.html