Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, ngày 7-5 UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức các đoàn: Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam; các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đi thăm, khảo sát thực địa tiềm năng, lợi thế tại một số dự án trọng điểm tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS).
Đoàn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm giới thiệu tiềm năng, lợi thế Khu kinh tế Nghi Sơn.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Lọc Hoá dầu Nghi Sơn báo cáo tình hình hoạt động với đoàn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam.
Đoàn DN Nhật Bản nghe thông tin tình hình hoạt động của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Tham gia các đoàn, về phía Nhật Bản có ông Hayashi Motoo, Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam cùng các nghị sĩ, các doanh nhân. Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp tỉnh.
Các đoàn đã đi tham quan, tìm hiểu hoạt động tại Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã tiếp đón, thông tin tới các đoàn về quy mô, quá trình đầu tư xây dựng, tình hình hoạt động của nhà máy từ khi đi vào vận hành. Theo đó, Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn là công trình có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại tỉnh Thanh Hoá với sự tham gia góp vốn của doanh nghiệp Nhật Bản.
Lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thông tin tình hình hoạt động của nhà máy.
Từ khi đi vào vận hành chính thức (tháng 11-2018), dù có những thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới, kết cấu, công nghệ phức tạp của nhà máy, nhưng Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn luôn nỗ lực tái cấu trúc để vận hành dự án hiệu quả. Với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 10 triệu tấn dầu thô/năm, Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn đã đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu xăng, dầu của Việt Nam. Nhà máy đã sản xuất được 12 sản phẩm lọc dầu, hóa dầu bán ra thị trường như: Khí hóa lỏng LPG, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa, Benzen, Polypropylene và lưu huỳnh… Đây cũng là tiền đề căn bản cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp sau lọc dầu, dịch vụ phát triển.
Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn chụp ảnh lưu niệm với đại diện các DN đến từ Nhật Bản.
Các đoàn cũng đã tham quan, tìm hiểu tình hình hoạt động, năng lực trung chuyển của hệ thống Cảng Nghi Sơn. Theo đó, khu vực cảng biển Nghi Sơn rộng 741 ha, được quy hoạch thành 60 bến, trong đó có cả bến tổng hợp, bến chuyên dụng và bến container. Đến thời điểm hiện tại, đã có 20 bến đi vào hạt động, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn. Trong đó, Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn hiện đã thu hút được 2 hãng tàu mở tuyến vận tải container. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc hỗ trợ các hãng tàu và DN thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng biển Nghi Sơn.
Đoàn tìm hiểu quy hoạch KKTNS.
Đại diện Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp tỉnh đã khái quát tình hình phát triển của KKTNS, những điều kiện thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi khi các DN đầu tư. Theo đó, sau 17 năm thành lập và phát triển, KKTNS đã được điều chỉnh quy hoạch lên 106.000 ha với 55 phân khu, và là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, được xây dựng với mục tiêu trở thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp nặng gắn với Cảng biển nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu từ 250.000 tấn.
Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các DN chụp ảnh lưu niệm tại Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.
KKTNS chỉ cách thủ đô Hà Nội 180 km, cách Cảng hàng không Thọ Xuân hơn 60 km; có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với đầy đủ các loại hình như đường bộ, đường sắt, đường biển, rất thuận lợi cho trung chuyển hàng hoá. KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 71 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13,6 tỷ USD. Trong số đó có 13 dự án có vốn FDI Nhật Bản, với tổng mức đầu tư hơn 12,5 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 92,1%. Hiện nay, hạ tầng giao thông, kết nối trong KKTNS đang được tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đầu tư, tạo thuận lợi, đầy đủ điều kiện về cấp điện, cấp nước cho các DN đầu tư hoạt động.
* Cũng nhân dịp này, chiều 7-5 đoàn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam đã đi thăm Di sản văn hoá thế giới thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc). Tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Uỷ viên dự Khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch, Sở Ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh và huyện Vĩnh Lộc.
Các đại biểu tham quan, nghe thuyết minh về Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ – một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới đoàn đã thăm nhà trưng bày các hiện vật được khai quật tại đây; nghe giới thiệu về những giá trị văn hoá, lịch sử của công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm chính trị, văn hóa – xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Nhóm PV Kinh tế