Chủ đề của Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 là “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” với nhiều hoạt động diễn ra khắp các quận huyện của Thành phố.
Cụ thể, các địa phương tổ chức hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; huy động đầu tư thiết bị, tủ sách cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là các điểm trường có điều kiện hạn chế. Ngoài ra còn đa dạng hóa các dịch vụ thư viện, đẩy mạnh thư viện lưu động nhất là ở các huyện ngoại thành,…
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc, thu thập thông tin, ứng dụng công nghệ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, đọc sách không chỉ là một sở thích mà còn là một hành trình khám phá tri thức, mở rộng tầm nhìn và rèn luyện tư duy. Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời là cách hoàn thiện tri thức kỹ năng của bản thân để góp phần trở thành công dân học tập toàn cầu.
Bà Thuý cũng yêu cầu mỗi quận huyện cần tích cực xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn, nhằm giúp cho mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp hơn. Mỗi người dân xây dựng thói quen đọc sách, tích cực học tập, tự giác xây dựng năng lực tự học để trở thành công dân số, công dân của Thành phố học tập toàn cầu UNESCO.
Dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng trao công nhận cho TP.HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, TP.HCM đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 (đây là mức độ cao nhất) nhờ những nỗ lực vượt bậc.
Trong khi điều kiện của TP.HCM còn nhiều khó khăn, thách thức như quy mô dân số lớn nhất cả nước, lượng dân di dân lớn, một số thiết chế văn hoá còn thấp, số lượng thư viện còn ít so với quy mô dân số…
Ông Thưởng nhấn mạnh, một lợi thế của TP.HCM giúp thành phố có thể vượt qua thách thức là sự năng động, chủ động sáng tạo, không ngừng đổi mới của người dân thành phố, không chỉ trong kinh tế mà còn là văn hoá, xã hội qua khả năng tự học, dám đổi mới.
“Chúng tôi tin rằng với truyền thống năng động, sáng tạo làm việc hết sức thực chất của lãnh đạo thành phố, sở ban ngành, ngành giáo dục đào tạo thì phong trao xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời cũng như văn hoá đọc của TP.HCM sẽ ngày càng phát triển, đi vào thực chất”, ông Thưởng nói.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/tphcm-khai-mac-tuan-le-huong-ung-hoc-tap-suot-doi-nam-2024-post1125788.vov