Tin mới y tế ngày 2/10: Trẻ suy dinh dưỡng nặng do mắc tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sẽ gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.
Trẻ suy dinh dưỡng nặng do mắc tim bẩm sinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa tiếp nhận trẻ 3 tháng nhưng chỉ nặng 3,6 kg (lúc sinh 3,1 kg), khó thở do tăng áp động mạch phổi, suy tim nặng.
Mẹ bé kể bé bú ngắt quãng, thở mệt, vã mồ hôi nhiều khi bú, chậm lên cân. Kết quả siêu âm tim xác định bé có lỗ thông liên thất lớn (8 mm) dẫn đến suy tim.
Thông liên thất xảy ra khi có sự xuất hiện của một hay nhiều lỗ nằm trên vách ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải.
Khi đó, máu giàu oxy từ tâm thất trái đổ vào tâm thất phải rồi lên thẳng động mạch phổi, làm tăng thể tích và áp lực trong hệ tuần hoàn phổi cũng như tăng lượng máu trở về tim trái. Đồng thời, tim phải làm việc nhiều hơn, lâu dần khiến tim bị giãn.
Ảnh minh hoạ |
Theo Ths.Nguyễn Minh Trí Viên, cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhi luôn ở trạng thái khó thở, ăn uống kém, chậm tăng cân, cần can thiệp đóng lỗ thông liên thất sớm để cải thiện hô hấp, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Nếu chậm trễ điều trị sẽ dễ biến chứng buồng tim giãn, áp lực động mạch phổi tăng cao gây tổn thương động mạch phổi, viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng trên bề mặt nội mạc của tim), suy dinh dưỡng nặng vì ăn uống và hấp thu kém.
Các bác sỹ lo ngại vì bệnh nhi vừa bị suy dinh dưỡng vừa suy tim và tăng áp động mạch phổi nặng. Đây là những yếu tố gây khó khăn rất lớn đối với quá trình gây mê – hồi sức.
Trong lúc gây mê, cần cẩn thận không để cho bé bị kích thích đau vì sẽ làm nặng thêm tình trạng tăng áp phổi.
Sau khi bé ngủ sâu, bác sỹ mới tiến hành đặt nội khí quản, tiếp tục thực hiện gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau trong mổ tới 90%, hạn chế phải dùng morphin sau mổ.
Vì cơ thể bé quá gầy nên khi thực hiện khó xác định lớp cơ, phải nhờ đến sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm với độ phân giải cao để định vị mặt phẳng cơ dựng sống, từ đó luồn dây dẫn một cách chính xác.
Bên cạnh đó, nồng độ thuốc tê cũng phải phù hợp với một em bé suy dinh dưỡng, nếu quá liều sẽ dễ gây ngộ độc thuốc tê hoặc tổn thương hệ thần kinh.
Quá trình gây mê hoàn tất. Bác sỹ Viên cùng êkíp bắt đầu phẫu thuật, dùng mô tự thân (để tránh hiện tượng đào thải sau mổ) vá lỗ thông trên vách ngăn giữa hai tâm thất. Ca mổ kết thúc thuận lợi sau 3 giờ.
Bệnh nhi được rút nội khí quản sớm, chỉ sau phẫu thuật 4 giờ, giảm dần các thuốc và xuất viện sau đó 5 ngày.
Tái khám sau xuất viện một tuần, mẹ bé kể bé đã bú tốt hơn, không còn vã mồ hôi khi bú, đêm bé ngủ ngon giấc, vết mổ đã lành, cân nặng lên được 4.2 kg. Bé tiếp tục được theo dõi, tái khám định kỳ theo lịch hẹn.
Bác sỹ Thủy cho biết thông liên thất là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm hơn 37% tổng số bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em, với tỷ lệ mắc khoảng 0,3% ở trẻ sơ sinh.
Thông liên thất nhỏ (dưới 3 mm) thường không cần điều trị vì lỗ thông sẽ tự đóng khi trẻ lớn lên. Đối với các lỗ thông liên thất kích thước vừa (đường kính 3- dưới 5 mm) và lớn (đường kính từ 5 mm trở lên), khả năng tự đóng rất thấp. Lúc này, cần xem xét các phương pháp điều trị bít lỗ thông bao gồm thông tim đóng lỗ thông qua da và phẫu thuật tim hở vá lỗ thông.
Các dấu hiệu của thông liên thất kích thước trung bình – lớn có thể xuất hiện ngay trong tháng đầu sau sinh. Các lỗ thông nhỏ thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi trẻ trưởng thành.
Do đó, việc thai phụ đi khám, siêu âm thai đúng lịch hẹn, tầm soát tim bẩm sinh sau khi trẻ chào đời cho đến khi lớn lên là rất cần thiết, giúp phát hiện bệnh sớm, có kế hoạch theo dõi và điều trị phù hợp, bác sỹ Thủy khuyến cáo.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 1,5 triệu trẻ ra đời, trong đó khoảng 10.000-12.000 trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh.
Còn trên thế giới, mỗi năm có khoảng 1-1,5 triệu trẻ em sinh ra bị mắc dị tật bẩm sinh. Có khoảng 1/4 trẻ mắc dị tật tim cần phẫu thuật trong năm đầu sau sinh, 4,2% số tử vong sơ sinh do dị tật tim bẩm sinh.
Cảnh báo thói quen tự điều trị tại nhà bằng lá cây, thuốc nam
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân bị biến chứng, nhiễm trùng da do tự điều trị tại nhà bằng thuốc nam, lá cây khi bị bỏng và vẩy nến.
