Hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ sẽ diễn ra buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với doanh nhân Việt Namđể ghi nhận những dấu mốc quan trọng của cộng đồng doanh nhân suốt thời gian qua. Đồng thời, tổng hợp các ý kiến, đề xuất và giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, giải phóng nguồn lực và tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam hiện có hơn 900.000 doanh nghiệp hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh và gần 30.000 hợp tác xã với đội ngũ doanh nhân lên tới hàng triệu người. Các doanh nghiệp và doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, từ nông nghiệp đến công nghiệp và dịch vụ. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu, góp phần đưa thương hiệu Việt ra thế giới và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận định:Đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mới, các doanh nhân Việt Nam đã chứng tỏ được sức mạnh và sự kiên cường của mình trước những thách thức.
Tại các buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của những năm tới là Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo tinh thần tại Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ tác động của dịch bệnh COVID-19, biến động thị trường xuất nhập khẩu do các xung đột địa chính trị từ những nước lớn, tình hình thiên tai địch họa…nhưng các doanh nhân Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi và tìm ra những giải pháp sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ và chủ động tìm kiếm thị trường mới, từ đó không chỉ vượt qua khó khăn mà còn mở rộng quy mô và cải thiện năng lực cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng ghi nhận: Không chỉ có vậy, các doanh nhân còn phải đối mặt với áp lực từ việc đổi mới và phát triển bền vững, tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội… cũng thúc đẩy họ chủ động áp dụng các biện pháp sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng đến tối ưu hóa quy trình sản xuất, tạo ra giá trị lớn hơn cho cộng đồng.
Khẳng định vai trò đầu tàu của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho hay, những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số và hướng tới sự phát triển bền vững đã và đang trở thành động lực mạnh mẽ, giúp thay đổi tư duy của nhiều doanh nghiệp. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hiện đang giữ những vị trí, vai trò then chốt trong nền kinh tế số. Từ đó, góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu và nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã làm rạng rỡ trí tuệ, nghĩa khí, tài năng Việt Nam khi tên tuổi đã vượt ra ngoài đất nước, xếp hạng cùng những doanh nhân lớn trên thế giới.
“Là một doanh nhân, bản thân tôi luôn chú trọng đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại; đổi mới phương pháp quản trị công ty theo công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, chăm lo đến đời sống của người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ, quyền lợi, đảm bảo 100% lao động có việc làm ổn định, đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, hoàn thành nộp ngân sách Nhà nước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội”, ông Thời bày tỏ.
Chia sẻ từ thực tiễn, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết: Doanh nhân Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc. Điều này khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, còn tồn tại thực tế là doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé, trình độ quản trị thấp, vốn ít, khoa học công nghệ lạc hậu và chưa có nhiều doanh nghiệp lớn dẫn dắt. Thêm vào đó, tính liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chưa tốt, chưa thật chặt chẽ. Không ít doanh nhân đang đặt lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế lên trên tất cả mọi lợi ích của xã hội. Ngoài ra, việc đào tạo đội ngũ doanh nhân chưa thật tốt và cũng chưa được chú trọng. Đâu đó vẫn có tình trạng, doanh nhân lợi dụng cơ chế chính sách pháp luật về kinh doanh không đồng bộ, không chặt chẽ để trục lợi…
Trước thực tế này, ông Báo cho rằng, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần tăng cường sự liên kết mật thiết và chặt chẽ hơn nữa. Giữa các doanh nghiệp cùng ngành nên có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tránh tình trạng mạnh ai người ấy làm, thủ đoạn thao túng trong kinh doanh…
“Chỉ khi tất cả doanh nhân Việt Nam sống có tâm vì sự phát triển đất nước, vì người lao động của đơn vị mình và vì giá trị sản phẩm mà doanh nghiệp đem lại cho xã hội, tin chắc rằng đất nước sẽ ngày càng phát triển”, ông Báo khẳng định.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/ngay-doanh-nhan-viet-nam-13-10-vuot-thach-thuc-khang-dinh-ban-linh-doanh-nhan-viet/20241004095319143