Bệnh nhi (2 tuổi, trú Đông Triều, Quảng Ninh) bị bỏng nước sôi tại nhà. Sau khi được sơ cứu tại trung tâm y tế gần nhà thay vì chuyển lên tuyến trên để điều trị dứt điểm bệnh thì gia đình lại xin về, tự đắp các loại thuốc nam với hy vọng vết thương sẽ nhanh chóng khỏi.
Kết quả, chỉ sau 2 ngày tự đắp các loại thuốc nam, vết bỏng vùng mông, bộ phận sinh dục, cẳng chân, bàn chân của bệnh nhi ửng đỏ, chảy dịch. Lúc này, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.
Bệnh nhân thứ 2 bị bệnh vảy nến nhưng lại không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sỹ mà tự ý tắm bằng một số loại lá cây theo nhiều người mách bảo.
Sau vài lần tắm, người bệnh thấy xuất hiện nhiều vết phỏng da, kèm theo đó là cảm giác nóng, rát, đau tại các vết phỏng.
Các bác sỹ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, dù đã rất nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp nhập viện với những biến chứng như loét, nhiễm trùng, hoại tử… mà nguyên nhân là do việc tự điều trị không đúng cách. Do vậy, mỗi người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách thăm khám và lắng nghe tư vấn của bác sỹ khi có vấn đề bất thường về sức khỏe.
Thực tế,có rất nhiều trường hợp người bệnh đã tự điều trị tại nhà tại bằng các phương thuốc truyền miệng, các cách chữa mẹo.
Những cách chữa này chưa hề được kiểm chứng bởi khoa học và hậu quả là bệnh không thuyên giảm mà có xu hướng nặng nề hơn. Khi đó người bệnh mới vội vàng đến bệnh viện, gây khó khăn cho việc điều trị, thời gian điều trị kéo dài và gây nhiều đau đớn cho người bệnh.
Căng thẳng loại bỏ khối u gan
Các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa trải qua 9 giờ căng thẳng phẫu thuật loại bỏ khối u gan ác tính đã tiến triển đến giai đoạn cuối, xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch cửa cho bệnh nhân nam 42 tuổi.
Bệnh nhân nam Đ.N.T. nhập Khoa Ngoại Gan mật, Tiêu hóa và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khối u gan to gần 20cm xâm lấn cơ hoành, có cả huyết khối thân chung tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới lan tới sát tim.
Khối u rất lớn, thường xuyên gây ra những cơn đau cho bệnh nhân, kèm theo nguy cơ vỡ bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, huyết khối thân chung tĩnh mạch cửa cũng có thể dẫn đến suy gan cấp và các biến chứng như vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Đặc biệt, huyết khối tĩnh mạch chủ dưới với nguy cơ tử vong cao.
Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân T. được chẩn đoán mắc viêm gan B thể hoạt động từ năm 2014. Tuy nhiên, do cuộc sống bận rộn, bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Đầu năm 2024, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau tức hạ sườn phải và sút cân nghiêm trọng, mất khoảng 8-10kg. Đến tháng 5/2024, bệnh nhân được phát hiện là ung thư gan giai đoạn muộn.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Trường Giang, khoa Ngoại Gan mật, Tiêu hóa và Ung bướu cho biết, khối u của bệnh nhân không chỉ gây đau đớn liên tục mà còn có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Nếu không phẫu thuật, sẽ dẫn đến suy gan cấp, gây tử vong nhanh chóng.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ đã cân nhắc có ba yếu tố chính trong trường hợp này. Thứ nhất, bệnh nhân mới 42 tuổi, chức năng cơ bản của cơ thể vẫn ổn định. Bệnh nhân đủ khả năng chịu đựng một ca phẫu thuật lớn. Về chức năng gan, trước phẫu thuật, các xét nghiệm chức năng gan của bệnh nhân cho thấy phần gan còn lại sau khi cắt gan phải vẫn đủ để duy trì hoạt động, giảm thiểu nguy cơ suy gan sau mổ.
Mặc dù bệnh nhân đã ở giai đoạn ung thư tiến xa, nhưng mục tiêu của phẫu thuật không phải là chữa khỏi hoàn toàn mà là kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sỹ Giang cho biết, đây là một ca phẫu thuật rất khó khăn, bởi bệnh nhân ở giai đoạn cực kỳ muộn, với khối u lớn, xâm lấn mạch máu chính. Tỷ lệ thành công trong những trường hợp như thế này là rất thấp. Nhưng phẫu thuật lại là lựa chọn duy nhất vào thời điểm hiện tại.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 9 giờ đồng hồ, bao gồm việc cắt bỏ hoàn toàn gan phải (kích thước gần 20cm), lấy huyết khối từ tĩnh mạch chủ dưới và tái tạo lại mạch máu.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải sử dụng hệ thống hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể để duy trì sự ổn định tuần hoàn máu. Đặc biệt, các bác sỹ phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng rối loạn đông máu, mất máu nhiều và toan chuyển hóa nặng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, tình trạng của bệnh nhân bắt đầu cải thiện sau hai ngày. Đến ngày thứ năm sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được rút ống thở và các cơ quan dần hồi phục. Hiện bệnh nhân đã ổn định và ra viện.
Bác sỹ Giang chia sẻ thêm, tại thời điểm này, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị tối ưu cho các trường hợp ung thư gan tiến xa như của bệnh nhân.
Phẫu thuật vẫn là phương án điều trị có tỷ lệ thành công cao nhất. Tuy nhiên, các nhân viên y tế phải theo dõi cực kỳ sát sao trong quá trình hồi phục để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-210-tre-suy-dinh-duong-nang-do-mac-tim-bam-sinh-d226377.html